Home Blog Page 4

Giấc mơ bị đánh mất

0

Chẳng nhớ được gì về giấc mơ đêm qua
Tỉnh giấc chỉ mình tôi giữa căn phòng trống
Ai đã mang giấc mơ tôi đi
Hay giấc mơ đã tự rời bỏ trong đêm nguyệt thực?
Dấu tích chỉ còn lại những vết trầy xước nơi lồng ngực căng đầy

Hẳn tôi đã ở đấy rất lâu
Giữa đôi ngọn núi chập chùng phủ màu u ám
Đỏ quạch vầng trăng mùa viên mãn
Ú ớ cơn mê hao khuyết hình hài.

Hẳn ai đó đã đặt chân đến căn phòng của tôi trong giấc mơ đêm qua
Đôi dép còn để hờ nơi ngạch cửa
Rõ ràng tôi nghe tiếng con mực sủa

Nửa đêm cửa sổ mở và tinh mơ có những dấu chân trên bờ tường.
Bằng cách nào đó tôi đã vẽ rất nhiều khối lập phương

Trên những cánh hoa tulip vừa được cắm
Đêm qua hình như có cơn mưa ngang qua thành phố
Cơn khát tôi uống cạn bầu trời…
Và tôi đã hát bằng lời của loài thiên di.

Chẳng còn nhớ được gì…

Tôi bắt đầu với cơn mệt buổi sáng
Chẳng còn nhớ gì…

Tôi thức dậy cùng những hoang mang
Giữa căn phòng trống.

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Khúc qua Vàm Cống

0

Cầu Vàm Cống được thông xe,
những chuyến phà ngược xuôi đã đi vào dĩ vãng…

Nửa đêm về ngang Vàm Cống
Xót xa một khúc thương hồ
Mỏng mảnh vầng trăng mùng chín
Dập dềnh như phận bèo trôi

Ai vì nửa câu dạ cổ
Xuôi chèo tìm nhặt chờ mong
Đêm nay lắng trong trầm tích
Phù sa nặng chín dòng sông

Có nhánh sông không về biển
Xót lòng nghe điệu xàng xê
Ai thương và ai lỗi hẹn
Dạt trôi lạc mất hẹn thề

Nên trăng mồ côi từ đấy
Đời ta cũng buồn như sông
Để tiếng đờn kìm thổn thức
Từ khi em bỏ cánh đồng

Đành thôi một đêm Vàm Cống
Sóng sánh một vầng trăng tan
Đành thôi thương bờ bến cũ
Về đây dẫu có muộn màng…

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Tác phẩm dự kiến đoạt giải ở cuộc thi thơ Khu vực ĐBSCL lần thứ VI năm 2020

0

Cuộc thi thơ Khu vực ĐBSCL lần thứ VI năm 2020 do 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang đăng cai sau gần 6 tháng phát động (từ 16/3 đến 10/9/2020), Ban Tổ chức đã nhận được 587 tác phẩm gửi tham dự, trong số đó có 3 tác phẩm vi phạm thể lệ cuộc thi. Cuộc thi lần này, Ban Tổ chức giới hạn mỗi tác giả chỉ gửi dự thi nhiều nhất 5 bài với cùng một bút danh.

Qua vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn 244 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ban Chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL năm 2020 gồm: Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (Trưởng ban); Nhà thơ VŨ HỒNG – Liên chi Hội trưởng Hội Nhà văn Việt Nam khu vực ĐBSCL và Nhà thơ ĐINH THỊ THU VÂN – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Long An, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Long An.

Ngày 17/11, Ban Tổ chức cuộc thi Thơ ĐBSCL đã mời Ban Giám sát (gồm có Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Long – Hội trực năm 2020, Trưởng phòng Khoa giáo – BTG Tỉnh ủy, Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh An Giang, Đại diện Phòng PA83- Công an An Giang) họp khui phiếu điểm của Ban Chung khảo, cộng điểm và căn cứ vào thể lệ cuộc thi đã thống nhất chọn ra 11 tác phẩm dự kiến trao giải cuộc thi và 8 tác phẩm tặng thưởng Thơ hay viết về An Giang và Tri Tôn.

Dự kiến tổng kết và trao giải vào trung tuần tháng 12/2020 tại Thành phố Long Xuyên, An Giang. Ban Tổ chức cũng chọn ra một số tác phẩm tiêu biểu để in Tuyển tập thơ từ cuộc thi.

Trương Trọng Nghĩa xin giới thiệu các tác phẩm được Ban Tổ chức dự kiến trao giải của cuộc thi lần này…

1. SINH NHẬT MẸ – Trần Đức Tín

bốn đứa con xa ngất mấy phương trời
con từng viết trăm bài thơ, ngàn lời yêu cho những cô gái lạ
từng thức trắng đêm
thin thít những giọt nước mắt cho hụt hẫng trong con
từng chúc mừng, tổ chức sinh nhật cho bè bạn thân sơ
nhưng chưa lần nào là cho mẹ
chưa lần nào chúc mẹ một vài lời
chiếc phone ú ớ
con khờ dại cố tỏ ra mình vững chãi

câu yêu thương lau lách

mấy dặm đường mê mải không đủ sức về quê
mẹ đã ru con, hát con nghe về bầu trời
con lại không cất được tiếng ca nào về mẹ
mẹ ơi…
phận sông chảy ra biển lớn không về
chúng con mải kiếm cội mình xa xăm

hôm nay sinh nhật mẹ tôi
mái nhà lá rách bạc vôi mấy lần

chúng con:
bất hiếu
vong ân
đời mẹ khô héo muôn phần:
lỗi con…

con đi cuối đất cùng non
lạy buồng chuối chín héo hon đừng về

lạy mẹ
lạy tiếng ru quê

mẹ đừng cưỡi hạc sáo thề con đau

lạy hiên trước
lạy vườn sau

đừng phau phau trắng làm đau ruộng đồng
con về đốt cạn mênh mông
nằm ôm chân mẹ mà hong khói chiều.

2. CHỊ ƠI! EM MUỐN VỀ THĂM NHÀ – Ngô Thị Thu Vân

Chị ơi! Em muốn về thăm nhà
Để được nghe tiếng con chìa vôi líu lo chuyền cành buổi sớm
Tiếng con bìm bịp ngoài sông kêu nước lớn
Tiếng com chim vịt chiều chiều gọi bạn tình xa
Chị ơi! Em muốn về thăm nhà
Để nửa đêm nghe tiếng dừa khô rụng
Tiếng con cóc cửng – quảy nước ngoài mương
Chị ơi! Em thèm hít hà mùi gió chướng
Thèm tô canh chua cá linh bông điên điển
Thèm cái vị ngọt giòn của trái chôm chôm
Thèm múi sầu riêng, nhớ chuồng bò
Em nhớ lắm những gương mặt người hiền khô như lá cỏ
Em xa quê mấy chục năm rồi đó
Cũng không nguôi nỗi nhớ chị, nhớ nhà
*
Tội nghiệp em tôi, thân gái lấy chồng xa
Cách một đại dương – hơn nửa vòng trái đất
Làm sao em biết được
Quê mình đâu còn giống như xưa
Dòng Hàm Luông vốn đỏ nặng phù sa
Giờ trong vắt một màu xanh biển mặn
Những vườn chôm chôm, sầu riêng qua mùa hạn
Chống chọi với nắng
Trơ trọi, những cành gầy guộc, khẳng khiu
Thoảng đâu đây trong tiếng gió chiều,
Văng vẳng câu đồng dao “lạy trời mưa xuống”
Nghe đứt gan, đứt ruột

Từng trải gian lao, bền gan đánh giặc
Giành lại màu xanh từ chất đội khai hoang
Không lẽ nào trước cơn giận của thiên nhiên
Người châu thổ chỉ biết rơi nước mắt
Dẫu phải ngậm ngùi đành đoạn châm lửa đốt
Cũng là do cuộc sống được hồi sinh
Có cuộc chiến nào mà không điêu linh
Cho dù “kẻ thù” chỉ là một mùa khô khốc liệt
Tiếng máy cưa rền rĩ ngày đêm dẫu mang nặng nỗi buồn ly biệt
Dẫu từng nhát cưa cứ cứa vào lòng ta một niềm đau thống thiết
Người đồng bằng vẫn chan chứa niềm tin
Như năm xưa đồng khởi quê mình
*
Thôi thì, mai mốt chừng nào hết dịch
Em về thăm nhà, lại sẽ được nghe
Tiếng con bìm bịp kêu nước lớn
Nếu em về kịp mùa gió chướng
Chị sẽ nấu canh chua cá linh bông điên điển
Dắt em ra vườn lượm sầu riêng
Kể cho nghe chuyện quê mình
Vừa chống mặn, vừa chống dịch
Vậy mà người đồng bằng vẫn khỏe mạnh
Đất châu thổ vẫn ngời xanh.

3. GỌI ANH BẰNG TÊN SÔNG – Nguyễn Thái Thuận

Sinh ra ở đồng năn phèn mặn
Đất cầm trâu
Gió chạy bời bời
Mẹ gọi anh bằng cái tên thơm nức mùi mưa
Cái tên mênh mang trong vườn những trưa trốn ngủ

Đất nước đầy sẹo bom
Anh đuổi theo bóng giặc
Một sáng mưa nằm lại cuối chiến hào

Mẹ chờ anh về đến cháy tóc tiên
Tên anh nhói trên môi trong hơi thở cuối
Cô hàng xóm sang đò
Bụi thời gian bôi nhớ một người xưa

Anh nằm ở miền không tên
Giữa mây không đất
Giữa gió không nhà
Nghe người gọi mình bằng tên của dòng sông.

4. GIẤC MƠ TRÊN CÁNH ĐỒNG TÀ PẠ* – Trương Trọng Nghĩa

Tháng chín mùa lúa vàng đồng
Bầy sẻ nâu ríu rít rủ nhau về làm tổ trên ngọn cây thốt nốt
Có lẽ bọn chúng như tôi thèm ăn, háu đói
Thường hay mơ về những hạt cơm thơm dẻo
Bên nồi canh sim lo mẹ nấu và hủ bò hóc luôn còn đầy…

Mùa lúa chín vàng ở Tà Pạ thường rất vui
Xóm làng xôn xao, í ới gọi nhau vần công tất bật
Chiều chiều bọn trẻ lại đi chăn bò quanh chân núi
Chúng khoe về bữa ăn căng bụng
Cùng những món đồ mới mua…
Nhưng cũng có những năm bị thất mùa
Ba đốt thuốc trầm ngâm nhìn cánh đồng sau mùa gặt
Bọn trẻ con cũng buồn héo hắt
Năm nay có đứa sẽ thôi không đến trường
Bát cơm lưng chừng, con chữ cũng nhọc nhằn hơn

Dân quê tôi như đã gắn đời mình với ruộng đồng
Mỗi sáng, ba tôi lại dẫn đàn bò đi dọc đôi bờ lúa
Tôi lẽo đẽo theo sau, vấp dấu chân đôi lần té ngã
Bóng hai cha con chập chờn nương bóng những đàn bò
Tôi hay nằm ngắm mây trời
Và mơ giấc mơ của những đàn cò trắng
Bên những chân trời xa xôi…

Mùa giáp hạt, anh tôi bảo phải đi tìm tương lai thôi
Nơi không có đàn bò và những đường cày cọc cạch
Nơi tháng năm nhọc nhằn, mưa nắng
Nơi tiếng vạc sành kêu khắc khoải từng đêm
Mẹ tôi thở dài lặng im
Đôi mắt người thẩm sâu như lòng hồ Tà Pạ
Thoảng chút buồn long lanh…

Tôi chạy lên đồi ngắm cánh đồng màu xanh
Mùa này ngút ngàn mạ non, nắng ươm màu mật
Tôi nằm mơ ngủ, thấy bầy sẻ nâu lại về mang theo bao con chữ
Và những mùa vàng ngày mai…

_________________________

* Cánh đồng Tà Pạ là nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vùng đất có nhiều người Khmer sinh sống.

5. HƯƠNG CÀ PHÊ BAY LÊN – Nguyễn Phạm Nguyên Chương

Sáng nay sương mờ giăng ngoài ngõ
Khoảng sân lan Hồ Điệp ba trồng hoa nghèn nghẹn nở
Cánh nào cũng tím biếc rưng rưng
Con ngồi một mình bên ly cà phê nóng rỏ giọt ngập ngừng
Làn khói mỏng bay lên
Hương cà phê bay lên
Có phải khói từ phin cà phê
Hay hương từ những giọt cà phê đen sánh
Làm mắt con cay nồng

Sớm mai pha cà phê ngồi uống một mình
Trong căn phòng trống
Làn khói mỏng bay bay
Lan tỏa vào khoảng không trong căn phòng rỗng
Nhìn lên tờ lịch mới
Đếm thời gian bốn trăm ngày lẻ
Ba đi xa…

Vắng ba rồi
Căn phòng nghiêng nghiêng trong mỗi buổi sớm mai
Không ai pha cà phê ngồi chờ con dậy uống
Nên con ngồi một mình bên ly cà phê nóng
Giọt cà phê nào rỏ xuống cũng ngập ngừng
Giọt cà phê nào rỏ xuống cũng nghèn nghẹn
Đắng chát, rưng rưng

Sáng nay ba dừng chân ở đâu
Trên con đường xa thăm thẳm không lối về
Làm sao con biết được
Ba còn giữ thói quen uống cà phê nóng trong mỗi sớm mai không
Có dõi mắt về phía con ngồi lặng lẽ một mình bên ly cà phê nóng?

Ba ngồi đâu để uống cà phê sáng?
Câu hỏi loãng tan trong khoảng không tĩnh lặng
Làn khói mỏng bay lên
Hương cà phê bay lên
Nỗi nhớ bay lên
Dìu dặt, bềnh bồng
Giọt sương mai nào rơi xuống trong căn phòng trống
Ba đi rồi ban mai nào cũng sâu thăm thẳm…

6. MỘT THOÁNG BÃI BỒI – Nguyễn Ngọc Tân

Bóng chiều khép nắng dưới chân
Lối thao thức cỏ bông bần bãi hoang
Con còng dìm nước xuống hang
Con cua kẹp sóng đôi càng nhấp nhô

Tèng heng gọi bạn đầu bờ
Cống u u gió nằm chờ nước lên
Lú phơi giấc ngủ nghiêng nghiêng
Nằm nghe tiếng gió lệch bên nóc chòi

Có đôi con mắt thòi lòi
Cứ thao láo múa học đòi ba lê?
Cả đời khệnh khạng ngô nghê
Đước già rụng tuổi ngộ ghê mọc mầm

Lú dầm nước, ngủ dưới đầm
Sáng bưng con mắt âm thầm gọi tôm
Cá ngát dọn ổ đầu hôm
Ốc len chung thủy nằm ôm rễ bần…

Bãi bồi dập dềnh nước lên…

7. NGHE CÂY XẤU HỔ SAU CHIỀU – Nguyễn Thanh Hải

Không thể in hệt ráng chiều lặng im pha hoàng hôn cho mình
nghĩ gì những cây xấu hổ
mà tím hơn nỗi buồn
nghĩ gì dòng sông châm phù sa thay trà rót qua tháng ngày đầy đặn
giờ ngồi nghe cát khóc dưới chân quê…

Những lún sụt cứ dềnh lên mấy chiều sông xập xệ
con đường không vắt sổ được tiếng thở dài
không hiểu ai cắc cớ làm đổ sao trời xuống đáy sông để vạc cò giật mình kêu khản
đêm thương cây bần chống gậy như người già hoài niệm nhà cửa phía phân lưu

Đã bể từng khúc hết rồi, cái bến chiều quê cũng dạt trôi ngày cũ
em gọi gì, mênh mông nào cho tiếng vọng đâu em
có phải buồn như sông sút xổ phù sa mà tâm tư hoa lau bạc trắng đồng
giọng con bìm bịp khô héo lớn ròng hay con nước nhiễm mặn vào tôi nỗi niềm rẫy ruộng

Không thể in hệt ráng chiều lặng im pha hoàng hôn cho mình
ngực đất ước gì cho quê mà giải bày hoa muống
thôi em đừng tím khúc gieo neo chỉ cần có chút niềm tin là qua chiều tối những con đường
cùng ngẫm ngợi về màu đất mới
biết đâu cây xấu hổ phía sau chiều sẽ khép bớt suy tư…

8. PHƯƠNG NAM, THUỞ NGƯỜI ĐI MỞ CÕI – Trần Thanh Dũng

…Ngửa cổ lên, trời cao có thấu?
Bôi tửu dĩ hề! Ôi, phương Nam!
Trăm năm một thoáng trong dâu bể
Sơn hà cõi mở ngút trời Nam
Ngửa cổ lên trời. Kêu: phương Nam!
Đôi dòng Tiền – Hậu, chín nhánh sông
Đò xưa tải khẳm niềm Linh Ẩn
Ai biết rằng đâu, đêm khai hoang?

Ngửa cổ, xuôi trên dòng Tiền Giang
Bao mái chèo khua trăng thôi ngân
Ai về Bình Đại. Ai Vàm Cống?
Tạc dáng bà ba, sương đương tan
Ai thả bè xuôi, miệt Hậu Giang
Trời đất vô ưu chiều mơ màng
Trần Đề, Cửa Đại thông ra biển
Công chúa Mỹ Thanh, ôi, hồng nhan?
Người đi mở cõi không gươm, súng
Đối diện beo hùm, tỉ thí gan
Rượu hề, cạn chén “giai huynh đệ”
Trăng lặn ngoài song tiệc rượu tàn
Người đi mở cõi nhiều thân phận
Lấy rượu mua vui, chuốc tiếng đờn
Vài câu tài tử cho khuây khỏa
Đối đế nhau qua kiếp cơ hàn
Người đi mở cõi chí như núi
Khổ tận cùng thôi, chớ oán than
Hò lên một điệu quê lai láng
U tịch trùm lên ngọn khói làng
Người đi mở cõi giàu nhơn nghĩa
Chia ngọt sẻ bùi trong gian nan
Thâm sơn thủy tận thì chết, sống
Nhẹ tợ lông hồng hợp lại tan

Vận nước mấy trăm năm Nam tiến
Người đi mở cõi đất phương Nam
U Minh, Rạch Giá, về Ông Đốc
Sông núi ngàn năm. Thiêng, rất thiêng!
Người đi mở cõi xanh như ngọc
Phú Quốc, Thổ Châu, tới Côn Sơn
Thời gian mài giũa càng linh ứng
Như phép nhiệm mầu ngọc sáng trưng

Người đi mở cõi xanh như đất
Đất mẹ thiên thu tự hóa thân
Phương Nam nắng gió quanh đầu sóng
Sóng dựng người lên dáng tợ thần…

(8/2019)

9. QUÊ NHÀ – Mạc Đình Nguyên

Ngày rơm rạ thổi qua ngày
Bóng chiều đổ xuống làm cay mắt chiều
Mặt trời hắt nắng cô liêu
Bên ngoài khung cửa nhẹ hều gió lay

Cạn nụ cười chưa thấy say
Thèm cơn ngái ngủ rơi đầy mắt em
Lật dòng ký ức ra xem
Quê nhà gần gũi kề bên mỗi ngày

Ngập ngừng nhớ buổi chia tay
Thương màu mắt biếc giải bày tiễn đưa
Sông dài lạnh ướt cơn mưa
Đò ngang ngược gió cù cưa nước ròng

Ngoái lưng khuất nẻo chờ mong
Đêm gom nỗi nhớ ngày trông tin nhà
Mai vàng mấy lượt nở hoa
Giao thừa từng giọt la đà ngoài hiên

Nhớ quê thắc thỏm triền miên
Cánh đồng mùa gặt vàng lên nắng chiều
Trời cao vi vút cánh diều
Dường như đang ấp ủ nhiều ước mơ

Quê hương trong mắt tuổi thơ
Còn cất giấu những dại khờ mong manh
Đình làng nhuộm đỏ sắc thần
Mái cong níu vạt nắng hanh đứng hầu

Thăng trầm bao cuộc bể dâu
Lòng người thăm thẳm nông sâu bến bờ
Ngày rơi rụng nhánh mù u
Mẹ buồn vắng tiếng chim gù ban trưa

Ví dầu… câu hát đung đưa
Lời ru chầm chậm gió lưa thưa luồn
Con gà mái đẻ hoảng hồn
Bay ra khỏi ổ xổ tuôn hơi dài

Quầy dừa xiêm mở mắt nai
Bờ tre ngơ ngác gãi tai đứng nhìn
Cầu ao soi bóng lặng im
Bầy lòng tong rượt lìm kìm chạy quanh

Lớn, ròng con nước trôi nhanh
Chiều quê yên ả trong lành mênh mang
Vòng quay trời đất tình tang
Nhặt cơn gió lẻ lang thang hít hà

Đếm từng nỗi nhớ phù sa
Miền Tây sông nước quê nhà tôi ơi!

10. THƠ VIẾT Ở BALCON – Nguyễn Giang San

Tặng anh ĐT

Từ balcon ấy nhìn ra
Đếm vui buồn phố chia ba bốn đường
Kệ đời xuôi ngược ghét thương
Tiếng chim trên lá bình thường vẫn trong

Mình còn sót chút thong dong
Giữa bao hối hả kim đồng hồ quay
Thì ra mà ngắm trời mây
Tự đo lượng nắng giữa ngày hanh hao

Bữa kia thèm một câu chào
Balcon bỗng rực sắc màu phong lan
Cái hoa còn tự biết vàng
Lòng ta đợi những mùa màng thanh tân

Nhìn lá vàng thả xuống sân
Hỏi mình buông được mấy lần sân si?
Những bài học rất diệu kì
Như gió tự đến thầm thì bên tai

Vậy rồi cứ mỗi sớm mai
Mình ra đợi nắng ghi bài lên cây.

11. VIẾNG MỘ MẠC CÔNG – Nguyễn Thanh Điền

                                 Biển xa ngâm bóng trời chiều
                          Thôi Lư vương khói đèn khêu sắc vàng
                             (Lư Khê Ngư bạc – Mạc Thiên Tích)

Khẽ khàng bên mộ Mạc Công
Nguyên Tiêu hé nở nhành bông mai vàng.

Gió xuân lơi lả trên ngàn.
Hồn Chiêu Anh Các theo nhang khói về.

Bóng người Ngư Bạc – Lư Khê
Còn dừng chân lạc bến mê lỡ làng.

Trời làm một trận cuồng phong
Chậu nào úp được nỗi lòng Phù Dung.

Nên chăng gió thổi ngập ngừng
Hồn Nam phố cũng rưng rưng nhỏ người.

Buồn không hỡi mối tình đời
Mà bầy hạc cũ về phơi dặm ngàn.

Mà đồi sương chập chùng luôn.
Đông Hồ gợn sóng hồi chuông đổ dài.

Tiếc chi một dáng trang đài
Để cung kiếm vẽ nét ngài hư không.

Về đâu? Đâu hỡi? Mạc Công?
Anh hùng – Thi sĩ – Non sông – Phận người

Tôi nghe trong gió cao vời
Tiếng yên vọng một góc trời Hà Tiên.

CÁC TÁC PHẨM DỰ KIẾN TẶNG THƯỞNG CỦA TỈNH AN GIANG

1. MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG – Phùng Chí Mưu

“Kính tặng khu du lịch tâm linh và văn hóa Óc Eo – Ba Thê”

Đêm Ba Thê!*
Núi đứng trầm ngâm như một nhà hiền triết
Đá chau mày ngàn năm
Cái chau mày mang hình tia chớp
Xé tan bầu trời vùi vào lòng đất Ba Thê

Đêm Ba Thê!
Ta đi tìm không gian bốn mặt**
Có phải mặt thứ tư trong trầm tích Óc Eo
Thời gian chết cùng vương triều: Phù Nam – Chân Lạp***
Nay lại nảy mầm trong những bức phù điêu…

Người giấu mặt vào đâu?
Gần hai mươi thế kỉ?
Lúc thịnh – suy – hưng – phế – tương tàn
Nướng những vương triều, đế chế trên ngọn lửa, chiến tranh

Người giấu mặt vào đâu?
Những thành quách nguy nga tráng lệ
Những công nương, hoàng tử mỹ miều
Những vua chúa anh minh, những đạo quân thiện chiến
Giờ về đâu trong cát bụi, điêu linh!

Người giấu mặt vào đâu?
Hỡi thương cảng Ba Thê sầm uất, lẫy lừng
Ánh hào quang phủ khắp vùng Đông Nam Á
Những tao nhân, mặc khách đâu rồi?
Giờ chỉ còn là quá khứ Óc Eo!

Ôi! Vẫn còn đây!
“Đao đá” ngàn cân ai treo vách núi****
“Bàn cờ tiên” giăng sẵn thế quân cơ
“Bàn chân tiên” vẫn chờ người ướm thử
“Suối nước tiên” cho ai muốn thành tiên

Lịch sử ngàn năm được… mất
Sóng sông Hồng hòa nhịp sóng Cửu Long
Gà gáy rạng ngời sắc núi
Tôi xin thắp nén hương lòng
Trên đỉnh núi Ba Thê./.

____________

*Ba Thê nay là thị trấn thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang

** Chúng ta đang sống trong không gian ba chiều, có giả thuyết cho rằng chiều thứ tư là chiều thời gian. Tuy còn nhiều tranh cãi.

***Phù Nam vương quốc hùng mạnh từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII bị Chân Lạp thôn tính. Nhà nước Chân Lạp chia ra Thủy Chân Lạp “Vùng Nam Việt Nam” và Lục Chân Lạp là vùng đất gốc “Phù Nam” và Campuchia cho đến thế kỷ XVII Thủy Chân Lạp sáp nhập vào Việt Nam.

****Những dấu tích lịch sử vẫn còn tồn tại trên núi Ba Thê

2. NỤ CƯỜI SAU CHIẾC KHĂN PƯM – Trương Trọng Nghĩa

Những thiếu nữ chân trần
Giấu nụ cười sau chiếc khăn Pưm óng ánh
Những thiếu nữ quen nép mình sau khung cửi
Đôi mắt đen mênh mông buồn như dòng Châu Giang

Em đánh rơi tiếng cười
Phía sau mùa nắng trong đỏng đảnh
Những chiếc xà rông muôn sắc màu xòe như cánh bướm
Đường chiều ngược gió, tôi mãi nhìn theo làn khăn bay

Tôi đến đây và ở lại đây
Như hàng cây âm thầm đứng đợi
Thánh đường Mubarak hình vòng cung như đôi cánh tay trần vạm vỡ
Tết Roya Haji* qua rồi, tôi xin giữ lại yêu thương

Sáng nay em lại ngồi sau khung cửi
Mắt hồ thu gợi buồn như khúc ru một thời thiếu nữ
Tôi tiếc cho những tháng ngày đã cũ
Giữ mãi nụ cười em hiền, thấp thoáng sau làn khăn Pưm

__________

* Tết Roya Haji (còn gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ), ngày tết truyền thống của người Chăm theo đạo Islam ở An Giang.

3. THƯƠNG VỀ AN GIANG – Phạm Thị Lương

Ta còn lưu luyến Tân Châu
Trời trong biêng biếc ngỡ màu mắt xưa
Chừng như bông lúa gạn mùa
Nắng duyên phiến lụa ôm vừa dáng son

Tri Tôn núi dựa hoàng hôn
Bóng mây ghé xuống ngõ hồn bâng khuâng
Gió rơi rấp lối tần ngần
Hàng cây thốt nốt níu chân ta về

Cánh đồng đổ chín hương quê
Đằm nghe sóng hát bộn bề ước ao
Đất vun mạch sống ngọt ngào
Này câu lục bát ca dao ân tình!

Giấc mơ nên vóc nên hình
Dòng sông chở nặng phúc lành phù sa
Thất Sơn trùng điệp ráng tà
Chiều trôi cõi lặng đời ta vô thường…

Ngược xuôi Châu Đốc vấn vương
Linh thiêng từ những hoặc huyền chuyện xưa
Đây núi Sam lễ giao mùa
Trầm rơi đêm tỏa ru vừa an nhiên!

Tịnh tâm núi Sập cửa thiền
Câu kinh nhẹ hẫng, ưu phiền hóa mây
Thoại Sơn ơi! Nhớ dâng đầy
Đắm thương từng ngọn cỏ cây luân hồi!

CÁC TÁC PHẨM DỰ KIẾN TẶNG THƯỞNG CỦA HUYỆN TRI TÔN

1. ĐỢI MÙA HOA Ô MÔI – Trương Trọng Nghĩa

Những người đàn ông về phía núi Cô Tô
Để bên đây Soài So nhớ bên kia đồi Tức Dụp *
Để lại câu hát ru trên nhánh sầu đâu trước ngõ
Để lại sau lưng bóng cây thốt nốt xanh bạt ngàn

Chị đợi suốt những mùa hoa ô môi
Mong anh về trong nắng xanh và mây trời lộng lẫy
Trò chơi tuổi thơ với cánh hoa như đôi môi hồng anh hái
Chú rể bé con cài lên mái tóc cô dâu thuở chưa dài

Anh vào căn cứ chị tiễn chân đến tận chân đồi
Giữa tháng tư, khắp chốn hoa ô môi bừng sắc
Anh bảo ngày đất nước thanh bình, không còn bóng giặc
Mùa hoa ô môi nở sẽ là ngày cưới tụi mình

Rồi một chiều phía núi tiếng súng nổ vang rền
Anh ngã xuống giữa cánh đồng lúa chín
Giữa mùa hoa ô môi phía chân đồi rực đỏ
Dưới tàng cây thốt nốt úa vàng vì chất độc chiến tranh

Hơn bốn mươi năm câu chuyện còn rưng rưng mắt mẹ
Chị nhìn sắc hoa ô môi, lặng im không nói
Hàng thốt nốt cứ xanh như màu áo người đi
Mưa cứ rơi cho thêm buồn mênh mang chiều biên giới

Dưới tàng cây ô môi ngày tóc xanh chị đợi
Giờ trắng bay như sắc mây trời…

_____________________

* Đồi Tức Dụp là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng nằm dưới chân núi Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang)

2. MIỀN BIÊN – Tô Ngọc Duy Quý

Đứng nơi này nhìn qua phía Biên mơ
Núi đứng thẳng. Phông xanh. Mây trắng
Đứng nơi này nghe cơn mơ lắng
Tiếng núi ru mưa, ngọn khói tuổi thơ nào?

Đi qua, đi qua núi cao
Bàn chân gửi từng dấu màu phù sa trên đá
Hẹn với núi, mùa về áo xanh màu lá
Tiếng sáo bay xa, bay xa…

Thốt nốt vùng Biên như mẹ đứng chờ cha
Như bà đứng chờ ông đi kinh lược
Như vợ chờ chồng những đêm ngày đào kinh dẫn nước
Những người trở về trông đất nước bình yên

Cơn gió thường nhắc nhớ nỗi niềm Biên còn đọng lại!

Những cháu con người phu đào kinh Vĩnh Tế
Những chàng trai năm xưa khoác chiếc áo xanh qua núi, trở về
Dừng lại đây đắp đất làm đê
Lúa trổ đòng đòng, ước mong xa mùa giáp hạt
Khói rơm thơm nhắc nhớ lời dặn của người đi xa
Biên còn có nắm xương người mở mang, giữ gìn từng tấc đất.

Khói Biên chiều trôi qua núi Tượng bình yên…
Tôi – đưa trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này
Mấy lần thấy dấu máu năm xưa loang tường chùa Phi Lai* rờn rợn
Những sợi khói hương che chở những oan hồn…

Ở nơi này đâu đâu đất cũng linh thiêng
Dây nừng vẫn xanh, tiếng kinh trăm năm vẫn vẹn
Gò mả hoang mọc xanh cây thuốc núi
Dòng kinh chở phù sa cho tím tím lục bình trôi.
_____________
*: Chùa Phi Lai: Ngôi chùa danh tiếng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tọa lạc tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi quân Pôn Pốt thảm sát đồng bào Ba Chúc năm 1978, đến nay vẫn còn nhiều vết máu in trên tường vách.

3. NGÀN NĂM MỘT THUỞ ÂU VÀNG – Phùng Chí  Mưu

“Tặng Nhân dân Bảy Núi anh hùng”

Đã lâu rồi không về Bảy Núi
Núi Dài ơi! Thương nhớ cứ dài ra…
Nhớ nắng tháng Ba, ly thốt nốt em mời
Không nỡ uống bởi mắt em – trong quá

Trời biên giới trập trùng xanh màu lá
Xanh xanh xanh núi đứng ấp ôm mây
Tiếng chuông rơi em nhìn tôi không nói
Môi ngập ngừng phượng đỏ thắm màu son

Mai tôi về em “bắt nợ” tôi không?
Hồ Tà Pạ nước trong nhìn thấu đáy
Con cá bống ngày xưa tìm không thấy
Chiều hoàng hôn bến đá hóa lời ru!

Đồi Tức Dụp* nơi quân thù khiếp sợ
Tìm câu thơ khắc vách núi năm xưa
Gặp tiếng ve rơi mắc kẹt trong khe núi
Ngàn năm lệ đá ướt hoen mi

Trời Ba Chúc mây đen giăng kín lối**
Sét đánh ngang trời, trắng xóa mưa rơi
Tội ác quân thù, nước trời không rửa sạch
Nấm mồ chôn không lấp nổi nỗi đau – người!

Ôi đất nước linh thiêng ngàn năm văn hiến
Đất nước nhân từ, độ lượng “máu và hoa”***
Lịch sử đi qua, đau thương không lặp lại
Ngàn năm một thuở giữ âu vàng./.

____________

*Đồi Tức Dụp căn cứ cách mạng thời chống Mỹ. Với hệ thống hang động chằng chịt nơi Tỉnh ủy An Giang đặt đại bản doanh. Kẻ thù sử dụng mọi thứ bom đạn hồng hủy diệt nơi này. Chúng đánh sập cửa hang làm một số liệt sĩ còn nằm lại mãi mãi nơi này.

4. RƯNG RỨC HÌNH TRÁI TIM – Nghiêm Quốc Thanh

Đưa em vòng quanh chân núi
Bình minh ngập sương cánh đồng
Nghiêng mắt tìm bên triền dốc
Con đường sỏi cát còn không

Hỏi trong veo gờn gợn sóng
Ai dựng vách đá nơi này
Mưa hay làn hơi từ đất
Suối hồ soi rõ màu mây

Cô gái Ô Lâm ngã xuống
Câu hát đồng bào ngân lên
Người anh Tức Dụp nhắc tên
Âm vang hội trường Lò Ảng

Cánh lá xanh đầy trở lại
Phôi pha chừng ấy dỗi hờn
Dáng em cong hàng thốt nốt
Rót tình từng giọt lên men

Hỏi thăm ngàn năm cổ thụ
Chợ xưa giờ nhóm nơi nào
Tiếng cô hàng rao cốm dẹp
Vọng từ giấc chiêm bao

Đưa em vòng quanh chân núi
Ngoái nhìn bóng nắng xa xôi
Nhận ra điều vừa nông nỗi
Rưng rức hình trái tim.

________

Phụng Hoàng Sơn, cuối một mùa Xuân

5. TRI TÔN NGÀY MỚI – Hồ Thị Huỳnh Đào

Về Tri Tôn, qua hồ Tà Pạ
Soi bóng mình thấy lạ… như mây
Nghe hồn cũng ngất ngây say
Trời xanh nước biếc bóng ngày thênh thang.

Về ngang dãy núi Phụng Hoàng
Thấy rừng xanh ngập gió choàng qua vai
Ngỡ em về mỗi sớm mai
Nhẹ như áo lụa trắng bay ngang trời.

Đường râm mát, gió ru hời
Chùa Hàng Còng chợt đầy vơi nỗi niềm
Chuông buồn vọng cõi bình yên
Sắc – Không, chỉ một màu thiền nhẹ tênh!

Em qua nắng rất dịu hiền
Cổng Trời dẫn lối vào miền thiên thai
Đường quanh quanh, nắng chiều phai
Lúa mênh mông cuối chân mây sắc vàng.

Tình yêu em thật khẽ khàng
Trái tim thốt nốt dịu dàng gió lay.
Em về gởi nhớ lại đây
Đêm mơ thấy ánh trăng đầy soi chung.

Bình minh đỉnh núi mây chùng
Ngọa Long tỉnh giấc, ngập ngừng gió qua
Vườn cây trái, tiếng chim ca
Sương mai thả ngọn la đà tay đan.

Soài So, Tà Sóc nắng tràn
Bức tranh thủy mặc mơ màng sắc mây
Em đi nắng cũng vơi đầy
Em về yên ả chốn này Rừng Sao.

Em về thăm lại chiến hào
Căn cứ Tức Dụp đi vào sử xanh
Rừng luôn che chở anh linh
Núi đồi mãi đứng soi mình uy nghiêm
Tượng đài hang đá lặng im
Hồn thiêng chiến sĩ trong tim muôn người

Tri Tôn ngày mới trong tôi
Đón em về giữa đất trời bình yên!…

Nguồn: Văn nghệ An Giang

Đọc lại thơ Vương Huy sau 20 năm với “Lửa sâu cõi đá”

0

Nhà thơ Vương Huy vừa tái bản tập thơ “Lửa sâu cõi đá” (Nxb. Hội Nhà văn 2020). Đây là tập thơ được Vương Huy viết trong khoảng 1995 – 2000, khi anh còn là sinh viên ở Sài Gòn. Với giọng thơ lạ và đầy ám ảnh, vào thập niên 90 của thế kỷ XX anh được xem là một trong những gương mặt thơ trẻ nổi bật ở phía Nam. “Lửa sâu cõi đá” được bạn bè hỗ trợ anh xuất bản năm 2015, nay tác giả in tái bản với phần công việc “bếp núc” của Trương Trọng Nghĩa.

Vương Huy sinh năm 1974 tại Cai Lậy (Tiền Giang). Anh từng là sinh viên trường Đại học Kinh tế Tài chính nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng để sống hết mình với niềm đam mê thơ ca. Về sau, anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm và dạy học ở quê nhà. Hiện nay, Vương Huy đang phụ gia đình làm nghề gỗ và tiếp tục với niềm đang mê sáng tạo. Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang và là cây bút quen thuộc trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang. Ngoài “Lửa sâu cõi đá”, Vương Huy đã xuất bản tập thơ “Chiếc bóng trong mưa” và trường ca “Dụ ngôn người cô độc” (2019).

Trương Trọng Nghĩa xin giới thiệu một số bài thơ trong tập thơ này của anh.

NHỮNG GIỌT NƯỚC

Những giọt nước ẩn thân trên mái quán
Cuối cơn mưa buồn
Ngân
Buông
Nhịp điệu nước long lanh nắng mơ hồ

Mỗi giọt nước bâng quơ
Một giọt đàn lạnh đắng
Rụng
Rơi
Như một căn phần

Mỗi giọt nước không nói một điều gì
Mà bài ca mái quán tuôn đổ tơi bời dưới mây

Mỗi giọt nước hát một giọng rã rời
Thản nhiên vỡ trên nền ngày tro xám
Âm nhạc trắng rung lên trong ánh sáng

Mỗi giọt nước đơn độc
Điếng trong veo cơn thức nhận bàng hoàng
Kể từ lạc bước
Lời nói lời từ tạ nhân gian

Những giọt nước thinh lặng
Những hạt ánh sáng sầu vơ
Nhẹ nhàng
Nhịp nhàng
Rơi
Rớt
Rụng
Mùa sẽ kín trên giấc mơ trần thế

Chiều tím và mái quán rũ tim bay
Những cánh chim
Những cánh chim đã ngủ rất nhiều trời.

LỬA SÂU CÕI ĐÁ

                                Gửi Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nơi đây, nơi mà tất cả những con đường phôi thai đều chết non khi chưa kịp chào đời
Chưa kịp khóc lên những dấu chân người ngớ ngẩn
Chết, chết thật êm trong vầng cỏ dại bọc quàng thân thể đất nâu
Khô, khô sẫm vào trong một linh hồn
Nơi mà tôi lùi sâu miên man, một hang đá hoang lạnh u trầm là chính tôi thừa thãi
Nơi cứ mỗi chiều chiều nắng ngất trên những ngón lá xanh nhọn đầy vô vọng
Tôi lần ra hú gọi một tên người, một tên người không âm sắc, một tên người không có thật
Một tên người mang mang như một nhịp điệu đơn buồn đã làm nên tôi sơ thủy
Một tiếng hú vơ lẫn hòa vào khúc hát cổ xưa rã rời của những đám mây và bầy lá mục

Người ới người ! Tôi hú vọng vào thâm u cho lòng tôi tĩnh lặng
Tĩnh lặng lơ mơ như không khí vô cầu
Và bóng rừng mông muội trả lời tôi bằng những giọng thú hôn mê một nỗi sầu man rợ
Những vách núi xám tanh đáp lời tôi bằng nghìn mặt đá toát mồ hôi sương nhợt
Một tên người tôi gọi một tên người nhưng cõi đời hồi âm tôi bằng muôn trùng vắng lặng

Nơi đây, im lặng đã đầy lên thành một gương mặt
Chập chờn, lẩn khuất
Nối cùng tôi mỏng manh dằng dặc một câu chuyện mê man xuyên mãi qua ngày đêm sáng tối
Tôi nắng lên, tôi mưa xuống, tôi sống như để gặm nhấm dần dà sự mịt mờ phương hướng, từng mảng, từng mảng đìu hiu, từng mảng hoang vu xanh xám ẩm buồn
Tôi ăn cả tiếng chim tê điếng
Tôi uống ngợp sự cô tịch trong veo mát rợn từ một mạch suối hư vô
Tôi lạnh căm một căn phần
Khi nghe chảy lan man vào thân xác phiêu bồng róc rách gương mặt chính tôi đã thoát ra in xuống ngàn sâu gợn nhớ
Rồi ngủ im như một chiếc rễ cây, mộng mị, bàng hoàng
Trên nền đất nhạt mà một cánh tay nắng yếu đã thêu lên đó đầy những hoa văn run rẩy mơ hồ
Ngủ trong tiếng ru dài của cỏ
Ngủ trong tiếng cười mê dại của đá sỏi loạn cuồng
Ngủ trong câu kinh xa xót của những con dế đang cầu siêu trăng xuống
Không còn đường ra một chốn
Không cần tìm đường ra một xứ
Hơn bao giờ hết, tôi bao la vui sầu

Nơi đây, nơi đầy màu tối cun cút nầy, tôi phải luôn ấp ôm một cái lửa nhỏ nhoi
Không thể buông rời
Chút lửa có cánh đầy hơi nóng sẽ bay vút không ngờ, bay tắt vào đêm sơ khai
Bay mất về thời vô dấu tích
Tôi hít thở cuồng điên mùi lửa ma nghiệt vào chiếc phổi trời của mình đã ám những ráng mây, không còn kịp, không còn kịp
Tôi rượt đuổi theo những ý tượng oan khiên vật vờ mời gọi tôi bốn phía
Tôi, tôi ấy mà, mỗi ngày, mỗi ngày, cái thằng tôi sống lại khôn cùng một niềm chi không nhận rõ và cùng lặng lẽ rữa tàn khôn cùng chính điều sâu thẳm vu vơ đó
Sống như thể ngồi chất bâng quơ vào lửa những nhánh tuổi gầy khô của mình, những cơn điên vì vệt bóng thẫm đặc của mình, những giấc mơ vô dụng của mình, những chữ và những phiến thời gian khi không lao xao rụng rớt quanh mình

Một giọt lửa long lanh reo ác! Một nỗi hân hoan đắng họng điếng tim tê dại linh hồn! Người đẹp tàn nhẫn màu sự chết!
Khi nhìn giọt lửa phừng phừng ca hát đau đớn trên ngày tháng bụi tro
Tôi đang cố giữ một giọt lửa hay đang tự thiêu hủy chính mình?
Có lẽ, không chối từ gì, lửa sẽ ăn tất cả và tôi
Có lẽ, không thể chối từ, tôi đành phải nuôi một giọt lửa lao đao trong  lạnh đá
Cho riêng tôi, cho riêng tôi đã tắt ngấm mọi ánh đường.

Bìa tập thơ “Lửa sâu cõi đá” (Nxb. Hội Nhà văn), tái bản năm 2020 do Trương Trọng Nghĩa thiết kế

TIẾNG SÁO HỐ THẲM

Hố đêm mở cánh
Đóa hoa đen của đất
Đón anh vào trong choáng váng mùi hương
Hương sự sống hay là hương nỗi chết

Chỉ còn ống sáo trên tay, nhưng nhức mảng trời đêm trên đầu
Anh hát buồn vui của sóng
Những buồn vui bát ngát phận người

Anh chỉ còn tiếng sáo hoang vu thổi cạn những ngày còn lại
Một mẩu linh hồn trong đất đá lặng thinh
Bay về đâu khúc ca đầy mùi nhớ
Bay về đâu tiếng thở của ngàn năm
Bay về đâu những giấc mơ đập cánh nhưng thiên đường đã mất
Anh thổi những ngày mai không có nữa bao giờ
Cho anh thêm đời nữa ngày nữa lần nữa

Tiếng sáo dụi tắt trăng thâm ném âm u mịt mùng đêm chớp động
Tiếng sáo xây nấm mồ chôn tập thể đám mây
Tiếng sáo trổ hoa miền tôi
Tiếng sáo ve vuốt eo đêm
Hát trên vùng da bóng tối những ngón lòng tan nát
Làm dậy thì vầng rạng đông hồng hồng nhô ngực đất
Tiếng sáo – đàn sơn ca bay lên từ mười ngón gầy vô vọng
Tiếng sáo khép mi
Tiếng sáo tự trầm

Anh đã uống kiệt bầu đêm bằng tiếng sáo
Chảy ngược tim những bọt sao vẫy vùng
Anh còn lại nỗi lặng im vực thẳm
Và gương mặt trời ngơ ngác mắt trăng mai.

CHÂN KHUYA ĐƯỜNG PHỐ

Trên đôi cánh dang rộng của đêm
Mọc
Một vầng trăng ung nhọt
Nỗi đau phát sáng giữa trời
Sự phản nhoi trên da thịt thinh không

Mát như ý tưởng một sự chết hắt ngang

Tất cả ngủ dưới bóng che thời gian
Như cánh đồng ngủ dưới bóng che tán nấm
Phố ngủ dưới bóng che cánh đêm
Giấc ngủ toàn đen
Tôi mảng đen bơ vơ trong ấy
Động những nét u trầm mặt tối

Tôi mảng đen
Bước từng bước qua những cái nhìn nâu vàng mắt phố
Bước từng bước qua những nếp hằn trán phố
Bước từng bước qua hơi thở dài con đường nhựa
Phố co người trong xộc xệch cơn mê
Với nghìn tay ăng – ten cầu cứu một miền trời
Cơn hoảng hốt mênh mông
Tôi kiến đen ngọ nguậy giữa vùng mê dấp dính
Rứt người rụng dài những chân

Phố tuột rơi tấm áo tiếng ồn màu khói
Ngủ bập bềnh tiếng thở đặc dòng kênh
Ngủ âm u căng dài giấc sợi điện
Ngủ nhọn vú rác ung thư nhô ngực đất
Ngủ miên man vết lở những vũng lầy
Tôi mảng đen
Đi và cố nuốt trôi miếng mắc xương tiền kiếp
Nửa gương mặt đã lặn ngập hạt bụi
Nửa kia loáng thoáng như lời

Từng bước đen mọc về phía rạng đông
Tôi con sâu mụ đời trên mép lá
Nhích
Hụt vực tỉnh không
Hét
Đóa lặng im nở chật lòng giếng cổ

Bầy ánh sáng chấp chời đôi cánh trắng
Mổ rỗng cơn mê tôi
Tôi thênh thênh nhẹ
Tôi tro mộng
Bay đâu từ mắt buổi mai ngờm ngợp đám chết mây.

QUE DIÊM

Những ánh sáng khép dần
Trên mặt
Không khí rụng bao la

Trong bóng tối vô hồi đổ nhịp
Nằm yên một chiếc que diêm
Đã tắt

Tất cả nó là bốc cháy
Tất cả nó là thiêu
Rụi

Tất cả nó là một sợi khói lãng quên

Trong hân hoan đau đớn
Sự sống ăn dần từng chút
Từng chút
Bụi

Để nhập lặng im
Nó chỉ còn một ánh lửa lạnh đen
Cô đặc
Như đầu.

THƠ

Bất ngờ
Nhoi
Từ đêm sâu tàn mạt – hố mộng du – nơi ý thức lờ phờ vùi hốc ngủ miên man
Bóng tối mụ đỡ áo choàng đen
Không khóc không cười chúng câm lặng nhìn những đốm sao nhảy múa
Rồi ngạc hồn thở theo vũ điệu ma trơi
Những thằng thơ bất trị
Câu dựng ngược tóc chân trời tiền thể
Vần mê man tay chân úa xuôi dài
Mộng mơ tã lót bọc chúng trong nỗi buồn tươi sáng
Ngủ ngủ ngủ giấc bập bênh trong chiếc nôi tội lầm treo hai đầu nhật nguyệt
Chúng từ chối mọi cơn sữa của đời
Chúng phập phều nguồn suối tự thân
Chúng không là người không là quỷ không thiên thần mà cả ba và sự vật
Chúng sống đời mờ mịt cõi hư hao

Đôi khi chúng như mây lấp lửng miền trời
Đôi khi chúng là nắng cháy nhiệt tình trên thì giờ mở ngực thắp soi
Đôi khi chúng oặt mềm như nước mỏi mê trôi
Chúng gồm thể không xương và tan lạc
Cũng như đời

Bay lượn tự do như ánh sáng
Đậu nhành ngày hót lời mộng vang mơ
Những con chim của không khí và mùa

Bơi lội tự do trong nước thẳm
Biển – hơi thở những linh hồn cuộn sóng
Những con cá của hư vô sự thật

Mọc tự do trên tám cõi bốn miền
Đất dạt dào xa ngái vô biên
Những cọng cỏ của niềm chi tịch diệt

Tôi đã mất chúng như mất những tia nhìn liên tiếp
Tôi là ngục để chúng vượt thoát tìm đường thắt lại mối cộng sinh
Người ơi người dù sao chúng cũng là niềm đau tôi tượng
Đừng chối từ đừng giam cầm lần nữa
Những đứa con buồn tủi
Đọa
Tự hành.

Vương Huy

Lê Quang Vui – Làm thơ như là sống và yêu thương

Mỗi nhà thơ, trong hành trình sáng tạo, thông qua từng bài thơ đều gián tiếp bộc lộ quan niệm về thiên chức của thơ đối với thế giới tinh thần của con người. Đối với Lê Quang Vui, công việc làm thơ giúp ông tự khám phá chiều sâu của bản thể, mang đến cho ông niềm hạnh phúc được sống tận cùng và giao hòa, bộc lộ sự yêu thương đối với con người, sự vật, thiên nhiên.

Hành trình thơ của Lê Quang Vui có sự giao thoa, giăng mắc giữa cuộc đời và giấc mộng, giữa thực và mơ, giữa vẻ đẹp trần thế và sự thánh thiện. Hành trình thơ của ông luôn là sự tiếp nối, khám phá sự sâu thẳm của nội tâm và sự bí ẩn của sự vật. Thơ ông tuân thủ phong cách thơ truyền thống, câu thơ có sự hài hòa giữa ý và lời, giữa vần điệu và sự diễn biến tự nhiên của tâm trạng, cảm xúc. Thơ ông ít có sự nhảy vọt, đột biến vế ý tứ nhưng vẫn có sự biến ảo về ngôn ngữ và hấp dẫn người đọc bởi sự sâu đằm, chân thành của cảm xúc.

Lê Quang Vui đã xuất bản ba tập thơ gồm: “Hương thơm ngọc ngà” (1998), “Trôi qua giấc mơ” (2019), “Chiêm bao tím” (2020). Tập thơ “Một góc hồn thu” tập hợp gần 200 bài thơ ông viết gần đây trong thời gian khoảng sáu tháng. “Một góc hồn thu” mang biểu tượng về sự biến đổi, thăng hoa thế giới nội tâm của nhà thơ trong không gian mùa thu mang vẻ đẹp của sự chia ly, khắc khoải. Tập thơ “Một góc hồn thu” khắc họa sự suy tưởng, trăn trở và ưu tư của nhà thơ trong mối giao hòa với con người, sự vật và thiên nhiên. Tâm hồn của nhà thơ mở rộng biên độ, giao hòa với sự vật từ cỏ cây hoa lá, cơn gió, con ốc mượn hồn, con chim gõ kiến, đàn kiến…

“Mùa thu có con chim gõ kiến
Gõ vui buồn vào mấy nhánh cây khô
Gõ vào tim tôi nhoi nhói
Gõ vào bờ mắt rưng mưa

Ngày mê tội con chim bé nhỏ
Gởi đời mình vào mấy nhánh…
Bâng quơ.

(Bâng quơ)

“Con ốc mượn hồn bò thơ thẩn vào đêm
Một mảnh trăng thu ai nhặt… giùm cho tôi xin lại
Hồn ngả xám còn đâu tình thơ dại
Trái tim rơi xuống cỏ
Góc tôi ngồi.”

(Tình ca con ốc nhỏ)

“Đàn kiến xếp thẳng ngay như hàng chữ
Thành câu thơ nhiều ý tứ lạc vần
Tôi lỡ đọc thấu buồn vui trời đất
Trái tim này rơi mấy giọt lung linh.”

(Hỏi một lần)

Nhà thơ Lê Quang Vui trong buổi ra mắt tập thơ “Trôi qua giấc mơ”

Lê Quang Vui thường khắc họa những khoảnh khắc mà tâm trạng của nhà thơ có sự biến đổi, giằng xé và chuyển động, hướng đến sự giao hòa với sự vật, thiên nhiên.

“Ngày tôi ngồi đếm chiêm bao
Đếm đời mình nổi trôi theo cơn giông trận gió
Đếm giấc mơ tan mấy lượt cúi đầu trăm lần buông rồi không nỡ bỏ
Trái tình mơ chín rụng phía chân trời”

(Khúc tình tháng tám)

Lê Quang Vui thường sống tận cùng trong những khoảnh khắc hiện tại nhưng tâm hồn ông vẫn luôn chuyển động và dự cảm về tương lai:

“Lỡ có ngày
Ngày ấy chắc không mong
Bàn tay níu
Tay buông cách ngăn kỷ niệm
Tôi trở lại dạo quanh khung trời tím
Thương bóng mây rách rưới…
Vá sao lành.”

(Rách rưới một niềm tin)

Thơ Lê Quang Vui không hướng về thế giới mộng tưởng xa xăm mà bén rễ trong thế giới hiện thực của đời thường, vừa gần gũi vừa gắn bó máu thịt sâu nặng với tâm hồn của nhà thơ.

“Đêm qua tỉnh giấc vô thường
Cơn mê tàn lụi bên đường
Vẫy tay”

(Tàn một cơn mê)

Tập thơ “Một góc hồn thu” của Lê Quang Vui vẫn tuân thủ phong cách thơ đã định hình ở các tập thơ trước. Hồn thơ của ông vẫn chân thành và đắm say đối với cái đẹp và tình người, tình đời. Tuy nhiên, ở tập thơ này ông đã mở rộng sự suy tưởng và cảm xúc với sự bung phá, tung tẩy, hướng về sự vật trong cõi bao la của vũ trụ.

Thơ của Lê Quang Vui dung dị và gần gũi với tâm hồn của những con người biết sống yêu thương và sống hết mình với hiện tại. Mỗi bài thơ của Lê Quang Vui đều bộc lộ nhịp đập của trái tim tha thiết yêu người, yêu đời, đam mê cái đẹp của ông. Người yêu thơ mong mỏi nhà thơ Lê Quang Vui không ngừng hoàn thiện về phong cách thơ và chờ đợi thưởng thức những bài thơ có hình tượng, ý tứ thơ mang tính biểu tượng và phổ quát. Như vậy, thơ của Lê Quang Vui sẽ tạo được sự cộng hưởng, đồng điệu và tạo ấn tượng, dấu ấn độc đáo hơn trong quá trình tiếp nhận của người yêu thơ.

Mỹ Tho, tháng 11/2020
Võ Tấn Cường

Trương Trọng Nghĩa và những hoài niệm trong thơ

Tôi biết nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cách đây khoảng gần 3 năm. Có một điều hết sức đặc biệt là trong suốt thời gian gần 3 năm ấy, hầu như tôi chưa có dịp đọc qua tác phẩm thơ nào của anh cho đến cách đây hơn 2 tuần, tôi nhận được tập thơ mới nhất “Bay lên từ cánh đồng”.

Cảm xúc ban đầu khi cầm trên tay tập thơ này là một cái gì đó rất gần gũi với tôi – một người nông dân chính gốc. Diện mạo của tập thơ đã làm tôi háo hức đến lạ kỳ. Anh đã chọn màu của nắng với những cánh cò trắng vút lên rồi nhòa dần trong những mảng khói loang loáng như trên những cánh đồng ngày rạ rơm bắt đầu sứ mệnh.

Lật từng trang, đọc từng câu, từng bài rồi lật thêm trang nữa, trang nữa… Tôi đã tan vào thơ Trương Trọng Nghĩa lúc nào không biết khi tâm hồn mình chỉ là những hình ảnh của “đời người bao năm đong đếm thành tuổi cánh đồng/ qua hết mùa mạ non vẫn một màu xanh bát ngát” rồi thấy mình qua hình ảnh của tác giả trong thơ qua những câu: “Chúng tôi lớn lên từ cánh đồng bao la tình yêu của mẹ/ Từng hạt phù sa đắp bồi cho cây trái sinh sôi/ Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả một đời/ Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng”.

Sự hoài niệm vẫn hằn bên trong mỗi con người dù cuộc sống có đưa ta qua bao dãi hành trình và khoác lên đời mình bao nhiêu màu áo. Rồi những khi ngồi lại, dẫu chỉ là một khoảnh khắc thôi giữa bộn bề cơm áo, tâm hồn con người ta lại thèm được trở về với những điều bình dị gần gũi và thân thương nhất để thấy rằng, ta còn một góc bình yên nào đó để trở về nương náu, tìm sự chở che khi giông tố cuộc đời, tìm sự thứ tha mỗi khi vô tình mắc lỗi. Đó là nơi luôn dõi theo những bước ta đi và dang rộng vòng tay đón bước ta về. Ta như thấy loáng thoáng đâu đó trong tập thơ bay lên từ cánh đồng của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa một thông điệp rất hùng hồn: Nếu như thế giới này chẳng bình yên thì hoài niệm vẫn vẹn nguyên không di dịch. “Nếu một ngày bỗng thấy mệt mỏi giữa chốn thị thành/ Ta cứ mặc kệ hết chuyện đời/ Về lặn hụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp/ Về nghe tiếng lũ chim gì đó hót sau nhà/ Con ong bầu náu mình nơi cột nhà nghe lời ru cánh võng”.

Tôi còn hình dung ở anh với những cái tôi rất đời đôi khi đôi khi len vào tâm hồn như muốn phá vỡ mọi quy cũ để thoát mình ra khỏi chính mình, để tan ra và thành một mảnh ghép với cái tôi rất trữ tình và nghệ sĩ. Được phát họa qua những câu thơ: “Rơi…Rơi…Rơi giọt sương đêm/ Nụ xuân thơm chợt say mèm môi hôn” “Giấc xuân bừng nụ hoa vàng/ áo em xưa hóa mây ngàn tóc xanh”. Đôi khi u ẩn đôi khi lý trí và thậm chí và có khi say. Như mảnh ghép tâm hồn trong bài “Cơn ác mộng”:

Đêm liêu trai
Tôi đi về phía ngược sáng
Thứ ánh sáng ma mị của loài thiêu thân vừa giãy chết
Vật vã cơn đau hình hài, tê tái những nụ hôn buốt lạnh
Tôi thấy hồn mình đang rời khỏi xác
Và tự tôi phủ định chính tôi
Khi cơn gió đến gieo rắc mùi xú uế
Tôi thấy mình bay lơ lửng giữa trùng điệp sóng điện từ và khói bụi
Khi cơn mưa mang theo thứ axit đầy ám ảnh hủy diệt
Loài người vẫn ngủ mê trong đêm trường thế kỷ mệt nhoài
Khi những hàng cây đã nhường chỗ cho đường cao tốc
Xe cộ vụt qua như mũi tên vắt ngang thế kỷ không ưu tư …

Bản chất của người thi sĩ là vậy đó, cho nên mỗi một thi phẩm ra đời đều gắn trên mình một  sứ mệnh mang tính dấu mốc của tâm hồn.

Quay trở lại với mảnh ghép chiếm phần ưu thế trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” với chất ngôn ngữ  không quá cầu kỳ. Nhưng cách tổ chức và sắp xếp ngôn từ rất khéo léo và tài hoa, nó không quá rối rắm nhưng khiến người đọc phải lắng lại và rồi dường như tim mình bị một sức công phá dữ dội đôi khi đến ngạt thở. 

“Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàn còn ngọt ngào đầu lưỡi 
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay

Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình
Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất”

Trương Trọng Nghĩa sử dụng hình ảnh rất giản dị và gần gũi mà ai đã từng là người con của quê hương, với  sông nước, với  ruộng đồng đều thấm thía đến tận xương máu, đó là hình ảnh như “bát canh rau tập tàng”, đó là hình ảnh “đứa trẻ với đôi bàn chân đất” đó là hình ảnh “chú dế đi hoang” đó là hình ảnh “trên bàn nhậu với một lão nông” đó là hình ảnh “vách đất, nhà tranh” và “chiếc cầu tre ngày cũ”… ngôn từ dung dị bao nhiêu, hình ảnh gần gũi bao nhiêu thì lại càng bóp tim người đọc bấy nhiêu vì những hoài niệm cứ men theo miền nhớ khẳm sâu vào tâm hồn tác giả. Thế mới biết tình yêu quê hương, xứ sở trong mỗi con người Việt Nam là mãnh liệt biết nhường nào.

Như con tằm cần mẫn rút ruột nhả tơ. Những người làm nghệ thuật nói chung và người thi sĩ nói riêng bao giờ cũng lặng lẽ dốc hết tâm huyết của mình để ươm cho đời những tác phẩm giá trị dù tác phẩm đó được nhìn ở gốc độ nào và được đón nhận ở vị thế nào. 

Như những cánh cò, những làn khói. Tôi tin, từ cánh đồng hoài niệm của mình – Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa sẽ còn để tâm hồn mình vút lên với những tầng không gian thi vị. 

Tôi cứ hình dung trong kho tàng thi ảnh của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vẫn còn đồ sộ những “quặng thô” chưa tôi luyện hết. Vậy, chúng ta hãy cùng chờ đợi và chúc cho nhà thơ tiếp tục bay lên cao hơn và xa hơn nữa để cống hiến thơ ca. 

Nhà thơ Trúc Thanh

Thơ Trương Trọng Nghĩa – Cái tâm lấn lướt cái tình

Với gương mặt cân đối hài hòa giữa thông minh và nhân hậu, ai cũng dễ đoán rằng Trương Trọng Nghĩa là một nhà giáo hay một viên chức trong ngành giáo dục. Nhưng thơ đã chọn anh. Thật vậy thơ chọn anh và trao cho anh một nhiệm vụ thân thiết thủy chung với thơ trong cuộc đời mình. Tôi không võ đoán áp đặt và đổ tội cho thơ, nhưng với góc nhìn khách quan không thiên lệch khi đọc và thẩm thấu thơ Trương Trọng Nghĩa tôi hệ thống lại cảm xúc và cảm nhận của tôi qua các ý chính đúc kết thành bài tham luận này.

Thơ Trương Trọng Nghĩa không dàn trải ý tứ, cảm xúc chân thành được nâng lên ở một tầm nghệ thuật ẩn giấu nhưng không kín đáo cho nên dễ được người cảm thụ đón nhận bằng tấm chân tình, chúng ta thử đọc:

“Tôi đi về phía tuổi thơ
Giâm lên dấu chân
Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống
Đất không đủ cho sức trai cày ruộng
Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…
Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca
Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…”

(Phía sau làng)

Ta thấy thơ Trương Trọng Nghĩa dễ đọc và cảm nhận, không cố làm rối rắm ý nghĩa như nhiều người làm thơ hôm nay đang làm, thơ anh chắt lọc từng câu chữ, ý và tứ hài hòa trong từng thi đoạn và cả bài thơ. Trong bài “Thành phố buổi sáng” anh viết:

“Giọt nắng đầu tiên
Rơi trên những tầng cao thành phố
Những ngôi nhà còn đang ngái ngủ
Chợt vỡ òa khúc hát ban mai…”

Và anh tự đóng lại cái cảm ngĩ của mình bằng câu:

“Bên cửa sổ một ngày mới lên
Những giọt nắng long lanh
Trong đôi mắt…
Cô bé nhà bên cạnh”.

Tưởng chừng như cái kết còn thiếu còn hụt hẫng trong cảm giác của người thưởng thức. Nhưng không phải như vậy, trong cái vẽ hời hợt ấy là sự sâu lắng của cảm nhận và cảm xúc còn đọng lại đâu đó chưa tan.

Giản dị chân thành cũng là nét độc đáo trong thơ Trương Trọng Nghĩa. Thơ giản dị chân thành chất chứa mà giàu cảm xúc kín đáo khiến lòng ta không khỏi bồi hồi. Với thái độ chấp nhận những cái mất rất tự nhiên như ngày mai mặt trời sẽ mọc ở phương đông… Những thay đổi theo qui luật không cưỡng lại được. Từ đó thơ anh không đau khi mất, không oán hờn trước những thay đổi diễn ra quanh cuộc đời. Đọc thơ Trương Trọng Nghĩa ta dễ thấy cái tâm trong anh lấn lướt cái tình, dù cái tình cũng rất rộng và sâu. Cái tâm luôn được thể hiện qua thái độ sống không hời hợt đến mức dửng dưng, nhưng không quằn quại khi bị mất đi một thứ gì đó trong đời. Với thơ anh: Ngậm ngùi mà không đau, anh không buồn phiền về những thay đổi dù cũng không giấu được một thứ tâm cảm nao lòng.

“Sông càng chảy càng xa nguồn cội
Con sãi ở chùa không còn quét lá đa…”

(Viết ở một làng nghề)

Thơ Trương Trọng Nghĩa đầy chất hoài niệm nhưng không đau đáu một sự tiếc nuối hay hờn trách, tất cả đền nhẹ nhàng đến và nhẹ nhàng đi như một định luật sẵn dành. Cái còn đọng lại trong hồn là kí ức khó nguôi. Đọc những câu:

“Nơi dòng sông đi qua
Tình yêu tôi còn cồn cào đôi bờ bãi
Tuổi thơ trôi qua biết bao mùa lũ
Hạt phù sa in dấu hình hài
Trong giấc mơ hàng đêm
Kí ức tuổi thơ lại về nguyên vẹn
Khúc sông hiền hòa những buổi trưa hè ngụp lặn
Bắt con chuồn chuồn cắn rún tập bơi…”

(Kí ức sông)

Người đọc không khỏi im lặng trong phút giây nào đó, để bâng khuâng hoài nhớ một chút kỉ niệm đời người mà dường như ai cũng có với quê hương.

Thi ảnh trong thơ anh là hình bóng cũ đã xa trôi nhưng chưa thể nhạt nhòa trong thơ Trương Trọng Nghĩa, giống như một bức tranh quá khứ vẫn đẹp lung linh bên đời người, thơ anh không níu kéo quá khứ nhưng không bỏ qua kỉ niệm, tất cả hòa trộn dằn co không buông không cố tình giữ mà như giữ chặt không rời. Đọc bài thơ “Điều không thể nói cùng em” tôi cảm thán lòng mình với những tình ý trong các câu:

“Rồi em cũng có chồng có con
Ngày gặp lại anh thành người cũ
Thương em suốt cuộc đời lam lũ
Lặn lội thân cò mặn giọt mồ hôi…
Đành im lặng thế thôi
Trước cuộc sống vốn nhiều giới hạn
Anh như kẻ trộm…”

Rất đơn giản bình thường nhưng rất xót xa.Ta nhận diện một nỗi buồn kín đáo mà vị tha, vì bất cứ lý do gì khi cuộc tình tan vỡ, sản phẩm của sự tan vỡ là thơ, những dòng thơ rấm rứt trăn trở, thường là như vậy. Kéo theo hệ lụy là nỗi oán hờn trách giận thậm chí là hận thù… Nhưng với Trương Trọng Nghĩa là ngoại lệ, anh vẫn nén lòng bình thản sống bằng cái tâm độ lượng cảm thông cho người bạn gái của mình.

Người ta thường đổ lỗi cho nhau và trách nhau,trong các cuộc chia ly, dù bất kể là lý do gì, ai cũng có cái lý để chất cái tội lên vai đối tượng của mình, và nhiều thứ nữa, Trương Trọng Nghĩa thì không. Anh nén lòng và nhỏ nhẹ than với riêng mình bằng mấy trang thơ mềm mỏng. Đó là tính vị tha, mà suy cho cùng vị tha là thứ đạo đức đứng đầu trong hệ thống đạo đức mà con người xây dựng được.

Không biết vị tha thì không thể thành một con người chân chính được, huống chi là một nhà thơ, có vị tha trái tim mới được mở rộng, cái tình mới có chỗ trú ngụ để tạo thành xúc cảm làm chất liệu nuôi sống hồn thơ như mạch suối nguồn trong tim người làm thơ.

Với Trương Trọng Nghĩa trong tập thơ đầu tay của anh “Những mảnh ghép không logic” là nguyên vẹn hình ảnh quê hương mộc mạc yên bình của anh mà anh từng gắn bó suốt thời ấu thơ và tuổi trẻ. Tản mạn trong thơ anh là những cơn mưa mãi không thôi, những mùa lũ tràn đồng, lối cỏ, những buổi tan trường và tình riêng một mảnh chan hòa trong đó với hồn quê.

Bài thơ “Đôi bàn tay mẹ” gần như một bức tranh bằng chữ, một thứ tranh để cảm chứ không phải để ngắm, anh viết:

“Cầm tay mẹ đưa lên mũi
Con nghe mùi bùn non
Những ngày mẹ cấy đồng sâu ruộng cạn
Có mùi khét nắng những buổi trưa đổ lửa
Và mùi hoa bưởi thoang thoảng mẹ gội đầu lúc chiều hôm…”

(Đôi bàn tay mẹ)

Hay những câu thơ trong lành:

“Anh trở lại tháng giêng vàng sắc áo
Lối cỏ xưa tìm lại dấu chân người
Ngu ngơ gọi
Em như thời trẻ dại
Thuở tan trường che chung một lá sen…”

(Tháng Giêng)

Đó là những thứ tình cảm bỏ lại quê hương khi anh đóng vai người xa xứ. Có đôi khi ta cảm nhận được một thứ nỗi nhớ quặn thắt tim mình khi anh sống những năm tháng ở miền phố thị, với bao lo toan cơm áo và tất bật công việc hàng ngày… Hơn cả nỗi nhớ, là một thứ hoài niệm thiết tha lòng , đọc những câu thơ:

“Mùa tàn vẫy gọi hương yêu
Ngút ngàn nỗi nhớ buồn hiu hắt buồn
Giật mình làm hạt mưa tuôn
Chắt chiu tôi gởi nỗi buồn lên mây…”

(Độc ẩm trong đêm)

Buổi sáng khi nhìn trên đường phố tiếng lốc cốc của những chiếc xe bán hàng rong bên con hẻm nhỏ, hay trầm ngâm bên ly cà phê đầu ngày, anh góp lại chất vào kí ức trang thơ đời mình làm phong phú thêm cho tâm hồn vốn đa mang đa cảm. Người làm thơ hôm nay ngày càng thêm đông, tưởng như vui, nhưng thật buồn khi họ tìm đến với thơ xem như một thứ hàng hóa dùng để đổi chút lợi danh ảo mà thôi (thật ra không có thể tìm được lợi danh gì trong thơ cả) số đông người ấy đã lầm rồi, họ dùng thơ để cố tình che lấp những hụt hẩng của tâm hồn vốn nặng vật chất và đầy toan tính… Trong dòng chảy ấy, thơ Trương Trọng Nghĩa lung linh phát sáng dù chưa phải hạt vàng nhưng có thể coi đó là hạt cát có màu sắc óng ánh sáng choang một góc tim người đọc thơ anh…

Sau tập thơ đầu tiên là “Những mảnh ghép không logic” với những thành công nhất định bước đầu, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa lại trình làng tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” công tâm mà nói đó là một bước tiến dài trong tâm hồn và cả nhận thức của anh, tập thơ mang dáng vấp của một người đã trưởng thành hơn so với chàng thanh niên vừa học làm người xa xứ ở tập thơ đầu. Đó là một khúc hát tặng cho quê hương mình chớ không còn miên man trong nỗi nhớ ngày cũ và hình bóng cũ. Bằng Những câu thơ vui chan chứa trong lòng:

“Mùa sang chưa mà em thay áo mới rồi
Nghe hối hả chợ hoa những ngày giáp tết
Chuyến phà xuân băng băng rẻ sóng
Chở mùa sang cùng muôn hoa vạn thọ rực vàng”

(Giêng rồi em)

Hay trong bài “Khúc đồng dao mưa”, Trương Trọng Nghĩa viết:

“Đôi lúc một mình bên hiên mưa
Em chợt nghe khúc hát

Chiều nay bất chợt mưa
Phố bỗng như trẻ lại
Và em hồn nhiên như thuở mười ba mười bảy
Cùng mưa hát suốt quãng đường về…”

Thi sĩ đã quen thành thân thiết với mảnh đất mà mình gắn bó:

“Bất chợt mưa một chiều châu thổ
Em qua sông còn vấn vương câu vọng cổ dân ca
Dòng sông rộng đã vắng bóng những chuyến phà
Nhịp sống vỗ về nghe miên man bờ bãi…”

(Qua sông tiền chợt nhớ)

Với những tình cảm đôn hậu và lời thơ chân thành, nhưng thơ anh cất giữ một nội dung sâu sắc, với một hàm lượng trí tuệ cao, đó là điều mà nhiều người làm thơ hôm nay khó có thể có được.

Đọc những câu thơ sau trong bài: “Giấc mơ bị đánh mất”

“Chẳng nhớ được gì về giấc mơ đêm qua
Tỉnh giấc chỉ mình tôi giữa căn phòng trống
Ai đã mang giấc mơ tôi đi
Hay giấc mơ tự rời bỏ trong đêm nguyệt thực
Dấu tích chỉ còn lại những vết trầy xước nơi lồng ngực căng đầy…”

Hay trong bài “Khẽ chạm cơn mưa”:

“Bờ rêu xanh miền kí ức
Hàng thông ngỡ dáng em gầy
Chạm tóc em cơn mưa lạ
Xa mùa hương ngọt ngào say…”

Ý và tứ, lý và tình hiển hiện đậm và rõ nét đơn sơ mà nâng lên một tầm duy lý cứ như ẩn hiện trong thơ anh, đó cũng là nét độc đáo riêng có của thơ Trương Trọng Nghĩa.

Hiện nay nhiều người làm thơ cố tình tạo ra sự rối rắm quanh mình, gây khó hiểu cho người đọc, cố tình phủ quanh thơ mình một chút lý sự, coi như một thứ triết lý mơ hồ không giá trị. Thì thơ của Trương Trọng Nghĩa hoàn toàn ngược lại thái độ này. Thơ của Trương Trọng Nghĩa giản dị mà không bình thường, nên hiểu đầy đủ về hồn thơ Trương Trọng Nghĩa không dễ. Thật vậy! Tôi đã đi đọc lại nhiều lần qua nhiều khoảng thời gian và không gian khác nhau, mỗi lần đọc lại miên man một cách cảm xúc mới mẽ. Nhưng cái giống nhau ở các lần đọc vẫn là sự trân trọng giá trị đạo đức, thể hiện một tính cách điềm đạm chân tình.

Tôi hiểu rằng trong một phạm vi hẹp của bài viết nầy cũng chỉ phát hiện ra một góc nhỏ của hồn thơ đằm thắm của anh, còn nữa… Trương Trọng Nghĩa vẫn còn trẻ về tuổi đời, đường đi phía trước còn rất thênh thang, mong anh giữ được hồn thơ đáng quí giá nầy dù mai kia có muôn điều biến ảo vây quanh cuộc sống đời người. Bằng tấm lòng anh em chân thành tôi xin tặng anh mấy câu thơ cảm khái khi được đọc thơ anh:

“Tóc bồng chỡ nặng ân tình
Còn gì giữ lại cho mình Nghĩa ơi
Ngựa hoang ngược dốc đường đời
Tấm thân bụi đất…
Ngọt lời thơ bay”.

Nhà thơ Lê Quang Vui

Thơ Trương Trọng Nghĩa – Một nỗi hoài vọng về quê xưa

Tôi đọc thơ Trương Trọng Nghĩa đã lâu, nhưng gần đây mới có dịp đọc khá đầy đủ thơ của anh thông qua tập “Bay lên từ cánh đồng “. Có thể nói ở tập này, Trương Trọng Nghĩa thể hiện độ chín về cảm xúc và chữ nghĩa. Câu chữ có hồn vía, lung linh mờ ảo. Đối với ai như thế nào thì không biết, nhưng đối với tôi, thơ Trương Trọng Nghĩa như một nỗi hoài vọng về quê xưa, với những vần thơ đậm chất Nam bộ và hình ảnh vùng quê châu thổ sông Cửu Long.

Đó có thể là những phận người lam lũ trên mảnh đất quê hương bao đời dầu dãi. Đất nuôi người như một bà mẹ. Con người gắn chặt với đất đai cố thổ. Từ bao đời, họ đã canh tác trên đất đai khô cằn với biết bao hy vọng. Đất như mang chứa hồn người, anh viết :

“Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả cuộc đời
Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng
Tôi theo cha ra đồng, đôi chân trần lóng ngóng
Từng bờ ruộng không đếm hết dấu chân cha”.

Bài “Trên bàn nhậu với một lão nông” mô tả cái sảng khoái của cư dân Nam bộ. Tác giả thấy thơ như bất lực trước đời sống cần lao và đầy biến động của người nông dân tay lấm chân bùn. Những tác động xã hội gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người nông dân, thơ không thể nói hết. Đó là sự trăn trở ưu tư của anh trước cuộc sống của người nông dân, anh viết:

“Chưa đọc thơ tôi nên ông đâu biết rằng:
Tôi chỉ biết tụng ca vẻ đẹp của những cánh đồng
Những xóm nghèo với bà mẹ quê lam lũ
Tôi tiếc thương vách đất, nhà tranh và những chiếc cầu tre ngày cũ    
Làng quê bao năm trong thơ cứ yên ả thanh bình
Ông đâu hiểu rằng, đời nào tôi viết được về những điều ông kể”.

Cái ấu thơ như một sợi dây vô hình níu kéo tác giả trong dòng sống hiện đại tất bật. Anh về lại căn nhà xưa, ngồi trên bậc cửa nghe tuổi thơ đã mất đi và cô gái nhà bên đã xa hút, con sáo đã sang sông bỏ lại mình anh mênh mông nỗi nhớ. Chỉ còn trong đầu óc tác giả lưu giữ cái trò chơi tuổi thơ và những mộng mơ ngày cũ. Anh viết những vần thơ da diết:

“Về nơi bậu cửa ấu thơ ta ngồi
Bao năm đàn nhện cứ cần mẫn giăng giăng nỗi nhớ
Em gái nhà bên đã theo chồng xa xứ
Trò chơi tuổi thơ chỉ còn màu hoa đậu biếc cứ vô tình tím mộng tím mơ”

Nghĩ về tình đất đai với con người, anh như thấy người phụ đất chứ đất không hề phụ người. Đất đai cho con người những mùa màng hoa trái, những bát cơm dẻo hạt. Nhưng rồi con người đã bỏ đất mà đi. Đất thành hoang hóa đến cánh chim cũng không màng đến đậu. Từng người bỏ đất mà đi, đất nằm im tiếng. Anh ghi lại cái hình ảnh ấy :

“Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình
Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất
“Nhà nông vất vả bội phần con ạ!”
Khi hạt gạo còn nhọc nhằn mồ hôi nước mắt
Đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi”.

Anh nhìn thấy cảnh quê như hoang liêu hiu hắt từ khi em bỏ quê lên thành, vầng trăng thành mồ côi, con sông chảy buồn bã, tiếng đờn kìm thổn thức hồn quê. Những hình ảnh quê hương vẫn còn nhưng không rộn ràng như xưa, bây giờ nó hoang hoải cô liêu, anh viết:

“Nên trăng mồ côi từ đấy
Đời ta cũng buồn như sông
Để tiếng đờn kìm thổn thức
Từ khi em bỏ cánh đồng”.

Anh có những câu thơ khái quát về vùng đất Chín Rồng rất ấn tượng. Chỉ có yêu tha thiết với đất quê mình mới có thể viết được như vậy.  Dù là khái quát địa lý nhưng nó mang chứa tình cảm trong đó, cho nên cái hình ảnh địa lý như có hồn, có linh hồn xứ sở, có hồn người trong đó. Anh khái quát như thế nầy:

“Đôi dòng sông như đôi cánh tay dang
Như muốn ôm tất cả vào lòng châu thổ
Gởi theo con nước bao buồn vui nhung nhớ
Về chín nhánh Cửu Long đâu đâu cũng quê mình”.

Con người như nhân chứng cho một vùng đất trải bao tang thương đổi dời. Chiến tranh đã để lại vết hằn trên mình đất và vết sẹo trong hồn người. Con người nhìn thời cuộc mà không khỏi rơi giọt nước mắt, anh viết:

“Nội kể những năm bình định quê mình bám làng giữ đất
Nội kể có lần Pon Pot tràn sang tàn sát bà con
Nội kể về những đồng đội xác còn gửi lại chiến trường
Nội kể và rồi nội khóc
Tuổi già mắt lệ như sương”.

Hình ảnh mẹ và em trở đi trở lại trong thơ anh, như một nỗi ám ảnh. Mẹ qua sông trong mùa hoa vạn thọ rực vàng và em với nhịp chèo nghiêng mái bóng dáng áo bà ba. Những hình ảnh thân thương của Miền Tây được tác giả khắc họa rõ nét :

“Con nước lớn ru phù sa trầm tích
Mẹ qua sông bông vạn thọ rực vàng”

Và:

“Em về đâu áo bà ba nón lá
Nhịp chèo nghiêng chạnh nhớ phút thương hồ”

Một lần tác giả trở lại khu vườn ấu thơ tìm cánh bướm ngày xưa đã chôn theo năm tháng. Câu thơ như rưng rưng theo nhịp thổn thức của chữ nghĩa, của hình ảnh:

“Khu vườn và những bí mật tuổi thơ
Tôi đã chôn cánh bướm dưới gốc cây me già
Nơi tôi vẫn thường hay chơi năm mười
Và ngồi khóc những lần mẹ đánh”.

Hình ảnh con cua đồng, chú dế đã đi vào thơ anh nhưng sao giờ nó u buồn hoang lương. Hay chính tiếng lòng tác giả nhìn sự vật u uẩn rã rời? Anh viết :

“Con cua đồng tự xây cho mình nấm mộ
Nỉ non bài ca của chú dế nhỏ độc hành”

Hình ảnh ngày xưa quê mình đã mất theo thời gian năm tháng. Trở về nơi xưa, tác giả ngậm ngùi tự hỏi : Đâu hình ảnh mẹ ngồi giặt áo cầu ao và đâu khúc sông trưa hè tắm mát tuổi thơ. Những câu thơ tự vấn u buồn và uẩn khúc :

“Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo
Mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều?
Đâu bạn bè những trưa hè tắm mát
Nụ cười giòn náo động một khoảng sông?”

Anh trở về quê xưa nhưng không còn người thân xưa, nắng lúc đó rơi vàng như hình ảnh một loài hoa đã mất trên vùng châu thổ Chín Rồng. Câu thơ đẹp rưng rưng:

“Tôi trở về bên cánh đồng tứ giác
Nắng rụng bờ đê ngỡ điên điển vàng bông
Chốn cũ giờ không tìm thấy đâu dáng mẹ
Lời ca dao buồn rưng rưng”.

Rải rác trong tập là những câu thơ hay, cô đọng, khái quát và gợi mở. Ví dụ anh viết:

“Đêm nguyệt cầm, cỏ khát một vầng trăng”

Hay: “Phía cuối vườn vừa rụng nụ trần gian”

Hoặc là những câu thơ tả thực phong tục vùng quê như:

“Xuân đồng bằng rộn rã nhịp trống lân”

Anh thương câu ca quê mình chạnh một nỗi niềm xa xứ của những cuộc di dân thuở trước:

“Đâu tiếng đàn kìm nức nở
Nỉ non khúc độc huyền cầm
Thương những mảnh đời dạt xứ
Câu xề khiến lòng xuyến xao”

Âm nhạc vốn chuyển tải hồn người thật nhất trong các loại hình nghệ thuật. Những câu ca xa xứ của người xưa như còn vọng mãi.

Tóm lại, thơ Trương Trọng Nghĩa là nỗi niềm một người con xứ sở châu thổ sông Cửu Long. Anh hoài vọng về quê xưa đã mất theo dòng sống hiện đại. Cái anh hoài vọng cũng chính là tâm thức vùng miền của mỗi người dân Việt. Những câu thơ chứa đựng một xúc cảm sâu xa da diết về quê hương. Nhưng thiết nghĩ, nếu anh đưa những hình tượng thơ, xúc cảm nghệ thuật lên một tầng cao triết lý thì thơ sẽ đạt hơn. Tức là tạo ra một thi giới riêng biệt độc lập hầu diễn đạt một miền quê tâm tưởng. Anh Trương Trọng Nghĩa vẫn còn nhiều thời gian để thành tựu thơ. Chúc anh tìm thấy chính mình.

Nhà thơ VƯƠNG HUY

Từ cánh đồng làng chữ, bay lên cùng anh Thợ Làm Vườn

Nhắc đến Thợ Làm Vườn (nickname trên mạng của nhà thơ trương Trọng Nghĩa), có lẽ nhiều người trong giới sáng tác văn thơ, nhất là các Nhà thơ trẻ thế hệ 8x, 9x, hẳn không ai xa lạ. Tôi quen biết Trương Trọng Nghĩa từ khi anh còn tham gia Câu lạc bộ sáng tác trẻ Tiền Giang. Khi ấy anh đã được nhiều người biết đến với tập thơ đầu tay“Những mảnh ghép không logic”. Với những câu thơ ấn tượng, bộc bạch như lời tâm sự, trải lòng của chàng trai miệt rẫy ruộng, những câu thơ mộc mạc, chân thành như không thể chân thành hơn “Những chú ếch đồng ngày xưa/ Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa/ Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống/ Bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…”/ Tôi đi về phía tuổi thơ/ Giẫm lên dấu chân/ Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống/ Đất không đủ cho sức trai cày ruộng/ Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…/ Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca/ Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…/ Cánh đồng làng giờ nhà cửa chen chúc mọc/ Đâu còn những lũy tre ngày xưa…/ Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…” (Phía sau làng) trong tập thơ năm ấy đã ngún vào lòng người hâm mộ và khẳng định vị thế của anh trên thi đàn cả nước.

Năm 2019, bẵng đi sau nhiều năm, anh bất ngờ cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới “Bay lên từ cánh đồng” – Nhà xuất bản Văn hóa – văn nghệ. Lật mở từng trang của tập thơ, ta lại bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân quen của miệt đồng quê sông nước: cánh đồng, lão nông, rau tập tàng, con cà cuống, chú dế nhỏ, cọng cỏ gà… nhưng với những góc nhìn mới, lạ và dạt dào cảm xúc. Vẫn là hình ảnh người mẹ gầy, lam lũ trên cánh đồng mưa nắng, anh ví cuộc đời của mẹ tựa như “Tuổi xuân cánh đồng” và anh tâm sự “Mẹ tôi giữ tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng/ cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo”, “Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt/ Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn” (Tuổi xuân cánh đồng),để rồi anh luôn nhủ mình phải là đứa con hiếu thảo, phải luôn có những ước mơ, hoài bão, khao khát vươn lên trong cuộc sống để đáp hiếu công ơn của mẹ, nhưng vẫn không nguôi nhớ về nguồn cội, cũng như nhủ lòng không làm mẹ buồn, thất vọng về mình.

Tôi chạy theo đàn sẻ nâu khát những chân trời xa tít
Mùa xuân bay vút lên từ những cánh đồng”

(Tuổi xuân cánh đồng)

Mẹ luôn là nguồn cảm xúc bất tận cho các nhà thơ giải bày trên những câu thơ của mình. Trương Trọng Nghĩa cũng không ngoại lệ. Trong thi phẩm“Bay lên từ cánh đồng”, anh có rất nhiều bài thơ viết về người mẹ hết mực yêu thương của mình. Các bài thơ như: Tuổi xuân cánh đồng; Một ngày…; Bay lên từ cánh đồng; Bên cánh đồng lớn; Đứng trước nền nhà cũ; Quê nhà; v.v… Ngay cả những bài thơ viết về đài tài khác như  “Trên bàn nhậu với một lão nông” hay “Ký ức nội tôi” anh cũng đều có nhắc về người mẹ của mình với một niềm kính nhớ. Điều dễ cho ta thấy ở Trương Trọng Nghĩa, mẹ là quan trọng nhất, không có gì có thể thay thế mẹ, mẹ là niềm tự hào của anh, mẹ rất đỗi thiêng liêng. Mỗi khi nhắc về quê nhà, anh không thể nào quên được.

 “Giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn
Nhịp mưa rơi trên mái lá nao lòng”

(Quê nhà)

Một ngày mệt mỏi nơi chốn thị thành, anh thèm lắm “Bữa cơm chiều/ chén canh rau tập tàng, ơ cá kho quê kiểng/ Một ngày nơi quê nhà dường như rất lạ/ Ngồi nhặt vệt thời gian trên tóc mẹ, nghe tháng ngày bình yên…” (Một ngày). Thèm lắm. Khao khát lắm. Nhưng rồi anh bỗng lo sợ khi một lần về đứng trước nền nhà cũ. “Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo/ mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều” (Đứng trước nền nhà cũ). Bằng những câu thơ tự nhiên, không cầu kỳ, cảm xúc chân thật đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, không hề khách sáo.

Ký ức cũng luôn là một phần không thể thiếu trong tâm linh, trong đề tài của mỗi người làm thơ. Trương Trọng Nghĩa cũng có đầy ắp những ký ức buồn vương thương nhớ của riêng mình. Ký ức về cánh đồng là một ví dụ điển hình nhất.

“Đàn trâu cuối cùng đã ra đi
Đêm qua gió bấc về, cánh đồng oằn mình
Bỗng nhớ tiếng “nghé ọ’ còn đâu đó trong ký ức
Chấp chới cánh diều vi vút trong những cơn mơ”

(Bên đồng chiều)

“Mảnh vườn cũ chỉ còn trong ký ức
Đàn chim xưa bay đi mãi không về
Tôi về đứng nghe tuổi thơ thổn thức
Nắng bông đùa trêu mái tóc hoa râm”

(Đứng trước nền nhà cũ)

Ai đó đã nói thơ là tiếng lòng, là thư ký trung thành của trái tim. Quả đúng như vậy. Nếu ai đã từng gặp gỡ, biết qua Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, thì chắc sẽ có cùng cảm nhận giống như tôi. Trương Trọng Nghĩa thật sự có một trái tim nhân hậu, hiền lành, chất phác như chính con người của anh vậy. Đọc thơ Trương Trọng Nghĩa ta lại bắt gặp tiếng lòng của một anh Thợ Làm Vườn trên cánh đồng làng chữ. Anh luôn trăn trở về những nỗi cực nhọc của người nông dân, thương cảm những nhà tranh vách đất, rồi lại băn khoăn về giá cả nông sản bấp bênh. Trong bài “Trên bàn nhậu với một lão nông” anh viết “Khi biết tôi làm thơ/ Ông bảo chú em hãy viết về nỗi khổ của người nôn dân, về giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng, còn nông sản thì bấp bênh giá cả/ về con đường bao năm hết lầy lội đến bụi mù/ về đây đó nọ kia…”. Vâng, phải yêu quê hương lắm, thấu cảm với ruộng đồng lắm và phải có tấm lòng với người nông dân lắm, Nhà thơ mới chắt chiu nên những câu thơ như một lời mắc nợ.

“Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngái ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay”

(Bay lên từ cánh đồng)

Khi khắc họa về cuộc chiến tranh, ký ức về nội của mình, về câu chuyện Pol Pot tràn sang tàn sát bà con, anh đã bật khóc.

“Nội kể những năm bình định quê mình bám đất giữ làng
Nội kể có lần Pol Pot tràn sang tàn sát bà con
Nội kể về những đồng đội xác còn gửi lại chiến trường
Nội kể và rồi nội khóc
Tuổi già mắt lệ như sương…”

(Ký ức nội tôi)

Và một lần nữa ta lại bắt gặp hình ảnh “con cà cuống” mà hơn hai mươi năm trước Trương Trọng Nghĩa đã có lần dầm nước mắm đãi bạn bè trên bữa tiệc thơ “Phía sau làng” cay xè nước mắt. Lần này anh nhắc lại cùng bạn bè với một niềm nhớ thương đau đáu.

“Đi qua tuổi thơ
Bàn chân còn bám đầy vết phèn nâu đỏ
Tôi – gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng
Thấp thoáng bóng mùa trôi…”

(Ngày về)

Ta hiếm thấy, nhưng không phải không có những bài thơ gợi nhớ “một thời ta đã yêu” của Trương Trọng Nghĩa, trong bài “Khúc đồng dao mưa” anh mượn cơn mưa để gợi nhắc về bao kỷ niệm rất dễ thương, yêu đời lắm.

“mưa nhẹ nhàng rơi trên tóc em, trên bờ vai em
mưa như người bạn cũ
mưa nhắc em khúc đồng dao thời thơ ấu
mưa khúc khích…
tiếng em cười…
gọi mùa về trên những ngón tay ngoan
Mưa
mưa rơi
mưa rơi rơi…
la la la là…”

Hay những ngày đi qua nắng, gió, bụi đường, chợt ai đó đánh rơi điệu bolero, bài hát đã vô tình quên tên nhưng nhắc anh nhớ những điều xưa cũ, như một chuyến xe vừa đi ngang qua ký ức.

“Bao lần nhớ chợ hanh hao ngày tháng
Để rồi quên những chuyến xe vội vã trong đời
Ngày lạc em cùng bao điều bí mật
Tôi mệt nhoài giữa ngày tháng rong chơi…”

(Trên chuyến xe đò miền Tây)

Đọc “Bay lên từ cánh đồng” ta có cảm giác nhà thơ đôi lúc muốn thoát ra khỏi những lối mòn cũ, muốn tự làm mới mình, nhưng rồi cũng như “con cà cuống”, anh vẫn thấy mình không thể rời xa cây lúa, không thể từ bỏ đồng ruộng, làng thôn. “Trên chuyến xe đò miền Tây” anh bộc bạch “Chẳng gì có thể giải thoát tôi khỏi tình trạng này/ Chẳng ai có thể cứu vãn một cuộc rời không kỳ hạn/ Những cột cây số không sao đo đếm hết/ Từng nỗi tôi trôi dài theo bánh xe lăn”. Những bài thơ như: Mảnh vỡ, Cơn ác mộng, Giấc mơ bị đánh mất,… là những bài thơ Trương trọng Nghĩa trải nghiệm mới, tự làm mới mình.

Khép lại tập thơ “Bay lên từ cách đồng” lại muốn mở ra. Đọc lại thêm một lần nữa để cùng với anh Thợ Làm Vườn – Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa thổn thức về tình người, tình đất về những miền ký ức yêu thương.

Chủ nhật, 09/08/2020
Nhà thơ NGUYỄN THANH HẢI

Thơ Trương Trọng Nghĩa – đăm đắm hồn quê

Đọc tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2019) của Trương Trọng Nghĩa, tôi giật mình thảng thốt. Giật mình vì trong khi một bộ phận lớn các nhà thơ trẻ cùng thời nôn nóng đi tìm những tứ thơ “độc”, mới lạ cả về đề tài và cách thể hiện thì Nghĩa lại tự tin quay về với ruộng đồng, lão nông, ông bà, cha mẹ, cô gái quê “bà ba, nón lá”… Những người “cánh đồng nhỏ thôi mà quanh quẩn cả một đời”. Một đời làm lụng vất vả với đôi tay nhăn nheo bám đất, dính phèn. Làm mãi vẫn không hết việc và cũng không thể (hoặc không muốn) vượt ra khỏi cánh đồng ấy. Còn cánh đồng thì biết trả ơn, trả nghĩa, “trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo”.

Trên cánh đồng, dòng sông và làng quê trù phú ấy hầu như không có gì không đi vào thơ Nghĩa. Từ con trâu cái cày, khói đốt đồng, ong bầu, ếch nhái, dế trũi, cà cuống, vạc sành, chim cò, sẻ nâu, kìm kìm, cá tôm mùa lũ. Cho đến vách đất nhà tranh, cầu tre, chú mèo lười nằm lim dim ngủ, gà vịt, nhện giăng tơ, hoa đậu biếc, hoa bần, mồng tơi, rau tập tàng, ơ cá kho, gáo dừa, chiếc sừng trâu treo góc nhà, cánh diều mắc cạn trên ngọn tre. Cả đờn kìm, ca vọng cổ đêm trăng nữa… Tôi bị lạc vào thế giới thiên nhiên muôn hình, muôn màu, muôn âm thanh và cả những người dân quê quanh năm làm lụng, chân lấm tay bùn nhưng rất đôn hậu và hào sảng của miền đất Tây Nam bộ trong thơ Nghĩa.

Tình đất, tình người ấy đã đi vào thơ Nghĩa và ở lại với những bài thơ, câu thơ đầy ấn tượng. Tôi thích cái cách thơ tưng tửng, tung hứng mà trầm lắng, sâu sắc trong bài “Trên bàn nhậu của một lão nông”. Trên bàn nhậu rượu vào lời ra, lão nông kể đủ thứ. Nào là “nỗi khổ của người nông dân”, “giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng” trong khi “nông sản thì bấp bênh giá cả”. Rồi thì những con đường mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mù. Cả dịch cúm cướp mất đàn gà, rồi “trai tráng bỏ làng đi xa”. Để “những mảnh vườn đui đọt xác xơ”. Từ “đui đọt” hay mà lạ quá. Và cũng chính vì thanh niên trai tráng bỏ làng nên “đồng cạn ruộng hoang giữa mùa gieo sạ”… Trước bao lời kể của lão nông, nhà thơ ngẩn ngơ và cũng rất chân thành: Chưa đọc thơ tôi nên ông đâu biết”, “Đời nào tôi viết được những điều ông kể”. Nhưng chính tác giả đã viết được như thế và còn nhiều hơn thế nữa. Cách thơ khéo léo, có duyên và hay quá. Yêu quá những cảm xúc tươi trong, những bài thơ, câu thơ khó thể viết hay hơn khi người con đi xa có dịp trở về:

          Về lặn ngụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp
          Nơi góc vườn có những nụ trâm ổi nở lặng lẽ chờ ta
          Về nghe những lũ chim gì đó hót sau nhà
          Con ong bầu náu mình nơi cột nhà nghe lời ru cánh võng
          Đêm có tiếng ếch nhái gọi trăng bên con mương nhỏ
          Và ta là chú dế trũi lang thang…

                                                                  (Một ngày…)

Và “về ngắm khói đốt đồng mà lòng bình yên quá đỗi”. Bình yên cả “gã mèo khoanh tròn trên giàn bếp ngủ vùi”, “đàn nhện cứ cần mẫn giăng giăng nỗi nhớ”. Trên bờ rào “hoa đậu biếc cứ vô tình tím mộng, tím mơ”. Nhưng không thể mơ mộng mãi được. Nên “ra sau nhà hái đầy rổ mồng tơi/ Bữa cơm chiều chén canh rau tập tàng, ơ cá kho quê kiểng”. Rồi thì:

          Đàn vịt xiêm nhìn tôi mắt tròn xoe ngơ ngác
          Con gà mái tục ta tục tác
          Gáo nước mưa ngọt lịm buổi trưa hè
          Cánh diều giấy mắc cạn ngọn tre
          Hiên nhà cũ từng đàn nhện giăng ngang nỗi nhớ.

(Ngày về)

Là người vốn xa quê hương từ thời mới cắp sách đến trường, tôi từ ngạc nhiên đến yêu thích những bài thơ, câu thơ viết về quê vừa thật vừa hay làm tôi xúc động đến thế. Không chỉ tả thực, thơ Nghĩa còn đậm chất ưu tư. Cái ưu tư trăn trở của người con biết mình còn mắc nợ quê hương. Cái nợ sinh thành, dưỡng giục của cha mẹ, của tình làng nghĩa xóm và đồng đất quê hương.

          Tôi ra đi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
          Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
          Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
          Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
          Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay

Nợ cả sự trăn trở của người cha.

Một thời con trâu cái cày, đồng sâu ruộng cạn
          Giờ trai tráng bỏ làng lên thành phố
          Đêm đêm cha thao thức cùng tiếng vạc sành nỉ non

(Bay lên từ cánh đồng)

Nợ và thấm thía nhất là khi:

          Tôi đi dọc triền sông nước lớn
          Gặp lại tuổi thơ chú lìm kìm tung tăng đùa bóng nước
          Nhánh lục bình cũng khơi chuyện cũ xa xôi…

(Với khúc sông nho nhỏ)

Ai cũng có một thời tuổi thơ để nhớ, để giật mình khi gặp lại. Nhưng đối với Nghĩa thì đằm chín quá khi đi trên “cánh đồng lớn”. Ở cánh đồng ấy cha đã bán trâu mua máy cày. Mừng cho quê hương đổi mới nhưng Nghĩa vẫn hoài vọng về thời “cánh đồng nhỏ”, nếp nhà tranh, cầu tre lắt lẽo… Mãi hoài tưởng để tác giả phải giật mình khi “từng bầy sẻ nâu bay vút lên”. Nhưng trong sau thẳm thì nhận biết được cả “hương lúa nồng nàn chiều quê hát lời rơm rạ”. Nghĩa có lý do để đăm đắm và hoài vọng. Bởi “ngày tôi sinh bìm bịp khản giọng gọi con nước lớn”, “lũ ngập trắng đồng”, “giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn”, cho con nên vóc nên hình. Và:

          Tôi lớn lên theo từng đàn cá linh về
          Từng mùa lũ trắng đồng, cánh cò mê mải
          Bát cơm xanh xanh màu đọt choại
          Ơ cá rô kho mặn đắng bờ môi

(Quê nhà)

Hình ảnh quê nhà dù còn nhiều khó khăn nhưng ân tình quá. Chính vì vậy dù đi đâu, ở đâu tác giả cũng nhớ về quê nhà, về mái nhà xưa. Ở đó có mẹ già tảo tần hôm sớm, có cô hàng xóm vội vã lấy chồng. “Đứng trước nền nhà cũ” Nghĩa thảng thốt tự hỏi:

          Đâu khói bếp ám khói chiều nồng ấm
          Rau tập tàng mẹ nấu canh chua
          Vị cà cuống nướng dầm nước mắm
          Đọng trong tôi mãi đến bây giờ.

Tuyệt quá. Mạch thơ như chính cuộc sống cứ cuồn cuộn chảy về trong tiềm thức. Phải chăng nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã trả nợ cho quê hương, cho đấng sinh thành và những ân tình của mình bằng những bài thơ chắt ra từ gan ruột, từ lòng biết ơn, sự tự hào, làm rung động trái tim người đọc. Đến người đàn bà uống rượu một mình, không quen biết tác giả cũng dành cho những câu thơ chia sẻ và thông cảm hết sức sâu sắc:

          Người buồn uống cả cơn say
          Xòe tay đếm những ngón gầy lẻ loi

(Người đàn bà uống rượu một mình)

Câu thơ hay nhờ bốn từ “uống cả cơn say”. Uống và đắng chát như chính nỗi buồn lẻ loi mà người đàn bà muốn tìm lãng quên trong men rượu. Nhưng người đàn bà đâu hiểu càng uống càng tỉnh, càng cô đơn để tác giả phải thốt lên:

          Chuốc bao nhiêu rượu cho vừa?
          Tàn đêm có kẻ lòng chưa hết buồn.

          Trên thi đàn Việt Nam không ít người viết về nông thôn, quê kiểng. Người thành công cũng nhiều. Nhưng chỉ có cố thi sĩ Nguyễn Bính được mệnh danh “nhà thơ chân quê”. Nhà thơ Hữu Thỉnh được mệnh danh “thành phố hồn quê”. Để biết viết về mãng đề tài này không dễ nên ít ai có ý thức hướng về miền quê và cánh đồng như nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa. Phải chăng đó cũng là một thử thách, một con đường để tự khẳng định mình của nhà thơ trẻ tài hoa?

          Điều đáng nói nữa là, sự mới mẽ là tố chất làm nên nét độc đáo của thơ. Nhà thơ chân chính nào cũng đều muốn làm mới thơ mình. Nhưng cách tân, làm mới thơ phải hiểu như thế nào? Thơ hay nói rộng hơn là các sản phẩm trí tuệ khác luôn mang yếu tố kế thừa. Kế thừa để phát triển chứ không phải kế thừa để lặp lại. Thiên chức của nhà thơ là không ngừng sáng tao.Vì vậy các nhà thơ hiện đại trong khi chưa thể làm mới thơ hoàn toàn thì vẫn có thể viết các thể thơ niêm luật, cổ điển như lục bát, song thất lục bát, ngủ ngôn… Nhưng nhất thiết phải “bình cũ rượu mới”, ngôn từ mới, cách thể hiện mới. Đó là làm mới thơ. Chứ không thể bẻ gãy câu thơ, làm vụn ý tứ thơ, dùng những từ “đao to búa lớn”, bí hiểm như thách đố người đọc để mang danh làm mới thơ rồi tự bào chữa thơ là để cảm chứ không phải để hiểu. Xin lỗi, đọc thơ mà không hiểu tác giả muốn nói gì thì làm sao mà cảm được? Như vậy theo tôi, thơ hay, thơ mới trước hết phải mới về nội dung và nhất thiết phải mang tới một ý nghĩa mới, thông điệp mới. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cũng đã nói: “Thơ nào đọc lên thấy khang khác mà vẫn phảng phất cổ điển thì đó là thơ đích thực, mang tới giá trị mới”. Thơ của Trương Trọng Nghĩa là thơ dễ hiểu, phảng phất cổ điển, có giá trị mới như thế. Tuy nhiên phảng phất cổ điển không có nghĩa chấp nhận những từ đã quá cũ, sáo mòn như: Liêu trai, mộng mị, phiêu lãng, sầu viễn xứ… mà nhà thơ chưa gạt bỏ hết trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng”.

Với tôi, thơ là tiếng nói của trái tim, của cái đẹp. Thơ là để tâm sự, sẻ chia và gợi mở. Vì vậy mỗi nhà thơ có cách thơ riêng để tạo nên con đường thơ từ trái tim mình đến trái tim người đọc. Nhà thơ nào khơi gợi được niềm cảm xúc đẹp của người đọc, khiến họ rung cảm và đồng điệu với trái tim mình thì người đó thành công. Trương Trọng Nghĩa đã thành công, đã “Bay lên từ cánh đồng”. Hy vọng tác giả còn bay cao, bay xa hơn nữa.  

Nhà thơ Võ Thị Kim Liên
Báo Ấp Bắc số 4130 ra ngày 09/11/2020
(http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202011/tho-truong-trong-nghia-dam-dam-hon-que-913116/)