Home Blog

Cẩn trọng trước “ma trận” tin giả về dịch Covid-19

0

Những ngày này, khi Tiền Giang và cả nước đang gồng mình, chung tay đồng lòng chống dịch COVID-19 thì vẫn có không ít người thiếu ý thức, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Điển hình ngày 31-05 vừa qua, một trang mạng Facebook có trên 220.000 người theo dõi xuất hiện thông tin: “Tiền Giang phát hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 có tiếp xúc cộng đồng ở Mỹ Tho và khu vực lân cận”. Thông tin này nhanh chóng thu hút hàng ngàn bình luận và lượt chia sẻ khiến không ít người dân ở Tiền Giang lo lắng, bất an.

Ma trận tin giả

Những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân, và sự nguy hiểm của nó không thua virus gây ra SARS-CoV-2.

Ngày 03/3/2020, nam thanh niên sinh năm 1991, đang tạm trú tại phường 8, thành phố Mỹ Tho sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng thông tin “Giờ đi Sài Gòn không dám đi xe khách luôn. Nghe chị bạn nói, có 1 bé gái có biểu hiện sốt, sổ mũi, ho và được Công an xã Tân Thuận Bình với Y tế xã cho theo dõi cách ly rồi”. Những thông tin kiểu “chém gió”, nhằm mục đích “câu view, câu like” như thế tưởng chừng vô hại lại gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù những thông tin là giả và ở trên không gian ảo nhưng lại khiến nhiều người hoảng loạn, mất ăn, mất ngủ, thậm chí hoang mang gom hàng hóa tích trữ là có thật.

Tối 15-2-2021, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp văn bản tờ trình của Sở Giáo dục Đào tạo Tiền Giang cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Tên người ký văn bản là ông Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc Sở, nhưng ông Oanh đã nghỉ hưu từ tháng 8-2020. Đến sáng 16.2, một số tài khoản mạng xã hội tiếp tục đăng hình giả mạo công văn số 173/SGDĐT-TCHC của Sở GD-ĐT Tiền Giang quyết định việc kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, sinh viên đến hết tháng 2.2021. Nhiều phụ huynh nháo nhào, hoang mang vì cứ nghĩ văn bản này là thật. Những phụ huynh nghi ngờ văn bản giả mạo thì cũng điện thoại, nhắn tin cho thầy cô giáo, nhà trường để hỏi xem con em mình tiếp tục nghỉ hay đi học.

Văn bản giả mạo về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học

Ngày 6/6 mới đây, nhiều trang Facebook lại có thông tin cảnh báo: “Hiện nay xuất hiện số điện thoại 1088 1119 và số 018001119 (có số 0 ở đầu), giả mạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch để tiến hành lừa đảo. Đã có nhiề̀u người bị gọi, hỏi thăm và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Mọi người lưu ý không bắt máy khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại này nhé”. Tuy nhiên, không đúng như thông tin cảnh báo, số điện thoại 018001119 là đầu số tự động của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, thực hiện cuộc gọi tự động để cập nhật dữ liệu sức khỏe cộng đồng. Những thông tin “cảnh báo sai sự thật” thế này khiến nhiều người tỏ ra e ngại không bắt máy và cung cấp thông tin, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Tỉnh táo trước thông tin giả

Trước tình trạng nhiều thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, mới đây Bộ Công an đã chỉ dẫn cho người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 đã bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đối với nam thanh niên ở phường 8, thành phố Mỹ Tho đăng thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đề cập ở trên, Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở thông tin và truyền thông tỉnh Tiền Giang đã mời làm việc. Nam thanh niên này đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin trên mạng xã hội là sai sự thật. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi đăng thông tin sai sự thật, nhất là thông tin về dịch Covid-19 cần được xử lý nghiêm khắc nhằm tăng tính răn đe, đồng thời làm gương giáo dục trong cộng đồng xã hội.

Dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, hơn lúc nào hết những thông tin liên quan đến đại dịch này đang được người dân hết sức quan tâm. Đó cũng là lý do khiến những thông tin xấu độc, gây hoang mang cho người dân diễn ra ngày càng phức tạp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang cũng đã có khuyến cáo người dân nên chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống để đảm bảo việc phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong trận chiến chống tin xấu độc trên mạng xã hội, thì rất cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ những thông tin xấu độc, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

LÊ VĂN

Sách đọc trong những ngày giãn cách

Mỹ Tho đang trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Chỉ chưa đầy 2 tuần, từ ngày 5/6 đến nay, Tiền Giang đã có tổng cộng 6 ổ dịch, với 41 ca mắc COVID- 19 trong cộng đồng và một số ca nghi nhiễm được ghi nhận. Lo lắng nhưng không hoang mang. Những ngày này, thực hiện nghiêm túc “5K” chung sống an toàn với dịch bệnh, ai ở đâu thì ở yên đó và không gì khác là đọc sách. Trương Trọng Nghĩa chân thành cám ơn các tác giả gần xa đã gửi tặng những tác phẩm mới vừa ra đời trong mùa dịch.

  • “Chư Tan Kra mây trắng” tập là trường ca của nhà thơ Lữ Mai viết về những người Cựu chiến binh đi tìm đồng đội trên dãy núi Chư Tan Kra. Trường ca là hành trình xúc động về những người lính “Trung đoàn mũ sắt” trên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.
  • “Vực thẳm trắng”, tiểu thuyết của “độc cô” Bình Thuận, nhà văn Nguyễn Hiệp. Một tập tiểu thuyết gần 200 trang, vừa sức đọc với 9 chương và 18 phần viết về những điều đang dần mất đi, như: văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, lịch sử,…
  • “Mối tình đầu”, tiểu thuyết của nhà văn đồng hương Kim Quyên. Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV (2017-2020).Tiểu thuyết lấy bối cảm trường tư thục Trí Việt nằm cặp theo vàm sông Cái Bè và con người Tiền Giang từ những năm tháng chiến tranh cho đến hôm nay.
  • “Hòn đá lăn không rêu”, tuyển tập văn thơ dày hơn 500 trang từ Trại sáng tác Prometheus, với sự tham gia của 32 cây bút trong và ngoài nước. Đặc biệt Tiền Giang có 2 tác giả là nhà văn Huỳnh Thị Thu Trang và nhà thơ Trần Thị Ngọc Hồng góp mặt.Đây là tác phẩm hình thành từ việc “Refresh Facebook bằng ngôn từ” do nhà văn Trần Đông A khởi xướng, từng được các tác giả hưởng ứng rầm rộ trên mạng Facebook.
  • Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống số đầu tiên, bộ mới. Tiền thân là tạp chí “Nhà văn & Tác phẩm” trước đây. Đảm nhận vai trò Tổng Biên tập, nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu lý do đổi tên tạp chí “điều cần đặt ra trong tình hình mới bây giờ là sự gắn bó với cuộc sống, đưa hiện thực cuộc sống vào các trang viết sinh động, mới mẻ và sâu sắc”. Tạp chí có nhiều chuyên mục hấp dẫn: Góc nhìn nhà văn, Vấn đề hôm nay, Văn, Thơ, Sáng tác trẻ, Chân dung văn, Chuyện nghề văn, Văn học Việt Nam ra nước ngoài, Nhà văn và nhà trường, Nhà văn đọc sách… Rất vui khi đón nhận Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống số đầu tiên với chữ ký của TBT, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa.
  • “Khâu vá bầu trời”, tập tạp bút của nhà thơ Lê Ái Siêm. Với thế mạnh về thơ, tập tạp bút của Lê Ái Siêm vì thế cũng đầy chất thơ, mặc dù trong tập này ông viết rất nhiều “Vấn đề nóng” của toàn xã hội hiện nay. Những bài viết của ông được thể hiện theo phong cách của những dòng status trên mạng xã hội, với dung lượng ngắn trong khoảng 300-500 chữ bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm thú vị của tác giả về cuộc sống.
  • “Mình mắc cạn vào nhau”, tập thơ của Khét, bút danh quen thuộc của cây bút trẻ Cà Mau – Trần Đức Tín, tập thơ mỏng nhưng khá đầy đặn và ấn tượng. Ở đó, bạn đọc sẽ bắt gặp một Trần Đức Tín với giọng thơ rất riêng, giàu năng lượng và giàu cảm xúc.

Livestream – “Vũ khí” mới của báo chí

Kỹ năng livestream (phát hình trực tiếp) bằng smartphone (điện thoại thông minh) là lớp bồi dưỡng nghiệp vụ vừa được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang tổ chức trong hai ngày 23 và 24-3 tại Thành phố Mỹ Tho. Chỉ trong 4 buổi học ngắn ngủi, các học viên được trang bị thêm nhiều kiến thức mới như: Xây dựng kịch bản hấp dẫn cho buổi livestream, những thủ thuật thu hút người xem, kỹ năng quay video và biên tập hình ảnh cũng như những lưu ý cần tránh khi làm livestream…

XU HƯỚNG LIVESTREAM

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay. Trong đó, Facebook ra đời năm 2004, trở thành mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Hiện nay, 60.6% người dùng internet có sử dụng Facebook và 1,84 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày, theo thống kê năm 2021. Trong khi đó, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới là Youtube cũng có sự phát triển với tốc độ chóng mặt, và Việt Nam là quốc gia sử dụng Youtube đứng thứ 2 trên thế giới.

Chúng ta vẫn thường nói vui rằng “ai cũng có thể làm báo, ai cũng có thể livestream” trên mạng xã hội. Vài năm trở lại đây, livestream trở thành xu hướng tất yếu của báo chí trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nó tỏ ra rất hiệu quả trong công tác truyền thông. Chính vì thế mà các tòa soạn báo trên thế giới, lẫn ở nước ta không thể đứng ngoài xu hướng này.

Nhà báo Hoàng Đức Long, Trưởng phòng Thông tin Chính trị – Xã hội thuộc Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam là người trực tiếp hướng dẫn lớp chia sẻ: “Qua thực hiện nhiều buổi livestream trên trang Vnews của Truyền hình Thông tấn, tôi nhận thấy việc livestream cực kỳ hiệu quả, thu hút được đông đảo người xem nhất đối với những thông tin “nóng”.

Với sự hỗ trợ đắc lực của chiếc điện thoại thông minh, công việc của nhà báo trở nên dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Thông tin nhanh chóng được chuyển tải đến với bạn đọc và bạn đọc có thể lập tức hòa mình vào sự kiện cùng với phóng viên cho dù đang ở bất cứ đâu.

Thế mạnh của livestream là tính khách quan, chân thực bởi đó là sự kiện đang diễn ra dưới sự chứng kiến của rất nhiều người, chứ không phải qua lăng kính phản ánh của phóng viên như xưa nay. Không chỉ được xem tận mắt sự kiện đang diễn ra, người xem còn thể đặt câu hỏi cho các phóng viên để có thêm thông tin. Livestream vì thế luôn nóng hổi, sống động như chính cuộc sống và đó là yếu tố đầu tiên thu hút khán giả.

Những lợi thế của livestream như: sự nhanh nhạy, linh hoạt và tính tương tác cao… sẽ tạo nên dấu ấn và đó là “món đặc sản” của  báo điện tử mà không có loại hình báo chí nào sánh được. Nếu khai thác tốt việc livestream thì đây chính là “vũ khí mới” của nhà báo trong cuộc chạy đua để mang những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất đến với bạn đọc.

Nhà báo Hoàng Đức Long trao giấy chứng nhận cho các học viên

KHÓA HỌC THIẾT THỰC VÀ BỔ ÍCH

Tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng livestream bằng smartphone lần này có hơn 30 học viên là các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí và các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phóng viên Nguyễn Mạnh Cường (Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang) cho biết: “Trước đây, đôi lần tôi livestream trên trang cá nhân nhưng chưa lần nào làm livestream dưới góc độ báo chí. Tham gia khóa học tôi tiếp thu được những kiến thức mới về việc sử dụng smartphone để tường thuật trực tiếp các sự kiện “nóng” nhằm kịp thời cung cấp thông tin nhanh nhất cho khán giả. Điều này  rất ý nghĩa và bổ ích cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và những người làm công tác truyền thông”.

Do lần đầu tác nghiệp với kỹ thuật livestream nên hầu hết các học viên đều khá bỡ ngỡ và không tránh khỏi thiếu những sơ sót. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của nhà báo Hoàng Đức Long, các nhóm thực hành đã nhanh chóng hoàn thành sản phẩm báo chí của mình sau khóa học. Các bài thực hành đều được giảng viên góp ý và hướng dẫn tận tình, giúp các học viên hiểu sâu sắc thêm về nội dung lẫn kỹ thuật livestream.

Nữ phóng viên Yến Vân (Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang) chia sẻ: “Trước đây tôi chủ yếu tác nghiệp ở bộ phận phát thanh của đài. Thật may, khi vừa chuyển sang bộ phận truyền hình thì tôi lại được tham gia lớp bồi dưỡng rất bổ ích và thú vị này. Trong khi đó phóng viên Phan Cao Thắng (báo Ấp Bắc) thì tâm đắc về “các kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp khi thực hiện live stream được thầy chia sẻ. Đồng thời, tôi cũng được thầy hướng dẫn cặn kẽ cách chuẩn bị nhanh kế hoạch live stream nhanh sao cho có hiệu quả tốt nhất. Những kỹ năng đó, tôi nghĩ rất cần thiết cho việc tác nghiệp sau này”.

Qua lớp bồi dưỡng, điều ai cũng nhận ra, đó là: Việc livestream trên mạng xã hội tưởng chừng dễ dàng nhưng đó lại là một công việc đòi hỏi sự đầu tư rất công phu và cẩn trọng. Trong đó, việc chọn lựa vấn đề nào cần thực hiện livestream và vấn đề nào không là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Có những vấn đề nhạy cảm khi livestream sẽ phản tác dụng, hoặc không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Việc chọn thời điểm vàng để bắt đầu livestream cũng hết sức quan trọng, vì một buổi livestream không thể quá ngắn, nhưng cũng không thể quá dài khiến khán giả mất kiên nhẫn. Một buổi livestream cũng cần chuẩn bị kỹ những nội dung thông tin liên quan để cung cấp cho khán giả, có phần dẫn nhập hấp dẫn, đồng thời phải có sự tương tác để thu hút khán giả…

Phóng viên Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Qua lớp bồi dưỡng lần này, tôi được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến nghiệp vụ báo chí, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cũng như nâng cao hơn khả năng dẫn hiện trường của bản thân. Đồng thời khóa học này cũng đã  tạo điều kiện cho bản thân tôi có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo từ các anh, chị phóng viên đang làm việc ở những cơ quan khác”.

Phóng viên Phan Cao Thắng cũng gửi gắm: “Trong thời gian tới, tôi hy vọng Hội Nhà báo tỉnh tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cho đội ngũ làm báo. Nội dung cần thiết thực, gắn liền với thực tế tác nghiệp tại địa phương như khóa học lần này để các học viên có thể áp dụng ngay vào công việc của mình”.

LÊ VĂN

Chàng trai Tiền Giang giữ hồn nghệ thuật truyền thống

Bộ sách quý về nghệ thuật cổ truyền Nam bộ “Lục tỉnh cầm ca” do nhóm Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD) thực hiện, NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành vừa ra mắt công chúng tại Đường sách TP.HCM. Trưởng nhóm tác giả “Lục tỉnh cầm ca” là Phan Khắc Huy (sinh năm 1987), chàng trai Tiền Giang với nhiều tâm huyết giữ gìn nghệ thuật truyền thống và là người truyền lửa đam mê lịch sử, văn hóa Việt cho những người trẻ.

BỎ NGÀNH Y ĐỂ THEO ĐUỔI ĐAM MÊ

Phan Khắc Huy từng là thành viên CLB Sáng tác văn học trẻ (Hội Văn học, Nghệ thuật Tiền Giang). Có lẽ vì là “con nhà nòi” (mẹ anh là nhà văn Thu Trang, ông ngoại là nhà văn Minh Lộc và cụ cố là nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt) nên Phan Khắc Huy đam mê văn chương, yêu thích đọc sách từ nhỏ. Quyết định từ bỏ Y khoa sau hơn 5 năm theo học Đại học Y Dược TP.HCM của Huy ban đầu khiến gia đình và không ít bạn bè không khỏi bị sốc. “Cho đến lúc này, tôi tin rằng đó không phải là một quyết định liều lĩnh” – Phan Khắc Huy chia sẻ: “Tôi nhận ra, mình không yêu thích ngành học này. Hiện nay, y đức là vấn đề nổi cộm của cả xã hội, một bác sĩ không yêu nghề, chỉ vì tiền thì trước sau gì cũng sẽ làm hại bệnh nhân của mình”.

Sinh ra và trưởng thành ở vùng đất Tiền Giang – cái nôi của nghệ thuật cải lương, các loại hình âm nhạc và biểu diễn phong phú của vùng đất này đã tự nhiên thẩm thấu và tạo cho Huy sự ham thích và suy nghĩ để làm sao vốn văn hóa ấy được tiếp tục lưu truyền, sáng tạo. Không đồng tình khi nhiều người vẫn cho rằng giới trẻ hiện nay không quan tâm nhiều đến lịch sử – văn hóa truyền thống. Phan Khắc Huy muốn chứng tỏ rằng giới trẻ đang quan tâm đến lịch sử – văn hóa theo cách riêng của mình. “Trong thế giới điện toán này, người trẻ muốn tự mình sáng tạo giá trị của riêng mình dựa trên chất liệu cổ truyền, vì vậy, có lẽ, họ cần những kênh thông tin, kênh giáo dục trải nghiệm, chuẩn xác nhưng gần gũi để có thể tìm về giá trị truyền thống, lựa chọn chất liệu để sáng tạo, để kế thừa và tạo ra giá trị mới”.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nhạc sĩ Lê Hải Đăng và NSND Đinh Bằng Phi tham dự chương trình Diễn xướng Nam bộ

Từ ý tưởng đó, Phan Khắc Huy cho ra đời “Lớp học vui vẻ”, một lớp học về những kiến thức văn hóa – lịch sử, với mục tiêu hướng đến là những bạn trẻ tự nguyện và hào hứng đến lớp học. Những vấn đề văn hóa, lịch sử tưởng chừng rất khô khan, kém hấp dẫn nhưng qua cách dẫn giải vừa gần gũi, vừa sáng tạo của Huy, kiến thức trở nên thật hấp dẫn. Các buổi nói chuyện chuyên đề hấp dẫn của “Lớp học vui vẻ” về các chủ đề liên quan đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử,… thu hút đông đảo các bạn trẻ đến dự và tham gia trao đổi. Không lâu sau đó, Phan Khắc Huy sáng lập “Thư Quán Cội Việt”, là nơi lưu trữ hơn 3.000 đầu sách phục vụ hoàn toàn miễn phí cho các bạn trẻ từ sáng thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần.

TỪ “DIỄN XƯỚNG NAM BỘ” ĐẾN “LỤC TỈNH CẦM CA”

Bộ sách “Lục Tỉnh Cầm Ca” (gồm 4 quyển: Đường vào hát bội, Đường vào diễn xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào đờn ca tài tử, Đường vào cải lương) ra đời với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh. Đây là kết quả của dự án truyền thông, giáo dục nghệ thuật “Diễn xướng Nam Bộ” kéo dài trong thời gian hơn hai năm, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ gạo cội.

Dự án được khởi động từ ý tưởng và kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Trong dự án này, Phan Khắc Huy và các cộng sự đã cố gắng đưa nhiều loại hình diễn xướng cổ truyền tái hiện trên sân khấu với sự dẫn dắt, diễn giải của các nhà chuyên môn. Các loại hình đã giới thiệu bao gồm: Hò, Lý Nam Bộ, hát sắc bùa Phú Lễ, hát bóng rỗi, hát bội, đờn ca tài tử và cải lương. Tất cả các chương trình sâu khấu đều bán vé, hướng đến đối tượng là bạn trẻ và quay lưu trữ.

Chặp bóng Tuồng Địa Nàng trên sân khấu Diễn xướng Nam bộ

Từ những kết quả đã đạt được sau 8 kỳ tổ chức sân khấu và hơn 10 chương trình workshop, Phan Khắc Huy và nhóm tác giả đã sắp xếp để xuất bản bộ sách “Lục Tỉnh Cầm Ca” như một giáo trình ngắn gọn, súc tích, hướng dẫn các bạn trẻ chưa có sự hiểu biết bắt đầu nhập môn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật xưa. Sách được in màu, minh họa theo hình thức hiện đại kết hợp với kỹ thuật QR Code để người xem có thể vừa đọc, vừa nghe nhạc, vừa thưởng thức video biểu diễn minh họa.

Những kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật truyền thống được trình bày hết sức cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành cho đến đặc điểm nghệ thuật của từng loại hình. Bên cạnh đó là những chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình diễn xướng Nam Bộ của nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng; sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận và chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền.

Độc giả quét QR code để thưởng thức biểu diễn Diễn xướng Nam bộ trên điện thoại

Phan Khắc Huy chia sẻ: “Nam Bộ là cái nôi nuôi dưỡng hàng chục loại hình diễn xướng để đến thế kỷ XX, khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, con người nơi đây đã tổng hợp được cũ – mới, kết hợp được Đông – Tây để sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu cải lương, vừa kế thừa được vốn dân nhạc phong phú, vừa thủ đắc được những kỹ thuật sân khấu mới tân thời. Nơi tôi lớn lên, Tiền Giang được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương Nam bộ. Tinh thần của cải lương là vừa cải cách sáng tạo, vừa kế thừa. Chính tinh thần ấy đã gợi mở cho tôi cảm hứng và cách làm trong các chương trình – dự án văn hóa của mình”.

Với công trình này, nhóm tác giả đã mất hơn 3 năm vì công đoạn xử lý nguồn tư liệu, tổ chức ghi âm, ghi hình khá nhiều và phức tạp. Theo Phan Khắc Huy: “Điều đáng tiếc nhất là đã có nhiều loại hình diễn xướng gần như thất truyền, chúng tôi không tìm được nghệ nhân am hiểu hoặc có những loại hình đã thay đổi rất xa khỏi cái gốc ban đầu”. Có thể thấy trong lĩnh vực diễn xướng, ông cha ta đã sáng tạo không ngừng để ngày càng hay hơn, tốt hơn. Tuy vậy, do chiến tranh, do sự thay đổi của thị hiếu quá nhanh, thế hệ sau gần như bị đứt mạch, không thể tiếp nối kịp sức sáng tạo ấy. “Tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục các chuỗi dự án nối lại mạch nguồn, bày biện lại những kết quả mà thế hệ đi trước đã đạt được”, Huy cho biết.

“Với mô hình dự án “Diễn xướng Nam bộ” đã đạt được một số kết quả rất đáng phấn khởi, tôi mong rằng, mình có thể giới thiệu những kết quả đó đồng thời rất sẵn lòng hướng dẫn lại mô hình, phương thức thực hiện để dự án có thể được nhân rộng và tiếp cận được với các khán giả trẻ ở quê nhà, nhất là với các em học sinh – sinh viên. Biết rồi mới yêu, yêu rồi mới tìm đến mà thưởng thức, để các loại hình sân khấu tồn tại và tiếp tục phát triển, chúng ta cần đào tạo một tầng lớp khán giả trẻ có tri thức và biết cách thưởng ngoạn”. Phan Khắc Huy đang ấp ủ nhiều dự định trên quê hương Tiền Giang, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn anh.

LÊ VĂN

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Đặng Cương Lăng

LẮNG NGHE

Nghe núi đứng, nghe sông nằm
Nghe đồi úp mặt, nghe năm cạn ngày
Nghe trời cao, nghe đất dày
Cánh chuồn phận mỏng muốn bay lên ngàn.

Qua bao cung bậc tiếng đàn
Lắng nghe cây cỏ… trần gian giầu, nghèo
Nỗi niềm sông suối trong veo
Nghe thương dân giã gieo neo… dã tràng.

Đường xa lắm nẻo ngỡ ngàng
Nghe lời chim hót mơ màng cây xanh
Nghe chiều thêu lụa vào tranh
Uy nghi núi dựng lũy thành vươn cao.

Ngày xưa nghe tiếng ngọt ngào
Tiếng em gọi nắng dạt dào mùa ơi!
Nay nghe ngọt mật đắng đời
Thương thuyền ai giữa chơi vơi sóng dồn.

TRỞ VỀ

Trở về với tuổi thơ xưa
Đi tìm cơn gió, trận mưa thuở nào
Trời xanh xanh đến nôn nao
Biển xanh xanh đến nghẹn ngào năm canh

Trở về với khoảng xa xanh
Lâng lâng ngọn gió mỏng manh cánh diều
Trở về chùa cổ phong rêu
Cõi lòng ủ chín những điều bình yên

Trở về với bóng mẹ hiền
Về miền thương nhớ về miền xót xa
Trở về với chính hồn ta
Ngỡ gần gần lắm lại là trùng khơi

Trở về với những non tươi
Nhụy hoa trong trắng, mắt người trong veo
Một đêm mười sáu trăng treo
Gập ghềnh con suối, cheo leo cây cầu

Trở về ký ức thẳm sâu
Ở đâu sóng gió? Ở đâu vui buồn?

Đặng Cương Lăng

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Châu Hoài Thanh

TRIẾT LÝ VỀ THỜI GIAN

Khi ta gỡ một tờ lịch bỏ đi
cũng là khi một ngày vừa kết thúc
có người buồn vì phải hết một ngày vui
cũng có người vui vì đã hết một ngày buồn

thời gian chính là ngân hàng mở để chúng ta
ký gửi tất cả những gì đang có mà không cần bất cứ sự thế chấp nào
không sổ đỏ!
không tiền vàng!
không quan hệ!
không ngoại lệ!

nghe có vẻ nực cười nhưng thời gian cũng chính là kẻ cắp có quyền lực nhất bởi chính nó cũng
âm thầm lấy đi tất cả những gì chúng ta đang có ai cũng mất sức khỏe
ai cũng mất tuổi trẻ
nhưng tất cả chúng ta, những người bị đánh cắp không thể kêu oan

có phải vì thế nên bằng cách này hay cách khác
tất cả chúng ta đang giết thời gian
người giết thời gian bằng việc làm vô ích thì thời gian chết
người giết thời gian bằng việc làm có ích thì thời gian sống

người như ngựa, tung hô rồi kéo thời gian phi nhanh
người như sên, lặng lẽ nếm từng giọt thời gian mật ngọt
người muốn co thời gian ngắn lại
người muốn kéo thời gian giãn ra
nhưng cũng có người vừa muốn co, vừa muốn kéo nhưng tất cả đều vô vọng
định luật đã lên đèn
hai mươi bốn giờ mỗi ngày

không phải là vận động viên nhưng con người và thời gian đang cùng song hành trên một chặng đường
ai chết?
ai sống?
ai nghèo?
ai giầu?
ai khổ?
ai sướng?
chỉ có thời gian mới có thể trả lời… Bởi thời gian cũng chính là vị quan tòa duy nhất trong không gian sự sống…

HƯƠNG TÓC MẸ

Đi bao lâu sẽ gặp cánh đồng
sẽ gặp mùi hương trên tóc mẹ?
mẹ chở niềm tin như gió chở cơn mưa nặng hạt
mỗi ngày đắng đót ru cánh đồng con

chiến tranh như vết cắt
để lâu thêm héo mòn
mẹ vẫn trò chuyện với cái bóng của bà ngoại và các dì
hàng đêm
cánh đồng cày sâu đỏ máu

con lớn lên
mắt phù sa trôi trên bãi bồi
hạt lúa, củ khoai vẽ lại hình khuôn mặt có nhiều nếp nhăn
và những tiếng cười trong như sương
những khuôn mặt con chưa bao giờ gặp

mỗi lần về
con vẫn mỏi gót chân
tìm trên cánh đồng cơn mưa của mẹ

đã lâu
mẹ chẳng ra cánh đồng
chỉ ra mộ phần của bà và các dì hát ru những nhành cỏ dại
hương tóc mẹ
bay
bay…

Châu Hoài Thanh

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Nguyễn Văn Song

TỪ NGÀY LÊN PHỐ

Đất nhà mẹ có mấy sào
Đàn con ra phố mẹ rào trồng rau
Vườn trăng thơm nức hương cau
Bốn mùa hoa trái tươi màu nhà quê

Bỗng nhiên thành thị tràn về
Xóm làng lên phố bộn bề đua chen
Đàn con hối hả về liền
Giục đo chia đất, chia quyền phân minh

Đất vàng đọ với thâm tình
Ruột rà máu mủ giật mình lìa xa
Năm con chia sáu phần ra
Một phần nuôi mẹ thế là công tâm

Hàng cau cao vút đổ rầm
Vườn cây xanh mướt băm vằm tả tơi
Nhà cao tầng mọc ngút trời
Mẹ ngồi bốn phía tường vôi thẫn thờ

Năm phần đổi chủ lặng tờ
Khoảng sân mẹ đứng phạc phờ bão giông
Trông con cả một đời ròng
Mẹ chờ rời khỏi đất không phần mình.

GỌNG VÓ ĐẦU LÀNG

Đầu làng một gọng vó bè
Kĩu cà kéo cả bốn bề trăng trong
Túp lều nằm nép mé sông
Ông ngồi vớt những ước mong đời thường

Điếu cày rít xé đêm sương
Gió khuya tiếng cá quẫy vương lưới mềm
Sao trời thức đáy sông đêm
Lòng ông thức với những niềm đầy vơi

Bạn đời sớm bỏ theo người
Con thơ nheo nhếch, miệng đời mỉa mai
Gia tài ắp tiếng thở dài
Mái buồn vách thủng gió hoài canh thâu

Bến quê tay kéo khoan mau
Bốn mùa con nước dòng sâu cuộn dềnh
Đôi khi gọng vó lặng thinh
Nằm nghe cây gạo giật mình rụng hoa

Bây giờ mỗi độ tháng ba
Đầu làng vẫn gạo đỏ hoa rụng đầy
Bóng người khuất nẻo chân mây
Chỉ còn gọng vó trơ gầy nằm khô.

TỪ NGÀY CHA MẤT

Từ ngày cha mất đi rồi
Mẹ như một giọt nắng rơi bậc thềm
Gậy tre đỡ trái chín mềm
Mắt nhìn xa thẳm một miền khói sương

Ba gian loang lổ quanh tường
Rộng thênh một khoảng mấy phương gió lùa
Vườn nhà thả giữa nắng mưa
Hàng cau nghẹn bẹ mấy mùa không hoa

Các con mấy đứa ở xa
Vội vàng thăm mẹ tháng ba bốn lần
Đứa gần dẫu có ân cần
Bù sao cho đủ lặng thầm cha trao

Anh em mấy giọt máu đào
Vắng cha giông gió tác tao ít nhiều
Mái trầm ngói cũ phong rêu
Dấu xưa còn được bao nhiêu sum vầy

Từ ngày cha mất đến nay
Con đi như một cụm mây luân hồi
Hợp tan qua mấy vòng đời
Vẫn đau đáu một phương trời có cha.

Nguyễn Văn Song

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Đinh Hạ

MẸ TÔI

Cơm đội sắn nước chè ôi
Nếp nhà dòng dõi mẹ tôi quê mùa
Một đời quẩy nắng gánh mưa
Quẩn quanh chái bếp sớm trưa một đời

Bên sào áo vá mẹ phơi
Nhường con nguyên vẹn sợ lời tủi thân
Ngược xuôi tất tả đường trần
Bàn chân Giao Chỉ xoay vần lúa khoai

Thương cha ngang dọc chí trai
Vọng phu đợi tháng năm dài chiến chinh
Gừng cay muối mặn giữ mình
Mặc ai câu hát cửa đình nao nao

Ca dao chẳng biết ca dao
Ru con từ thuở má đào hồng tươi
Trứng gà trứng vịt ra đời
Bữa ăn tất tưởi mẹ ngồi xới cơm

Con giờ mỗi đứa mỗi phương
Chiều chiều ra ngõ ngó thương quê nhà
Cháu con thăm thẳm đường xa
Muốn đi nhưng ngại tuổi già khó khăn

Đêm nay bên phía mẹ nằm
Tiếng người húng hắng âm thầm… con đau.

XIN CHO ANH ĐƯỢC TỤC HUYỀN

Lạy em đã đoạn tang rồi
Nỗi đau nào dễ hồ nguôi tháng ngày
Giấc mơ thảng thốt quắt quay
Ai găm nỗi nhớ cỏ may vệ đường

Lạy em đã giỗ đại tường
Làm sao giữ được chiếu giường hơi em
Gửi vào thăm thẳm lòng đêm
Yêu thương men ủ say mềm giấc đau

Nhìn con biết giấu vào đâu
Ngây thơ chợt hỏi mẹ lâu chưa về
Lời ru khàn giọng gượng nghe
Bữa ăn cá mặn, cơm khê cũng đành

Lạy em cỏ mộ đã xanh
Mong chi gương vỡ lại lành nhân duyên
Nén hương này thắp. Anh xin
Tìm người thay thế phận em và rồi…

Để cho con trẻ mồ côi
Áo quần thẳng nếp nụ cười gót son
Sợ chi nồi méo vung tròn
Con chồng dì ghẻ đao gươm miệng đời

Lạy em di ảnh mỉm cười
Linh thiêng phù hộ cho người trần gian.

Đinh Hạ

“Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” – Công trình mang ý nghĩa lớn

Những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Tiền Giang vừa được nhóm tác giả TS. Nguyễn Phúc Nghiệp (chủ biên), TS. Lê Thị Son, ThS. Lê Công Lý, ThS. Cao Thị Tuyết Loan, ThS. Võ Văn Sơn, ThS. Nguyễn Ngọc Lan Hương và ThS. Phan Thanh Bình giới thiệu trong tập sách “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” (tập 1). Sách dày 516 trang, khổ 16 x 20,5cm vừa được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 10-2020.

Thuật ngữ quốc tế “folklore” – Văn hóa dân gian, được sử dụng từ cuối thế kỷ 19 và hiện đang ngày càng được sự quan tâm của nhiều người, nhất là các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Thậm chí, nhiều người còn gọi văn hóa dân gian là “cội nguồn của văn hóa dân tộc”, là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”. Văn hóa dân gian chính là nơi hội tụ và nuôi dưỡng mạch ngầm tinh hoa của văn hóa dân tộc. Vì thế, việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời đại hiện nay là một công việc hết sức bức thiết và mang nhiều ý nghĩa, không những bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi người dân trong cộng đồng dân tộc.

Đối với Tiền Giang, một trong những địa phương có lịch sử khai phá sớm ở Nam bộ, thì văn hóa dân gian có bề dày và độ “đậm đặc” đáng kể. Theo nhóm biên soạn, địa bàn Tiền Giang nằm ở vị trí cửa ngõ giữa miền Tây nên từ rất sớm là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa. Tính chất “đa văn hóa” đó tỏ ra phù hợp với quy luật phát triển trong tự nhiên, giúp văn hóa dân gian Tiền Giang có trữ lượng phong phú và nét đặc thù riêng. Chính vì vậy, văn hóa dân gian Tiền Giang có vị trí khá nổi bật trong diện mạo văn hóa dân gian Nam bộ nói chung. Chính vốn văn hóa dân gian đó vừa là sản phẩm lại vừa là hành trang của người dân địa phương trong công cuộc khai phá vùng đất mới, thích nghi với thổ ngơi mới và sáng tạo thêm, làm phong phú hơn nữa vốn văn hóa dân gian của mình.

Mở đầu tập sách, nhóm biên soạn chia sẻ: “Văn hóa dân gian Tiền Giang vừa mang tính truyền thống, vừa có nét chung của cả vùng ĐBSCL, lại vừa mang đặc trưng riêng của đất Tiền Giang. Văn hóa dân gian Tiền Giang như là vốn sống, là linh hồn của cư dân nên có sức bảo lưu, lan tỏa và sản sinh rất cao. Văn hóa dân gian, do đó, chính là nền tảng của giá trị nhân văn quý báu, là cái nôi sản sinh mọi giá trị tâm hồn và tài năng sáng tạo của con người, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam.

Có thể nói “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” là một tập sách được biên soạn khoa học, công phu, nghiêm túc với nhiều tư liệu quý. Tập sách đã gửi đến độc giả những cái nhìn, diện mạo mới mẻ, rất đa dạng và phong phú về vấn đề của đời sống xã hội và con người; những nghệ thuật, phong tục – tập quán, tín ngưỡng; trò chơi – câu đố dân gian và địa danh Tiền Giang thông qua 8 chương với nhiều nội dung phong phú. Tập sách này đã góp phần quan trọng trong việc xác định các loại hình văn hóa dân gian tại tỉnh Tiền Giang để qua đó bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống xã hội hiện nay.

Ở chương 1 nhóm tác giả khái quát đôi nét về tỉnh Tiền Giang từ những ngày mới được khai phá từ khoảng đầu thế kỷ XVII, trải qua bao thăng trầm của lịch sử cho đến một Tiền Giang hôm nay đang vững bước trong thế kỷ XXI với niềm tin thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở chương 2 là phần nghiên cứu về ngữ văn dân gian với hai nội dung lớn là ngôn ngữ dân gian và văn học dân gian.

Ở chương 3 là các loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian từ nghệ thuật kiến trúc dân gian, nghệ thuật chạm khắc gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ dân gian, tranh dân gian… cho đến nghệ thuật kiểng cổ và nghệ thuật chưng kết là những loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian có thời gian hình thành và phát triển tương đối gần đây. Chương 4 tập sách là phần nói về tri thức dân gian với 4 phần nội dung là: Tri thức dân gian  trong việc thích nghi và ứng phó với môi trường thiên nhiên, Tri thức dân gian trong việc chữa bệnh, Tri thức dân gian trong lao động sản xuất và Tri thức dân gian về ẩm thực.

Chương 5 nói về tín ngưỡng dân gian, các tác giả tập trung làm rõ nguồn gốc, các nhân tố trong cấu trúc tín ngưỡng dân gian, cũng như đặc điểm và các hình thức tín ngưỡng dân gian, đồng thời đánh giá những ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của cư dân Tiền Giang. Sách khái quát khá rõ nét các hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Tiền Giang như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; Tín ngưỡng nghề nông, Tín ngưỡng nghề cá; Tín ngưỡng nghề thủ công; Tín ngưỡng tài lộc; Tín ngưỡng thờ cúng mụ; Tín ngưỡng thờ thần độ mạng: Tín ngưỡng thờ cúng Táo quân; Tín ngưỡng thờ cúng Hành binh, Hành khiển; Tín ngưỡng ngũ hành; Tín ngưỡng Thổ thần, Bà Chúa xứ, Tủy thần…; Tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền; Tín ngưỡng thờ cúng danh nhân và các anh hùng dân tộc; Tín ngưỡng thờ cúng cô hồn…

Chương 6 sách đề cập đến các phong tục dân gian, bao gồm các phong tục gắn với các lễ Tết trong năm (như Tết Nguyên đán, Tết mùng 5 tháng 5, lễ cúng rằm…); Các phong tục gắn với vòng đời người (như các phong tục gắn với việc sinh đẻ, hôn nhân, chúc thọ, tang ma, giỗ chạp, mừng lễ tân quan…); bên cạnh đó là một số kiêng kỵ trong Tết nguyên đán, đám cưới, tang ma, ăn uống, mua bán,v.v…

Ở chương 7 là phần nói về trò chơi và các loại đồ chơi dân gian phổ biến ở Tiền Giang. Chương 8 của sách nghiên cứu về đặc điểm địa danh ở Tiền Giang, phương thức và ngôn ngữ cấu tạo địa danh ở Tiền Giang cũng như một vài địa danh liên quan đến các sự kiện lịch sử.

Đây là công trình đã được Hội đồng khoa học – công nghệ tỉnh Tiền Giang nghiệm thu và xếp loại A. “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” là tập sách quý, một công trình hiếm hoi nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian ở Tiền Giang. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang thì đây là một tài liệu tham khảo quý dành cho việc giảng dạy và học tập các môn học thuộc chương trình giáo dục địa phương ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Lê Văn

Ấn tượng thơ đồng bằng

Cuộc thi Thơ khu vực ĐBSCL lần thứ VI – năm 2020 vừa công bố các tác phẩm dự kiến trao giải, in sách. Một danh sách khá dài, đủ để phác họa diện mạo thơ đồng bằng hiện nay với những ấn tượng với độc giả.

“Tôi chạy lên đồi ngắm cánh đồng màu xanh
Mùa này ngút ngàn mạ non, nắng ươm màu mật
Tôi nằm mơ ngủ, thấy bầy sẻ nâu lại về mang theo bao con chữ
Và những mùa vàng ngày mai…”

Đó là những câu thơ cuối trong bài “Giấc mơ trên cánh đồng Tà Pạ” của tác giả Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang). Tác phẩm này cùng với 10 tác phẩm khác đã được chọn vào vòng xếp giải; ngoài ra còn có 8 tác phẩm được tặng thưởng của tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn, 16 tác phẩm được chọn in sách.

Tác giả Trương Trọng Nghĩa thành công tại cuộc thi lần này với 3 tác phẩm được dự kiến trao thưởng. Ngoài ra, nhiều gương mặt thơ trẻ đồng bằng khác cũng tạo được dấu ấn như Lê Quang Trạng, Trần Đức Tín, Nghiêm Quốc Thanh… Trong đó, tác giả trẻ Trần Đức Tín (Cà Mau) để lại ấn tượng với một giọng thơ lạ, đẹp và nhiều cảm xúc. Thơ anh không gò bó về câu chữ, phóng khoáng về ý tứ và mang phong vị đồng bằng. Như trong bài “Sinh nhật mẹ” của anh được chọn vào vòng xếp giải, với đoạn viết bằng thể thơ lục bát nhưng anh cấu trúc lại thành những câu thơ rất hay, mới lạ:

“lạy mẹ
lạy tiếng ru quê
mẹ đừng cưỡi hạc sáo thề con đau
lạy hiên trước
lạy vườn sau
đừng phau phau trắng làm đau ruộng đồng
con về đốt cạn mênh mông
nằm ôm chân mẹ mà hong khói chiều”

Có người lại thích Trần Đức Tín ở “Phương Nam ngạo khúc” (vào vòng chung khảo, dự kiến in sách), một tâm hồn thơ ngạo nghễ, bản lĩnh và phóng khoáng tựa như đồng rộng sông dài trên quê hương Cà Mau của anh vậy. Đây là những câu thơ khiến người đọc nhớ:

“những kẻ dong thuyền đời mình bạt dòng Cửu Long
làm tim tím Lục Bình cũng giật mình trong giấc mộng lang thang
phương Nam lộng gió
tui thương em đêm trăng lên giả đò đi đặt vó
mấy con cá lìm kìm ngửa cổ uống trăng tan”

Cuộc thi Thơ khu vực ĐBSCL lần thứ VI – năm 2020 do Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh An Giang đăng cai tổ chức. Sau gần 6 tháng phát động (từ tháng 3-2020 đến tháng 9-2020), cuộc thi nhận được 584 tác phẩm hợp lệ dự thi. Sau khi chấm và cộng điểm của 3 giám khảo, số điểm tác phẩm đạt cao nhất là 23,5 điểm, thấp nhất lấy đến 40% là 16,25 điểm. Kết quả có đến 244 tác phẩm vào vòng chung khảo. Những con số trên đây cho thấy chất lượng của cuộc thi thơ đồng bằng năm nay.

Quả vậy, chỉ đọc những bài thơ đoạt giải chính, giải chuyên đề và dự định in sách, người yêu thơ hài lòng về một diện mạo thơ miền Tây sông nước nhiều màu sắc, bản sắc và cũng rất hiện đại. Các tác giả đã thể hiện tứ thơ, đề tài bằng những thể loại, bút pháp thơ mới mẻ, hấp dẫn. Dù đề tài chưa hẳn mới, vẫn xoay quanh vẻ đẹp quê hương, tình cảm gia đình, ký ức đồng quê… nhưng không vì thế mà những tác phẩm kém hay hoặc bị rơi vào lối mòn quen thuộc.

Theo Duy Khôi (báo Cần Thơ)