Home Blog Page 3

Review “Raya và rồng thần cuối cùng” – Phim hay xem cùng con

Trong khi mọi người kéo nhau ra rạp xem “Bố già” thì mình chọn “Raya và rồng thần cuối cùng” để xem cùng con. So với “Bố già” với gần 20 suất chiếu trong ngày thì “Raya và rồng thần cuối cùng” chỉ có 1 suất chiếu duy nhất tại CGV Mỹ Tho, với chỉ trên dưới 10 khán giả, nhưng đây là một phim hay về hình thức lẫn nội dung và rất đáng xem.

Mình hầu như không có thông tin gì về bộ phim trước khi đến rạp. Sở dĩ chọn “Raya và rồng thần cuối cùng” vì đây là phim duy nhất trong ngày phân loại P cho bé nhà mình.
“Raya và rồng thần cuối cùng” với một cốt truyện không mới và mặc dù là phim ‘bom tấn’ Mỹ nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam nên tạo cảm giác rất gần gũi, quen thuộc. Từ phong cảnh cho đến món ăn, trang phục, ngôn ngữ… trong bộ phim đều mang những nét Việt Nam và Đông Nam Á.

Vùng đất Kumandra với dòng sông lớn chảy qua tựa như sông Mê Kông chảy qua nhiều nước Đông Nam Á. Biểu tượng rồng thiêng cứu giúp mọi người, đem lại an lành hạnh phúc hết sức ý nghĩa với người Việt Nam, được xem như “Con Rồng cháu Tiên”. Những khu chợ nổi trên sông buôn bán tấp nập gợi nhớ khung cảnh miền Tây Nam bộ. Sự xuất hiện của nhiều loại trái cây nhiệt đới như: thanh long, sầu riêng, vải, xoài, quýt… và cả món mít sấy mà Raya mang theo trong hơn 6 năm đi tìm rồng thiêng đều rất Việt Nam. Trong phim, mỗi khi bước vào không gian linh thiêng, các nhân vật đều bỏ giày dép để thể hiện sự tôn kính với thần linh, tổ tiên. Nhà làm phim cũng không quên hình ảnh những những tre quen thuộc của Việt Nam và cả chiếc bánh chưng làm lễ vật khi Raya mang ra cúng rồng thần Sisu. Các màn võ thuật trong phim rất đẹp mắt với những thế võ Vovinam của Việt Nam và Pencak silat (Indonesia) hay Muay của Thái.

Nhưng cái hay của phim chính là thông điệp mà các nhà làm phim muốn chuyển tải, đó là lòng tin ở con người và sự đoàn kết. Trong một thế giới mà con người đang mất lòng tin, họ có thể dùng nhiều thủ đoạn để lừa nhau, cốt để giành lấy viên ngọc rồng, bất kể đó là một bà lão tóc bạc phơ hay đứa bé chưa biết nói. Nếu như các bộ phim của bộ phim Disney và Hollywood trước đây, cái tôi cá nhân được tô đậm thì bộ phim này lại hướng đến một thế giới đại đồng, hướng đến sự đoàn kết và sự hòa hợp dân tộc để phát triển. Hành trình của Raya đi giải cứu chú rồng cuối cùng khi loài rộng bị tận diệt là một hành trình của niềm tin và tinh thần hướng đến cộng đồng. Rồng thần Sisu là một huyền thoại linh thiêng nhưng lại rất “hồn nhiên”, chinh phục khán giả bằng sự hài hước và những lời thoại hết sức dễ thương.

Trong một thế giới đầy sự chia rẽ, luôn có sự tranh giành quyền lực và đi dần đến sự duyệt vong thì chính sự đoàn kết, hàn gắn những vết thương và tha thứ cho nhau mới đem lại thịnh vượng. Một thông điệp tuy cũ nhưng rất nhân văn và thời sự hiện nay. Đó là suy nghĩ của ông bố trung niên khi xem phim, còn đối với trẻ con thì đây là một bộ phim thú vị với những kỹ xảo đẹp mắt, câu chuyện hấp dẫn, những tình tiết vui nhộn và nội dung chứa đựng nhiều thông điệp mang tính giáo dục. Một phim hay để xem cùng con!

Chung sức với Hải Dương trong phòng, chống dịch Covid-19

Để phục vụ tốt công tác tuyên truyền trong phòng, chống covid 19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương và cả nước, Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Hải Dương mong muốn nhận được nguồn tác phẩm có chất lượng tốt của các văn nghệ sỹ cả nước chung sức với Hải Dương trong phòng, chống dịch Covid-19.
1. Về loại hình tác phẩm
– Kịch bản sân khấu: Chèo, Kịch nói (thời lượng dàn dựng không quá 15 phút với tiểu phẩm và 45 phút với vở dài);
– Âm nhạc: ca khúc và đặt lời mới cho các làn điệu dân ca, chèo;
– Thơ (Không nhận Trường ca);
– Mỹ thuật: tranh cổ động; tranh hội hoạ;
– Nhiếp ảnh: Ảnh thời sự nghệ thuật;
– Văn xuôi: Bút ký văn học (không quá 3.500 từ và có ảnh minh hoạ)
2. Các tác phẩm cần tập trung:
Phổ biến, tuyên truyền các kỹ năng ứng phó, kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19; Phản ánh, động viên những tập thể, cá nhân điển hình trong phòng, chống Covid-19; Phê phán những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm các Quy định trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương;
3. Khích lệ các Tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng tốt, có tính sáng tạo, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ chưa đăng tải hoặc sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tác phẩm được sử dụng trong công tác tuyên truyền ngoài chế độ nhuận bút theo quy định sẽ được trả thù lao theo chế độ đặt hàng của tỉnh Hải Dương;
4. Địa chỉ nhận tác phẩm: vannghehaiduongonline@gmail.com hoặc thuonghuyenvnhd@gmail.com;
ĐT: 0902080828
Lưu ý: Tác phẩm ảnh, mỹ thuật gửi file ảnh dung lượng 5Mb đến 12Mb, độ phân giải 300 dpi đuôi .jpg; âm nhạc gửi bản nhạc và thu âm (nếu có)
5.Thời gian nhận tác phẩm: từ 27/2 đến 27/3/2021;
Đề nghị các tác giả ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại khi gửi tác phẩm và chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm!

Nụ xuân

0

Rơi…
Rơi…
Rơi…
Giọt sương đêm
Nụ xuân thơm
Chợt say mèm môi hôn
Vỡ
Long lanh
Em dỗi hờn
Đêm trong vắt
Một giọt đờn
Mùa sang
Giấc xuân bừng nụ hoa vàng
Áo em xưa hóa mây ngàn
Tóc xanh
Vắt ngang qua lồng ngực anh
Dang tay níu những mong manh
Nụ tình
Pha trà thức đợi bình minh
Ngoài thềm hoa nở
Đôi mình chờ
Xuân…

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Đọc “Bay lên từ cánh đồng” của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa

Một khoảng lặng còn lại sau khi bài thơ cuối cùng đã đọc hết. Một cánh đồng đầy nghĩa tình nhưng rồi đàn chim cũng bay đi như hạt cát làm xốn xang con mắt. Hình ảnh này chính là sự chiêm nghiệm của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa rút ra từ bản thân mình đặt bút viết ra câu thơ “Mẹ tôi gầy gò như cây lúa héo hon/ Cố tiễn tôi qua hết những cánh đồng trơ rạ” (tr.22, Bay lên từ cánh đồng).

Câu thơ rất hình tượng và sâu xa với những người nhạy cảm và tinh tế. Nếu tác giả viết “Cố tiễn tôi qua hết cánh đồng trơ rạ” thì cũng là câu thơ gợi nhưng hình ảnh bình thường. Thêm chữ “những” vào làm cho câu thơ thêm giá trị, như một phân đoạn điện ảnh, cụm từ “những cánh đồng” gợi cho người đọc nhìn thấy một hành trình thật dài đầy nhọc nhằn bất tận trong cuộc đời mà sau lưng con là bóng mẹ xiêu vẹo đổ dài luôn che chở.

Với tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” (NXB Văn hóa – Văn nghệ), dày 102 trang gồm 35 bài thơ không xuyên suốt một chủ đề. Ở đây, tác giả chắt lọc những cảm xúc đã từng đến với mình, là hạnh phúc khi con chào đời, là lúc nhớ về nội với những câu chuyện kể về những ngày đi chiến đấu, là những chuyến du lịch như có lần qua đèo Hà Lan. Nhưng chiếm phần nhiều vẫn là những bài thơ dành cho đồng ruộng, một tình cảm chân thật và dạt dào. Như câu chuyện với lão nông bên bàn nhậu (những nỗi khổ của nông dân…; thuốc trừ sâu, phân bón… cứ tăng… còn nông sản bấp bênh giá cả…), như lời than thở đứt ruột của người cha (đất quê luôn nghĩa tình…; đất không phụ người, chỉ có người phụ đất…; đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi). Những câu thơ ý nhị và sâu xa của tác giả làm người đọc cay mắt bởi sự ám chỉ ngầm, đất là cha mẹ, đàn chim là đàn con, cha mẹ hy sinh hết cả cuộc đời để cho con ấm no nên người, nhưng cuối cùng thì con cũng rời xa cha mẹ…

Hình ảnh con trâu và cánh đồng luôn thấp thoáng trong những câu thơ, và tác giả chọn bài thơ “Bay lên từ cánh đổng” làm tựa cho cả tập thơ cũng là một cách khẳng định rằng, dù nông dân có đổi đời nhờ công nghệ đỡ phần vất vả, thì cái tính cần cù vẫn thế, thương đất thương cây lúa vẫn thế, cho nên, những câu thơ thật thà như tô cơm nguội buổi sáng của nhà nông trước khi dẫn trâu ra đồng cày xới của Trương Trọng Nghĩa như khói đốt đồng, bao giờ cũng làm người ta rươm rướm nước mắt nhớ quê. Như nhớ một lần qua phà Vàm Cống, như nhớ một ngày chạm sóng sông Hậu mà nghe ngọt, nhạt nỗi niềm (Đâu tiếng đàn kìm nức nở/ Nỉ non khúc độc huyền câm/ Thương những mảnh đời dạt xứ/… Đêm xuôi theo bờ sông Hậu/Mấy câu vọng cổ tròng trành…).

Không tìm thấy một bài thơ nào dành cho đề tài tình yêu trai gái trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa. Có lẽ nhớ thương, tan vỡ, cuồng yêu… là phù phiếm chăng? Hay trong vòng tròn khép kín cùa hạnh phúc đang thụ hưởng, tác giả không thể có cảm xúc dành cho một đề tài muôn thuở của nhân loại?

Nhưng cũng không phải vì thế mà tập thơ thiếu, hay dở đi. Ở đây, người đọc được một chuyến du lịch “không đồng” trên chính quê hương Việt Nam của mình từ hành trình dẫn dắt của tác giả. Chúng ta cùng du hành đến một miền Tây gạo trắng nước trong nghĩa tình nhân hậu, qua những cánh đồng khi thì vàng rực lúa chín, khi thì thơm mùi mạ non, lúc lại rong chơi trên những cánh đồng rạ ngộp khói đốt đồng hăn hắt. Đó chính là tình yêu quê hương được tác giả ươm cấy từ những đàn chim, từ những cánh diều, từ những câu xề, nhịp bổng, một điệu trăng thu dạ khúc, mấy câu vọng cổ trêu người… và ngọt thơm mùa nhãn chín.

Nhưng sau yêu thương dành cho một cánh đồng tình nghĩa nhân hậu, Trương Trọng Nghĩa vẫn có những ưu tư, khắc khoải khác, chứa đầy nghi ngờ và cay chua dành cho cuộc đời cũng như tự nghiệm con người, bản thân.

Là khi:
Soi mình vào mảnh vỡ chiếc gương
Tôi chạm mặt những cái tôi rất khác.

Đã có ít nhiều mất mát
Đã có ít nhiều tổn thương
Giữa tôi và từng khuôn mặt trong những mánh gương vỡ nát.

P.N Thường Đoan – Trương Chí Hùng
(Nguồn: Văn nghệ Tp.HCM số 631, ngày 28-01-2021)

Qua cầu Ngũ Hiệp chiều xuân

0

Không còn những chuyến phà hối hả ngược xuôi
Chiều Ngũ Hiệp nghe trong gió hương sầu riêng ngào ngạt
Dòng sông Năm Thôn mênh mông bát ngát
Những khu vườn xanh tô vẽ cho đất cù lao nét yên bình

Nơi dòng sông Tiền, Ba Lai và Hàm Luông gặp nhau
Đỏ quạch phù sa đắp bồi thành ruộng vườn, xóm ấp
Người dân hiền hòa nhưng không dễ gì khuất phục
Bọt nước cuộn trào, vỡ tan tành bao giấc mộng bá vương (*)

Nơi mẹ gặp cha rồi gắn bó bao đời với mảnh đất này
Những đêm tài tử theo nhịp thủy triều ì ầm sóng vỗ
Đất lành, mùa xuân những đàn chim muôn phương về đậu
Lao xao miệt vườn tiếng lá mang lời ru ngân nga

Dòng nước trôi xuôi nhớ những chuyến phà
Bao lần mẹ qua sông ngại nước ròng, nước lớn
Mùa xuân về thăm nhà đi trên cầu mới
Mải mê ngắm nhìn cù lao đang phơi phới xuân thì

Ngũ Hiệp mùa này rực vàng sắc hoa vạn thọ, hoa mai…
Những nhánh sông mải miết chở mùa xuân về đất lành châu thổ.

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

_____________
(*)Trong lịch sử, cù lao Ngũ Hiệp ba lần bị Taillefer, tổng đốc Trần Bá Lộc và đốc phủ Lê Văn Mầu cưỡng chiếm, nhưng đều sụp đổ thê thảm.

Đi tìm tiêu chí của bài thơ hay

Trong quá trình sáng tạo, nhà thơ thường đặt câu hỏi: “Bài thơ mình sáng tác có hay không?”. Không phải nhà thơ nào cũng tìm được câu trả lời chính xác. Có nhiều nhà thơ bị ảnh hưởng bởi tâm lý “con hát mẹ khen hay” hoặc “văn mình vợ người” nên đối với họ hầu như bài thơ nào của họ cũng đều hay cả.

Để xác định được tiêu chí của một bài thơ hay đòi hỏi phải xác định được những yếu tố nội tại và những yếu tố liên quan đến sự tiếp nhận của người đọc. Có một nhà thơ từng ví von, so sánh bài thơ hay giống như cô gái đẹp có tâm hồn. Như vậy, nhìn ở góc độ nội tại, bài thơ hay có nghĩa là bài thơ đẹp về ngôn từ, hình tượng và có ý nghĩa độc đáo, lạ về ý tứ. Bài thơ hay thường có ngôn từ dồn nén, cô đúc, giàu tính tượng hình và chất chứa cảm xúc thăng hoa, ẩn tàng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Cái hay của bài thơ biểu hiện ở nhiều cấp độ như: ngôn từ, câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, hình tượng, ý tứ. Cấp độ thường được xác định bài thơ có hay hay không là có một hoặc vài câu thơ hay. Nhiều nhà thơ suốt cuộc đời chỉ để lại một câu thơ hay cũng đã là sự thành công trong sự nghiệp sáng tác. Câu thơ hay thường gây dấu ấn, “ghim” vào tâm trí bạn đọc và sống lâu bền trong tâm hồn của con người. Nhà thơ Xuân Diệu có hàng ngàn bài thơ nhưng chỉ với hai câu thơ hay trong bài thơ: “Lệ” cũng đã đủ để tên tuổi ông sống với thời gian. Bài thơ “Lệ” có câu:

“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung”

Hai câu thơ này hay về ý tứ, bộc lộ cái nhìn nhân bản và tính triết lý về thân phận của con người trong cõi bao la của vũ trụ. Theo cái nhìn của Xuân Diệu, cuộc đời này đau khổ nhiều hơn hạnh phúc và cuộc đời con người như giọt nước mắt trôi giữa không trung.

Câu thơ hay thường gắn liền với cái lạ, cái độc đáo nhưng không phải cái lạ, cái độc đáo trong thơ nào cũng được xem là hay. Chẳng hạn những câu thơ sau đây:

“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh)

Hay: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” (Lê Đạt)

Hai câu thơ thật lạ và độc đáo về việc tạo hình và sự âm vang của ngôn ngữ nhưng khó có được sự đồng tình trong tiếp nhận của bạn đọc rằng đó là những câu thơ hay.

Ngoài tiêu chí về nội tại của bài thơ, tiêu chí về sự tiếp nhận của người đọc cũng chi phối đến việc đánh giá bài thơ có hay hay không. Người đọc tiếp nhận bài thơ và cảm thụ được cái hay cái đẹp của bài thơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tầm tiếp nhận, thị hiếu thẩm mỹ, tuổi tác, tâm trạng, trình độ văn hóa, hiểu biết về đặc trưng của thơ…Nhìn ở góc độ tiếp nhận, câu thơ hay, bài thơ hay sẽ tạo nên sự dao động về cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn người đọc. Qua sự tác động của câu thơ, bài thơ hay, tâm hồn người đọc sẽ có sự biến chuyển, trở nên phong phú, tinh tế và sâu sắc hơn. Câu thơ hay giúp cho người đọc thanh lọc tâm hồn và hướng tâm hồn về với thế giới của tình thương và cái đẹp.

Có một trăm nhà thơ sẽ có một trăm quan niệm khác nhau về thơ, trong đó có quan niệm thế nào là một bài thơ hay. Tuy nhiên, nếu dựa vào các yếu tố về nội tại của bài thơ và sự tiếp nhận của bạn đọc, chúng ta có thể tìm ra mẫu số chung liên quan đến tiêu chí của một bài thơ hay. Điều này sẽ là cơ sở để phân tích, cảm thụ và đánh giá một bài thơ. Điều này cũng là cơ sở để khẳng định giá trị nghệ thuật, tư tưởng của bài thơ đối với đời sống tinh thần của con người.

Võ Tấn Cường

Thơ từ cánh đồng đi đến trái tim

Trương Trọng Nghĩa là một tác giả thơ trẻ nổi bật của đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây. Với sức sáng tạo dồi dào, anh vừa ra mắt thi phẩm thứ hai “Bay lên từ cánh đồng” (11/2020) và trước đó là “Những mảnh ghép không logic” gây chú ý.

“Bay lên từ cánh đồng” là thi tập thứ 2 sau thi tập “Những mảnh ghép không  logic”. Chân dung người. Chân dung đời sống Nam Bộ hiện ra chất phát hồn hậu trong thơ anh. Có thể ví Nghĩa như một nhà Nam bộ học qua thơ. Tôi tin vậy…

Hãy lắng nghe anh:
“Tôi – Gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng. Thấp thoáng bóng mùa trôi…”

Một chàng trai còn rất trẻ. Một thành viên rất mới của Hội nhà văn Việt Nam. Tôi muốn giới thiệu về Trương Trọng Nghĩa. Cái tên và chân dung anh đã là một đề tài. Xuất thân từ cái nôi miệt vườn sông nước. Nên tính cách và con người của Nghĩa đẫm chất Nam bộ. Từ cách nói, cách nghĩ đến cách viết!

Tôi đọc anh và thấm những vết xước từ mùa hạn. Đẫm nỗi đời cơ cực gian truân để làm nên những mùa xanh của đất, Thổi vào đồng bằng hơi thở của sự sống. Những nét đặc trưng của miền sông nước. Đọc để nghe, để thấy hiện lên trong tôi một nỗi thân quen và gần gũi – để thấy hình ảnh lão nông tri điền. Một nốt lặng rất đặc biệt trong thơ anh:

“Ông cha tôi những lão nông tri điền
Quen mùi ruộng đồng. Am tường chuyện nông gia thời vụ
Bao đời cấy cày trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn
Rồi lặng lẽ ngày trở về với đất. Ôm đất trọn vào lòng che chở bao dung…”

Đọc thơ Nghĩa để lắng nghe thanh âm của cuộc sống đan xen, bước chân của ngày trở về, nỗi nhớ khắc khoải hằn sâu, ngân lên như chuông gió… Những con đường, những hàng cây ví như những người bạn thân đợi chờ nhau ở đó. Trút những giao cảm, tâm tư hoài niệm :

“Con đường dắt tôi về phía nỗi nhớ  
Hàng cây mùa cũ xanh ngút ngàn

Chuyến xe chở nhọc nhằn nắng gió
Trôi giữa miền ký ức thênh thang…”

Cứ xốn xang, cứ đong đầy là thế . Vẫn nhịp sống Nam bộ  thân quen  thổn thức. Một hình ảnh mà khi nhắc đến lòng người cứ rưng rưng đến lạ:

 “Mẹ tôi gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo
Cha tôi gửi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả
Cánh đồng qua từng mùa gieo gặt vẫn mượt mà xanh …”

Nếu như  “Bay lên từ cánh đồng” Là một chuỗi những sự kiện mang hơi thở đồng bằng, được xâu thật đẹp mắt dưới đôi tay thạo nghề của người thợ kết chữ. Thì hãy lắng nghe anh. Trên chuyến xe đò miền tây hay “Khúc qua vàm cống”. Những hình ảnh rất gợi sự liên tưởng. Đẫm trong tôi một phương nam hoài cổ :

“Vì ai nửa câu dạ cổ
Xuôi chèo tìm nhặt chờ mong
Đêm nay lắng nghe trầm tích
Phù sa nặng chín dòng sông…”

Đọc với tôi để nghe nôn nao. Để nghe một nỗi nhớ rất lạ lẫm … Những ký ức một thời cứ ùa về . Cứ dội vào lòng tôi thổn thức. Những chuyến xe đò ngược xuôi trên con đường bụi đỏ. Những đợt sóng âm ỉ cháy lòng người ra đi và trở về. Cứ như cơn áp thấp dội vào ký ức, xanh lên những chuyến xe. Miên man những chuyến phà đầy ắp hoài niệm xưa. Một miền sông nước đặc trưng và quyến luyến người đi kẻ đến:

“Nửa đêm ngang Vàm Cống
Xót xa một khúc thương hồ
Mỏng mảnh vầng trăng mùng chín
Dập dềnh như phận bèo trôi…”

Dòng đời cứ trôi đi. Dòng người cứ qua nhau. Chỉ còn lại hồi ức và những thăng trầm của cuộc đời. Đôi khi ta lạc trôi vào cơn mơ, lạc vào giai điệu bolero thổn thức. Lắng nghe những nắng gió bụi đường:

“Giấc ngủ ngắn và cơn mơ lạc mất
Nắng, gió, bụi đường đánh rơi điệu bolero
Bài hát quên tên nhắc những điều xưa cũ
Bao chuyến xe và những kỹ niệm xanh màu…”

Các bạn sinh viên ĐHTG đến tham dự tọa đàm “Trương Trọng Nghĩa – Khát vọng bay lên từ cánh đồng”
do Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang tổ chức.

Cuộc người chất chứa trong thơ Nghĩa những nỗi niềm hoài vọng. Những trãi nghiệm những dự cảm. Đọc để lắng nghe thanh âm gọi về. Lắng nghe những bước chân vội vàng. Có khi rời rã . Có khi mõi mệt. Một cuộc người hối hả:

“Đã xa chưa mà nghe bề bộn những phân ly
Chiều hoang nắng những giọt cuối cùng chạy trốn
Ai đánh rơi, ai nhặt về khoảng trống
Trong hoang mang say cơn mệt của ngày…”

Tôi đọc anh để tìm về mùi quê thân quen. Tìm về miền ký ức thơ dại. Lòng tôi bay theo khói rơm. Bay theo cánh cò của mẹ. Bay theo bóng diều ngày xưa…Len vào miền thẫm sâu của vùng đất phương nam là hình bóng em vừa trong trẻo vừa hồn hậu, Là bóng dáng ấm áp và thân thuộc bên mâm cơm chiều của mẹ.  Tôi mơ ngây ngô . Mơ như chú cà cuống ngoài đồng…Từ thi tập “Những mảnh ghép không logic” đến “Bay lên từ cánh đồng”. Hơn 10 năm nghe anh dự cảm:

“Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng
Ngày xưa bữa cơm chiều, mẹ nướng dầm nước mắm
Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẫm
Ký ức tuổi thơ. Ruộng rẫy bây giờ…”

Nhìn ở một góc khác của thơ: “Nghĩa đã có những câu thơ mang cảm quan hoài  niệm dành cho trái tim mình”…  PGS- Hồ Thế Hà

“Anh về đứng giữa tháng giêng và hát
Như gã điên thỉnh thoảng tự ru mình
Chỉ có em và tuổi thơ trẻ mãi
Cùng tháng giêng trong ký ức . Riêng anh..”

Tôi bắt gặp nỗi  ám ảnh rất lạ trong thơ anh. Tôi thấy sự đa chiều bí ẩn trong tư duy thơ. Một nốt thăng rất đặc biệt khiến tôi nhớ và thật sự ấn tượng:

“Đêm liêu trai. Tôi đi về phía ngược sáng
Thứ ánh sáng ma mị của loài thiêu thân vừa giãy chết
Vật vã cơn đau hình hài, tê tái những nụ hôn buốt lạnh…”

Không dừng lại ở đó hãy cùng tôi  nhặt những “Nụ xuân”  rơi trong thơ anh. Nghe mùa xuân di trú qua đôi môi, qua giọt vỡ long lanh. Qua đêm trong vắt. Một nốt tình rất xanh. Tôi mường tượng thấy:

“Nụ xuân thơm
Chợt say mèm đôi môi
Vỡ. Long Lanh
Em dỗi hờn. Đêm trong vắt…”

Không chỉ để những con chữ tự hát. Những vân chữ tự định danh mà. “Người làm vườn” – Cách Nghĩa trãi lòng mình. Tôi thấy trong anh sự cần mẫn. Tươm tất chu đáo. Tận hiến khi viết … Mỗi bài thơ là một mảng tâm trạng đầy những cảm xúc chân thành, vì cuộc sống, vì nhân sinh vì cảm thấy như mình nợ cuộc đời này nhiều thứ vậy:

“Cũng chỉ là chút sương khói mong manh
Giấc mơ hoang tìm đôi làn hương mỏng
Đêm nguyện cầu, giọt sương soi mình nhặt bóng
Phía cuối vườn vừa rụng nụ trần gian…”

Có thể vài lời tôi cảm nhận về thơ Nghĩa. Vẫn chưa đủ thể hiện hết những tầng cảm xúc rất đặc biệt trong thơ anh. Những khát vọng rất xanh. Những trắc ẩn nhân sinh. Tôi nhìn thấy điều đó. Cuộc sống luôn là một bảng màu bí ẩn. Khám phá và tìm kiếm.

Phục vụ và tận hiến  là hành trình gian khổ chinh phục cái đẹp nhân bản. Người làm vườn sẽ có thêm những mùa bội thu. Những ấn phẩm mới sớm sẽ chào sân. Khu vườn thơ sẽ rộn ràng thanh âm, lấp lánh sắc mầu  cuộc sống. “Buổi sáng trong veo lời gió. Có đôi chim ríu rít trên nhành mai đầu ngõ…Giêng rồi đó em !” .

Tôi tin vậy! Và hy vọng mỗi độc giả hãy khám phá và thưởng lãm một nét xuân rất thi vị, rất đặc biệt và đong đầy cảm xúc trong thơ anh. Những nốt xanh  ấn tượng trong thi tập “Bay lên từ cánh đồng”“Những mảnh ghép không logic”.

“Hành trình của Trương Trọng Nghĩa là sự ra đi trong cuộc đời nhưng lại là sự quay về của ký ức trong quá trình sáng tạo thi ca…Dù viết về đề tài nào và hướng đến chân trời nào thì cái đích cuối cùng của thi ca cũng là sự trở về bản ngã của chính nhà thơ” – nhà Phê bình văn học Võ Tấn Cường.

Nói như thế để thấy ở nhà thơ Trương Trọng Nghĩa một lối viết phụng hiến. Đi từ cánh đồng thơ đến trái tim người đọc… !!

Mỹ Tho, 7.11.2020
Huỳnh Thị Quỳnh Nga 
Nguồn: Duyên Dáng Việt Nam

Bay lên từ cánh đồng

0

Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay

Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình
Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất
“Nhà nông vất vả bội phần con ạ!”
Khi hạt gạo còn nhọc nhằn mồ hôi, nước mắt
Đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi

Chiếc sừng trâu cha tôi còn treo nơi góc nhà
Để nhắc nhớ cháu con về một thời gian khó
Một thời con trâu cái cày, đồng sâu ruộng cạn
Giờ trai tráng bỏ làng lên phố
Đêm đêm cha thao thức cùng tiếng vạc sành nỉ non

Mẹ tôi gầy gò như cây lúa héo hon
Cố tiễn tôi qua hết những cánh đồng trơ rạ
Tiếng còi tàu vang rền làm đàn chim giật mình hối hả
Bay vút lên từ phía những cánh đồng
Bỏ lại khoảng trời mênh mông…

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Trên chuyến xe đò miền Tây

0

Khi thành phố lùi dần sau ô cửa
Chuyến xe trĩu nặng muôn ngàn nỗi nhớ
Hành trang là những ngày buồn chực khóc
Đánh rơi bao ý nghĩ không lối thoát dọc đường

Chẳng gì có thể giải thoát tôi khỏi tình trạng này
Chẳng ai có thể cứu vãn một cuộc rời không kỳ hạn
Những cột cây số không sao đo đếm hết
Từng nỗi tôi trôi dài theo vòng bánh xe lăn

Đã xa chưa mà nghe bề bộn những phân ly
Chiều hoang nắng những giọt cuối cùng chạy trốn
Ai đánh rơi, ai nhặt về khoảng trống
Trong hoang mang say cơn mệt của ngày

Giấc ngủ ngắn và cơn mơ lạc mất
Nắng, gió, bụi đường đánh rơi điệu bolero
Bài hát quên tên nhắc những điều xưa cũ
Bao chuyến xe đi và những kỷ niệm xanh màu

Bao lần nhớ chợt hanh hao ngày tháng
Để rồi quên những chuyến xe vội vã trong đời
Ngày lạc em cùng bao điều bí mật
Tôi mệt nhoài giữa ngày tháng rong chơi…

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Cơn ác mộng

0

Đêm liêu trai
Tôi đi về phía ngược sáng
Thứ ánh sáng ma mị của loài thiêu thân vừa giãy chết
Vật vã cơn đau hình hài, tê tái những nụ hôn buốt lạnh
Tôi thấy hồn mình đang rời khỏi xác
Và tự tôi phủ định chính tôi.

Khi cơn gió đến gieo rắc mùi xú uế
Tôi thấy mình bay lơ lửng giữa trùng điệp sóng điện từ và khói bụi
Khi cơn mưa mang theo thứ axit đầy ám ảnh hủy diệt
Loài người vẫn ngủ mê trong đêm trường thế kỷ mệt nhoài
Khi những hàng cây đã nhường chỗ cho đường cao tốc
Xe cộ vụt qua như mũi tên vắt ngang thế kỷ không ưu tư
Khi những tòa nhà cao tầng cứ giăng thứ ánh sáng đầy mê hoặc
Loài thiêu thân gieo mình dưới những ngọn đèn cao áp ven đường.

Huyễn hoặc em, huyễn hoặc những lời ngọt ngào ướp mật
Những nụ cười sắc lạnh chợt tắt trên phố đông người
Những dòng xe như mắc cửi, những dòng đời ngược xuôi
Xao xác đôi mắt cá chết trong ngày nhật thực
Loanh quanh những ngã năm, ngã bảy để rồi lạc mất giữa trăm năm…

Trong bảng lảng khói sương, trong mịt mùng mây phủ
Tôi tìm bóng mình giữa thành phố của những người lạ xa
Đêm nguyện cầu thấy tôi một mình ngồi khóc
Tỉnh dậy mồ hôi đẫm ướt đầm đìa trên ngực áo
Và tôi thấy tôi đang quỳ…

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA