Home Blog Page 2

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Trần Đức Tín

Trần Đức Tín, sinh năm 1989, quê quán U Minh (Cà Mau) là một trong những cây bút trẻ có giọng thơ riêng, giàu năng lượng. Trần Đức Tín hiện sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh với bút danh Khét. Anh đã xuất bản tập thơ đầu tay “Rồi mình cũng xa lạ nhau” – 2018 và là một tác giả viết đều tay với nhiều thơ, truyện đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương.

Trần Đức Tín chia sẻ quan niệm về thơ: “Thơ là chiếc phao cứu sinh cho những tâm hồn yếu đuối, tôi cũng không ngoại lệ. Thơ là hồn người, không chỉ có hương thơm mà ở đó còn có những vực thẳm, hố đen. Có thể tôi từ hố đen mà đứng dậy hay gục ngã cũng được, quan trọng là tôi đang vẽ lại một cách chân thật hồn mình trong những giây còn thở”.

Ở Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn nghệ, Trần Đức Tín đoạt giải Khuyến khích với chùm thơ 2 bài: Mình ơi bão qua rồiCon có ổn không. Trước đó không lâu, Trần Đức Tín cũng vừa giành giải Nhì tại cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần VI-2020 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang đăng cai tổ chức.

MÌNH ƠI BÃO QUA RỒI

Sài Gòn vào mùa bão rồi em
cơn bão đầu tiên anh đón nơi đất khách
nghe là lạ từng hạt mưa giăng mắc
lắm lúc trở mình đau hơi gió phía xa xôi
phố hoang vu
phố chạy bão
phố gập người
ngọn đèn đường thức trắng đêm nhìn bão nổi
anh cũng nhìn em sau đôi mắt bão
bỗng thấy mình thời tuổi trẻ nông nênh
bão xoáy lòng
phố
trống trơn
bật gốc
em lại xoáy vào anh từng ánh nhìn quặn thắt
mảnh vụn nào rơi vãi phía xa xôi
nửa đời rồi anh đón bão cùng em
vẫn ngọn đèn dầu
chiếc áo tơi
mì gói
phố lặng lẽ run từng hơi thở
ừ thì
anh và em
vẫn tình tự như thuở bén duyên nhau
nhớ có lần
qua cơn bão số 5
đồng là nước
nhà là nước
lòng anh là nước
chạy tìm em trong chập chững phận người
anh vấp ngã giữa mênh mông sóng phố
khản đến buốt lòng anh cố gọi:
mình ơi!
mình ơi… bão vừa qua rồi
mái liêu xiêu co quặm
chợ tan hoang không bóng, không người
mình ơi… bão qua rồi
mình ở đâu?
ở đâu?
anh thấy toàn sóng nước
người là phận bèo trôi
anh chạy tìm em
như đứa trẻ
sắp
mồ côi
vẫn tiếng thét: mình ơi!
mà chân anh không nhấc qua nổi bậc cửa
cứ đứng lên rồi ngã như đứa trẻ bị bỏ rơi
mình ơi bão qua rồi
mà trong anh toàn hoàng hôn giàn giụa
tím đến lịm người gieo lên phố chòng chành
bão
rơi
mình à
anh đã đón nửa đời bão cùng em
như thành phố vẫn lao xao câu hát
dẫu mai sau lưng còng da bạc
chỉ cần ngọn đèn dầu làm lửa thắp tìm nhau!

Trần Đức Tín và bạn văn chương vong niên, nhà văn Đoàn Thạch Biền

CON CÓ ỔN KHÔNG?

Cha chỉ muốnbiết rằng con có ổn hay không?
mấy hôm nay Sài gòn chợt lạnh
thai nghén con
mẹ co quặm người gối ướt
cha đi rồi
mẹ con tự núm níu lấy nhau
trời trở giông
gió giật quanh mùng
mẹ đau thắt
phố tăng ca
phố đỏ đèn gọi bóng
cha sương gió xứ người đau xanh mắt mây xanh

con ạ
mẹ sốt thắt người
đêm
hoang hoải nhớ
tay vẫn xoa bụng dỗ con nín đôi lần
con đau phải không theo cơn ho oằn oải
chắc con cũng giật mình
co cụm bấu lá nhau
Sài Gòn tháng này vẫn mưa mau
tay cha ngắn không che nổi phía nào nao nao ủ dột

xứ người
xứ người
gọi mẹ con
nghe chết điếng tay sần
con yêu ạ
con có ổn hay không?
vẫn sợi nhớ sợi thương mà tước hoài không đến!
vẫn cùng trời mà khác nắng khác sương!
con yêu ạ
con có ổn hay không?
cha tự nhủ lòng
nhưng nghẹn nấc bước chân
giấu sao đành
giấu sao đành
mưa
mưa
buốt nhói gót chân đau
con yêu ạ
con có ổn hay không?
cha gửi con thêm một giọt máu hồng
khỏe nhé con
làm của tin với đời cha hoang dại
biển vẫn xanh
lúa vẫn vàng
đại ngàn vẫn thẫm
mưa
mưa
xứ người
không chỗ trú lời ru!

Trần Đức Tín

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Hà Hương Sơn

Cây bút trẻ Hà Hương Sơn, tên thật là Hà Duy Tỉnh. Anh sinh năm 1987 tại Bình Sơn – Quảng Ngãi và hiện là sinh viên ngành sáng tác văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Đến với Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn nghệ, Hà Hương Sơn đoạt giải Khuyến khích với chùm thơ 3 bài: Cậu bé, Trong căn hộ chung cư, Con không biết.

Hà Hương Sơn đang ấp ủ ý định xuất bản tập thơ đầu tay “Cuộc hành hương của giấc mơ”. Tập thơ gồm 1 bài thơ dài gồm 33 khúc thơ nhỏ, và 15 bài thơ lẻ là những bài tạo nên dấu ấn riêng về tư duy thơ của Hà Hương Sơn. Tiểu thuyết đầu tay của anh cũng sắp ra mắt độc giả.

Dưới đây là 3 bài thơ đoạt giải của Hà Hương Sơn.

TRONG CĂN HỘ CHUNG CƯ

tôi sinh năm hai ngàn
chẵn, không linh không lẻ
tôi là đứa con đầu tiên của thiên niên kỉ mới
tôi là đứa con đầu tiên của thế kỉ mới

tôi sinh ra từ căn hộ
tôi lớn lên giữa phố
tôi chưa từng nghe tiếng dế kêu bao giờ
tôi đọc Dế Mèn Phiêu Lưu Kí của ông nhà văn đầu hói nào đó
tôi chẳng đồng cảm được
mọi người bảo, thế kỉ mới này sẽ có nhiều đổi thay
tôi tin điều đó

tôi sinh năm hai ngàn
thế kỉ của ánh sáng
căn phòng tôi sống chưa bao giờ bị mất điện
đôi mắt tôi mỗi ngày đều dùng để xem phim và chơi game
đôi tai tôi dùng để nghe nhạc và lèo tèo vài ba món ngoại ngữ
tôi chưa từng nhìn thấy con dế ngoài đời thực
tôi chưa từng nghe tiếng dế kêu ngoài đời thực

thằng bạn tôi từ dưới quê lên phố
nó kể về ruộng đồng và những ngày thơ chơi trò đá dế
tôi cứ nghĩ nó bị hâm
thế giới này làm gì có trò chơi kì quặc thế

tôi sinh năm hai ngàn
chẵn, không linh không lẻ…

CẬU BÉ

Có một câu chuyện tôi muốn sẻ chia
về cậu bé
giọt nước mắt tôi rơi trong một lần tình cờ xem video
giọng nói vô tư như mũi dao đâm vào tim tôi!…

“Ba em đâu?”
“Ba chết rồi!”
“Mẹ em đâu?”
“Mẹ chết rồi!”
“Em sống với ai?”
“Con sống một mình!”

Căn chòi vắng, chỏng chơ trên đồi vắng
gió tràn qua như muốn ngã nghiêng
em bé xíu, lạc giữa đời cơ cực
hồn nhiên như chẳng thể hồn nhiên!…

Ba, mẹ đã chết
người thân không ai cả
em sống nhởn nhơ, rách rưới giữa núi rừng
ngày ba bữa, em ăn bằng cây cỏ
tự hái trái rừng và nấu măng tươi…

bao năm, em sống giữa vòm trời
người đương thời chưa biết em tồn tại
một hôm, vô tình hay hữu ý
có người tìm thấy
em hiện lên trên màn hình phẳng…

Thế giới nhỏ như lòng bàn tay
có hay đâu, nhiều mảnh đời đau xót
tôi chỉ nghĩ đến mình, những ước mơ và hi vọng…

đằng xa có một chân trời
một cậu bé chẳng có chân trời…

Em sẽ làm gì giữa thế giới này
khi em đã từng sống như người rừng vậy
bao năm tuổi, em chưa từng biết chữ

Vì sao em có mặt trên đời?…

Tuổi thơ tôi, có mẹ có cha
có bạn bè nô đùa chơi đá dế
ăn – mặc – ở, dẫu nghèo nhưng đủ ấm
trái tim an yên giữa cuộc sống bao người…

Tôi đã khóc khi xem video về cậu bé
một cậu bé rừng, không có mẹ cha
hàng triệu lượt like, hàng ngàn lượt share
nhưng liệu một ngày, đời em có đổi thay?…

Nhà thơ Lương Ngọc An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Khuyến khích cho Hà Hương Sơn (đứng giữa) và các tác giả.

CON KHÔNG BIẾT

giây phút mẹ sinh ra con
con không biết

ngày tháng mẹ cho con bú sữa
ngày tháng mẹ mươm cho con ăn những miếng ăn đầu tiên
ngày tháng mẹ giặt giũ áo quần vì con, lau chùi cơ thể con
con hãy còn không biết

ngày tháng mẹ tần tảo cho con từng cây bút, từng quyển vở
ngày tháng mẹ giục con dậy đi học
kẻo trễ học nha con
con hãy còn không biết

những lúc con đau ốm, mẹ không tiếc việc lớn việc nhỏ
chỉ mong con luôn được khỏe, mong con luôn được bình yên
mẹ cười với nụ cười của con, mẹ khóc với tiếng khóc của con
và con hãy còn không biết…

khi trưởng thành
đi xa
tiền tài, danh vọng cuốn phăng con đi
những ham muốn đời thường như ăn, mặc, ở cuốn phăng con đi

còn mẹ…
con không biết.

Hà Hương Sơn

Giấc mơ trên cánh đồng Tà Pạ

0

Tháng chín mùa lúa vàng đồng
Bầy sẻ nâu ríu rít rủ nhau về làm tổ trên ngọn cây thốt nốt
Có lẽ bọn chúng như tôi thèm ăn, háu đói
Thường hay mơ về những hạt cơm thơm dẻo
Bên nồi canh sim lo mẹ nấu và hủ bò hóc luôn còn đầy…

Mùa lúa chín vàng ở Tà Pạ thường rất vui
Xóm làng xôn xao, í ới gọi nhau vần công tất bật
Chiều chiều bọn trẻ lại đi chăn bò quanh chân núi
Chúng khoe về bữa ăn căng bụng
Cùng những món đồ mới mua…
Nhưng cũng có những năm bị thất mùa
Ba đốt thuốc trầm ngâm nhìn cánh đồng sau mùa gặt
Bọn trẻ con cũng buồn héo hắt
Năm nay có đứa sẽ thôi không đến trường
Bát cơm lưng chừng, con chữ cũng nhọc nhằn hơn

Dân quê tôi như đã gắn đời mình với ruộng đồng
Mỗi sáng, ba tôi lại dẫn đàn bò đi dọc đôi bờ lúa
Tôi lẽo đẽo theo sau, vấp dấu chân đôi lần té ngã
Bóng hai cha con chập chờn nương bóng những đàn bò
Tôi hay nằm ngắm mây trời
Và mơ giấc mơ của những đàn cò trắng
Bên những chân trời xa xôi…

Mùa giáp hạt, anh tôi bảo phải đi tìm tương lai thôi
Nơi không có đàn bò và những đường cày cọc cạch
Nơi tháng năm nhọc nhằn, mưa nắng
Nơi tiếng vạc sành kêu khắc khoải từng đêm
Mẹ tôi thở dài lặng im
Đôi mắt người thẩm sâu như lòng hồ Tà Pạ
Thoảng chút buồn long lanh…

Tôi chạy lên đồi ngắm cánh đồng màu xanh
Mùa này ngút ngàn mạ non, nắng ươm màu mật
Tôi nằm mơ ngủ, thấy bầy sẻ nâu lại về mang theo bao con chữ
Và những mùa vàng ngày mai…

_________________________
* Cánh đồng Tà Pạ là nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vùng đất có nhiều người Khmer sinh sống.

Trương Trọng Nghĩa

Nụ cười sau chiếc khăn Pưm

0

Những thiếu nữ chân trần
Giấu nụ cười sau chiếc khăn Pưm óng ánh
Những thiếu nữ quen nép mình sau khung cửi
Đôi mắt đen mênh mông buồn như dòng Châu Giang

Em đánh rơi tiếng cười
Phía sau mùa nắng trong đỏng đảnh
Những chiếc xà rông muôn sắc màu xòe như cánh bướm
Đường chiều ngược gió, tôi mãi nhìn theo làn khăn bay

Tôi đến đây và ở lại đây
Như hàng cây âm thầm đứng đợi
Thánh đường Mubarak hình vòng cung như đôi cánh tay trần vạm vỡ
Tết Roya Haji* qua rồi, tôi xin giữ lại yêu thương

Sáng nay em lại ngồi sau khung cửi
Mắt hồ thu gợi buồn như khúc ru một thời thiếu nữ
Tôi tiếc cho những tháng ngày đã cũ
Giữ mãi nụ cười em hiền, thấp thoáng sau làn khăn Pưm

__________
* Tết Roya Haji (còn gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ), ngày tết truyền thống của người Chăm theo đạo Islam ở An Giang.

Trương Trọng Nghĩa

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Nguyễn Thị Kim Nhung

Nguyễn Thị Kim Nhung sinh năm 1990 tại Cẩm Khê (Phú Thọ), là cây bút thơ nữ thuộc lứa “9X đời đầu”. Chị tốt nghiệp khoá 13 khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội và hiện làm việc tại Ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 2019, Nguyễn Thị Kim Nhung xuất bản tập thơ đầu tay “Thức cùng tưởng tượng” gây được chú ý.
Đến với cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 – 2020, Nguyễn Thị Kim Nhung đoạt giải Ba với chùm bài: Dần sáng, Làng đồi, Mùa thu Sơn Tây, Biên giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

DẦN SÁNG

Tiếng gọi loang đồng ruộng
làm giật mình bóng đêm
người đi soi trở về
men theo những tờ mờ sót lại

Nhà ai thổi cơm sớm
gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang
nuôi nhau qua ngày giáp hạt

Mẹ dặn đừng đáp lại
văng vẳng ai gọi mình
triền mê ta thầm vụng
rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn

Ta đã khác mà giọng người còn biếc
ban mai rạn những cơ hồ

Người vợ mặc lại áo
hai vạt khép bóng đêm
đôi vầng sáng mặc nhiên thầm tỏa
Sung một đời buông quả
không chạm nổi đáy ao.

LÀNG ĐỒI

Ngày xa vợi
người như nắng hừng lên điều gì
cây rùng mình trút lá vào mơ

Mơ thấy mùa quả vắng
sào tre khua chân mây
rơi tiếng cười bầy trẻ

Núi đồi kề nhau vẫn lẻ
đỉnh cao nào có thể chạm nhau
mây trắng phau một nỗi

Những thôi đường nắng dội
mình ngả vào bóng nhau
cây ngả vào bóng nắng
bóng làng ngả về đâu

Em gái đi hái rau
dại găm hồn chớm nở
tức ngực đồi xa.

MÙA THU SƠN TÂY

Trong vời xa của nắng
những con đường vẫn dẫn về nhau
màu áo ấy chưa thôi sờn bạc
hết chiến chinh đỏ bụi thao trường

Sơn Tây thoảng lời nhắc
đồn binh lẻ chân đồi
nắng mang màu đu đủ chín
người còn cách mấy thôi mưa

Trẻ trai như là nâu đất
dào lên ngọn vắng tàn xanh
đêm giấu bao nhiêu khao khát
cháy bùng một đốm khuya xa

Trời xanh bừng cơn sốt
mây trắng mải miết đắp khăn
em cách một nhịp thở
hoa keo trổ những chùm buồn

Nơi ngọn đồi sót lại
một đám mây chờm xuống mùa thu
những tiếng súng găm vào tàn tích
còn ai gọi mà thưa.

BIÊN GIỚI

Tiếng cất lên như trong lòng đất
hay vọng lại từ đá và cây
cũng có thể trời xanh dộng xuống
thiêng liêng dải đất này

Biên giới

Nơi ai cũng khẽ khàng chân bước
phía bên kia hung hiểm khó lường
bên này là thân thương xa xót
núi nghiêng mình lấy bóng che quê

Núi như người trai ấy
ngực xanh làm lá chắn

Không vì một cuộc chiến
mà chốn này gian lao
ngàn năm vùng biên viễn
núi dựng lên chiến hào

Những đêm này ta thường khó ngủ
biên cương đón khách chẳng ồn ào
ý nghĩ nhiều năm thành dự cảm
ta đã đến nơi này từ những giấc mơ

Không còn ai nhắc về cuộc chiến
hay họ nhắc mà không ai nghe
hay bởi vì không ai quên cả
nhắc làm gì điều đã nhớ ghi

Những giấc mơ của người thiếu nữ
chạm vào đâu cũng thấy ngại ngùng
lời muốn nói nghẹn trong bóng tối
biên viễn là gì mà xa xôi.

Nguyễn Thị Kim Nhung

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Tòng Văn Hân

Cuộc thi Thơ báo Văn nghệ (2019-2020) đã khép lại với hơn 10.000 bài thơ của 3.500 tác giả gửi dự thi, 17 tác giả được vào chung khảo và có 12 tác giả được trao giải vào sáng qua 9/4, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội). Theo báo cáo tổng kết cuộc thi: “Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn của cả Ban Tổ chức cũng như của những người tham dự, bởi không tìm được một “Trạng nguyên” để tôm vinh; song cuộc thi đã thể hiện sự cố gắng và quyết tâm rất cao của Ban Biên tập báo Văn nghệ, cũng như kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam”.
Tác giả Tòng Văn Hân, sinh năm 1972 (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong hai tác giả xuất sắc đoạt giải Nhì (Không có giải Nhất) với chùm 3 bài thơ: Làm rể, Mẹ tôi chửi kẻ trộm, Nhà dưới nhà trên.

Dưới đây là chùm thơ 3 bài nói trên của tác giả Tòng Văn Hân.

LÀM RỂ

Ngày anh sang nhà em làm rể
anh đi phát nương
con dao nhỏ bằng ba ngón tay
phát được nhiều bằng ba người khác.
Những buổi sáng trời dồ sương muối
cá suối trú rét đầy trong hốc
anh đi bẳt cá về ăn
nước suối ấm như nước em đun tắm.
Có những bữa hai ta ăn cơm ở trên nương
bẫy và nỏ chẳng săn bắn được gì
chỉ ăn lá vả, lá sung chấm muối ớt
ngon như ăn thịt hoẵng thịt nai.
Có những hôm hai ta ngủ trên nương
đêm mùa hè trời oi và nóng lắm
cái lán nhỏ nằm một mình đã chật
mà ngủ ngon hơn bất cứ nơi nào.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng Chung khảo trao Giải Nhì cho tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song.

MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM

Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.

NHÀ DƯỚI NHÀ TRÊN

Bản ta ở sườn dốc
Nhà sát nhà
Kề nhau cao dần cao dần lên đầu núi
Gọi quen “Nhà dưới nhà trên”
Ánh mặt trời xuyên qua vách nhà trên lọt vào cửa sổ nhà dưới
Gió hắt qua nhà dưới thông thống cửa sổ nhà trên
Không làm hàng rào ngăn cách
Gánh nước vương ra ướt sàn nhà nhau
Con vịt nhà trên bơi lội ao nhà dưới
Con gà nhà dưới bới ăn trong gầm sàn nhà trên
Đời cha đời ông
Ăn chung cây xoài cây me
Đời con đời cháu
Ăn chung giàn bí giàn bầu.
Khi một nhà đi đâu không cần khóa cửa
Chỉ cần nói một câu “Trông nhà hộ nhé!”
Đồ bé đồ to chẳng mất bao giờ.
Khi một nhà có khách
Chỉ cần gọi nhau một câu “Về đây ăn cơm đê”
Chai rượu lâu năm chăng đầy mạng nhện
Mang sang để cùng tiếp khách
Tiếng thơm lòng nhà dưới
Cũng thơm lòng nhà trên.
Sống với nhau bằng tấm lòng ngay thẳng
Nhà dưới kê nhà trên cao lên.

Tòng Văn Hân

Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Huỳnh Thúy Kiều

Huỳnh Thúy Kiều là một trong số những gương mặt thơ nữ tiêu biểu của Nam bộ hiện nay. Chị khá có duyên với những giải thưởng thơ, bắt đầu là Giải Nhì cuộc thi thơ online trên website thotre.com năm 2007 (khi đó do tôi “đánh liều” tổ chức), cho đến Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dành cho tác giả trẻ với tập thơ “Kiều Mây”; Giải C cuộc thi thơ 2008 – 2009 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải C Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ “Ru giấc phù sa” năm 2018… Và mới đây nhất là Giải Khuyến khích ở cuộc thi thơ Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ với chùm thơ 3 bài: Gió đã sang mùa, Trở lại Miền Tây, Hà Nội của anh.

Huỳnh Thúy Kiều đã xuất bản 3 tập thơ: Kiều Mây (2008), Giấu anh vào cỏ xanh (2010) và Ru giấc phù sa (2017). Gần đây chị bén duyên với tản văn với các tập Những triền sông đầy gió (2019), Những làn khói tỏa hương (2020)… Thơ của Huỳnh Thúy Kiều đang bứt phá theo hướng thơ hiện đại với sự dồn nén về cảm xúc, hình tượng thơ đa nghĩa, các sự vật, hình ảnh trong bài thơ tương giao và tương phản nhau tạo nên sự ám ảnh, lay động cảm xúc thẩm mỹ của người đọc.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ đoạt giải ở cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Huỳnh Thúy Kiều cùng với bài thơ “Chợ nổi Cái Răng” là tác phẩm qua vòng sơ khảo tại cuộc thi này.

GIÓ ĐÃ SANG MÙA

Gió chướng về
Trời đã chớm đông
Em đếm thời gian nhẹ nhàng đi qua mùa thu cũ
Lời hẹn xưa lặng chìm như đang vỡ
Tháng năm dại khờ giấu bão tố bên trong…

Hà Nội bây giờ hoa sữa đã trổ bông?
Và bãi sông Hồng có vàng không, thưa hoa cải?
Rét phương nào sao nghe lạnh đầy
Xa ngái
Em cầm gió bấc khâu mùa ngắn khoảng cách nhớ thương…

Cúc họa mi cũng gầy khi Hà Nội vào đông
Gió tràn mùa chòm qua bờ vai em mảnh
Lời thì thầm ủ vào sương khuya tê lạnh
Hoang vắng tận cùng…
Đến chiếc lá cũng thiếp giấc say

Hương cỏ nồng rối tóc em gầy
Gió sẽ mang mùa vào một bình minh rất khác
Lời hẹn tươi xanh bật chồi trong mưa bấc
Non tơ nẩy mầm…
Lá úa có còn vương?

TRỞ LẠI MIỀN TÂY

Những mái dầm, mái chèo nhập nhoạng bóng đêm
Áo bà ba xưa
Bây giờ em còn mặc?
Mấy mươi năm trở lại miền Tây
Cái gì cũng khác
Chỉ chín nhánh sông lở bồi vẫn rấm rứt nhịp chảy nhớ thương

Đước như những chàng ngư phủ vạm vỡ cắm bàn chân ngập ngụa bùn non
Từng chùm rễ mắm vươn mình đội phù sa sóng sánh
Vạt tràm xanh đất U Minh miệt mài khôn lớn
Oằn lưng biết bao mùa nước ròng nước nổi
Thương dòng sông cuối mùa
Nước cứ len lén rút cạn thêm…

Áo bà ba hờ hững chiếc eo thon
Câu vọng cổ em xuống xề giữa cơn mưa đồng bằng lênh bênh nước
Tháng Tám trời thu xanh da diết
Nụ cười hiền với lạ lẫm những ban mai

Ký ức dìu nhau trở về qua ly đế chuyền tay
Màu thời gian hắt hiu buồn tênh từng mái lá
Thăm thẳm khuya vọng những lời đói nghèo rơm rạ
Bóng trăng chảy tràn lênh láng mặt sóng loang…

Nặng nợ miền Tây!
Đau đáu đời thương hồ nổi nênh chợ nổi. Đêm
Hỏi Tân Châu năm nay lũ có về không đó?
Con cá linh non đầu mùa bơi trong nồi canh chua bông điên điển
Theo phù sa anh về thương những con rạch nhỏ róc rách chảy xa xăm

Trở lại miền Tây
Thao thức với châu thổ
Ngậm ngùi
Đâu rồi những bà mẹ ngày xưa nhai trầu bỏm bẻm?
Quệt chút vôi hồng đỏ ký ức nồng say

Và bây giờ trở lại miền Tây
Anh muốn nghe chim quyên quầy rướn mình hót vang điệu lý
Đâu trái mù u
Đâu con cá kiều
Đâu con ba khía
Đâu những bấc non thổi dập dềnh hút hồn bao nhung nhớ miền Tây?

Nhà thơ Lương Ngọc An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Khuyến khích cho Huỳnh Thúy Kiều và các tác giả.

HÀ NỘI CỦA ANH

những cơn nóng cuối cùng mùa hè trút hết oi nồng xuống Hà Nội của anh
chỉ ngày mai thôi
trên mái gác mùa thu trổ lấm chấm vàng hương thời gian da diết
sông Hồng như mơn căng da thịt sinh nở trước trời thu

những con phố dài hun hút chảy tít về phía mù khơi nào
hiu hiu giấc
tiếng sâm cầm lạc giữa bộn bề rêu phong sẫm màu sóng sánh
Hà Nội non tơ mùa như lá nõn đầu thu

mỗi độ lá vàng rơi
ký ức vọng lại âm hưởng hình như
sông Hồng của anh vì ai mà vạm vỡ?
Hà Nội của anh chuyển mùa đột nhiên rối bời bao ý nghĩ
Hà Nội thăng trầm huyền sử mấy nghìn năm

vạm vỡ sông Hồng
đất đai sinh sôi phì nhiêu màu mỡ nuôi lớn từng cái kén nong tằm
phố phường khi chúng mình nắm tay nhau nô nức tiếng cười vui, dập dìu bàn chân con trẻ
những mắt lá nồng nàn
nhắc em nhớ một Hà Nội đầy hương

bất kể phút giây nào anh cũng muốn em nghĩ trọn vẹn về sông Hồng
về Hà Nội đằm sâu tha thiết
sông Hồng cất giọng phù sa
từng con nước dâng trào thao thức
cuồn cuộn mùa bội sinh

Hà Nội của anh dưới trời thu cho em thấy rõ nhất hình hài
cả châu thổ sông Hồng như bừng căng mời gọi
những hàng cây tuần hoàn hơi thở miên man xanh trong chiều phù sa đỏ ối
Hà Nội không em
anh biết lối nào về…

Cà Mau, 21.8.2019

CHỢ NỔI CÁI RĂNG

Đã lần nào đến chợ nổi Cái Răng chưa?
làm quen nhau đi
ghe này của dì Ba
ghe kia của cô Bảy
cây bẹo treo hàng lim dim nửa giấc sáng đèn đêm

câu vọng cổ chòng chành
cạn ly đế pha sương
tứ chiếng thương hồ theo nhịp song loan mùi não ruột
chung chiêng nỗi buồn phận chợ nổi lênh đênh

cặp mạn xuồng mua được nụ cười duyên
em thả bùa mê qua vạt áo bà ba nhấn eo cao trắng bóc
thương hồ cứ thế
tràn ly vẫn nốc
say nỗi niềm, say vạt áo bà ba em

cây bẹo em treo nửa buổi hoàng hôn
lúc chợ nổi Cái Răng dập dìu tấp nập
mua niềm vui, bán nỗi buồn nhộn nhịp
chợ tan rồi mới thấy thăm thẳm bến sông đêm…

hỏi anh có về qua Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền?
rảnh tay thì cầm giùm em cây bẹo
chứ nhiều đến mấy bạc tiền…
em cũng không bỏ xuồng, bỏ chợ nổi Cái Răng…

Huỳnh Thúy Kiều

Miễn phí 12 tháng xem phim trên Galaxy Play

Galaxy Play, tiền thân là Fim+, thành viên của Tập đoàn sản xuất và phân phối phim Galaxy Media & Entertainment (Thiên Ngân). Galaxy Play là đơn vị cung cấp Dịch vụ xem phim theo yêu cầu, có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện nay, bạn có cơ hội nhận 12 tháng xem phim thả ga trên ứng dụng xem phim Galaxy Play để trải nghiệm ngay kho phim đậm chất Việt Nam, chuẩn rạp, không chèn quảng cáo.

Hướng dẫn nhận quà:

  • Bước 1: Truy cập Link
  • Bước 2: Nhập số điện thoại (số điện thoại hợp lệ là số đang không đăng ký Gói Galaxy Play tại thời điểm hiện tại)
  • Bước 3: Nhập Mã OTP được gửi đến số điện thoại của bạn
  • Bước 4: Nhập mật khẩu và hoàn thành.

Quà tặng có giá trị đến hết 20.04.2021 và không có giá trị quy đổi dưới mọi hình thức! Mọi chi tiết, vui lòng liên hệ Hot Line của Galaxy Play: 1800 9090



Chùm thơ đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ của Mai Thìn

Nhà thơ Mai Thìn tên thật là Mai Văn Thìn, sinh 1965 tại An Nhơn, Bình Định. Anh tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ, cử nhân khoa học ngành ngữ văn. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VNDG Việt Nam, hội viên Hội nhà báo Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định.

Tại cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn nghệ, nhà thơ Mai Thìn có 6 bài qua vòng sơ khảo (được chọn in trên báo). Kết quả chùm thơ 3 bài của anh gồm: Tạ lỗi với mây xanh, Ngược sông Lô, Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn đã được trao giải Khuyến khích. Xin giới thiệu cùng độc giả chùm thơ 6 bài nói trên của anh.

NGƯỢC SÔNG LÔ

Ngửa mặt đón những tàn hoa nhuộm đỏ trời biên giới
sông Lô làm một trường ca chảy vào đất Việt
quấn quít từng dãy núi đá như tấm lá chắn
chở che những người lính
bao đời canh giữ biên cương

soi vào sông Lô
ngang trời lồng lộng
mỗi tấc đất của cha ông
chan máu xương lóng lánh nước trong

ngược sông Lô
năm nào cũng đông người lên
đôi bờ hàng hàng gạo đỏ ròng ròng dòng sông
hắt lên tháng ngày xanh thẳm

ngược sông Lô
vớt từng xác gạo
như vớt những hồn người
đỏ thắm.
(HG, 5.7.2020 – QN, 30.7.2020)

TẠ LỖI VỚI MÂY XANH

Ngày mười hai tháng bảy năm tám tư
chúng tôi trồng cây phượng bên góc trường
kỷ niệm buổi cuối cùng đời học sinh trung học
rồi vỗ cánh
mỗi đứa một phương

mỗi đứa một phương
nhưng không có đứa nào chia với các anh quả đạn pháo ở biên cương phương Bắc
không có đứa nào xắn hộ một xẻng đất
cho vuông vức chỗ các anh nằm

đêm mười hai tháng bảy năm tám tư
tôi chong đèn làm thơ trên trang lưu bút
gửi cho người bạn gái thường mặc chiếc áo vàng ngày chào cờ đầy nắng
buồn vẩn buồn vơ cơn mưa trút lá
nhưng chẳng có giọt nước mắt nào khóc cho mấy nghìn liệt sĩ
mấy vạn đốt xương hóa đá dọc chiến hào

suốt bao năm nằm lại non cao
chỉ có nắng và những mùa hoa gạo đỏ
thầm lặng ủ các anh
chút hơi ấm quê nhà.

trưa nay chúng tôi đến thăm
Nghĩa trang Vị Xuyên* ầm ầm giông đổ
nén nhang muộn thắp lên
mưa ướt hết

xin thắp mấy dòng này
tạ lỗi với mây xanh.

(Vị Xuyên, 3.7.2020)
  • Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 2.000 ngôi mộ, trong đó có rất nhiều người hy sinh ngày 12.7.1984. Vào ngày này hàng năm, cựu chiến binh cả nước về đây tổ chức “giỗ trận”để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược.

NHỮNG BÀ MẸ GIÀ

Những bà mẹ già
thường rất giống nhau
nhất là mái đầu bạc trắng
cây gậy mòn nhẵn đỡ cái lưng còng
nụ cười lúc nào cũng ngước lên
mong cho con mình được vui
mong cho con mình được sướng

bàn tay quăn queo ngón
chằng chịt vết xước cổ trầu
run run
lần về quá khứ

đứa gần đẻ con mẹ giữ
đứa xa mòn mỏi tháng năm
ôm trong vòng tay mẹ
giấc mơ đêm đêm
ầu ơ
tiếng võng

đuôi mắt mẹ nào cũng nhăn
nhòe nhem nước
khi kể về con cháu
khi kể về phận mình

đất nước bao phen điêu linh
đạn bom rồi giông bão nổi
đời mẹ
chong một bình yên.

những bà mẹ già
thường rất giống nhau
nhất là mái đầu mây trắng
cây gậy mòn nhẵn đỡ tấm lưng còng
dựng nên
dáng hình
Tổ quốc.

Nhà thơ Lương Ngọc An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Khuyến khích cho Mai Thìn và các tác giả.

MÂM CƠM TRONG NHÀ NGƯỜI NÔNG DÂN SƠN MỸ

Suốt năm mươi năm
mâm cơm trong nhà người nông dân Sơn Mỹ
vẫn như xưa
đĩa cá bống kho, quả cà giòn, nồi cơm còn chưa giở
thời gian hun khói
đợi
bóng nắng lay lắt
ngày

suốt năm mươi năm
những chiếc ghế chỏng chơ
tháng ngày
xay
mọt nghiến
bó đũa chưa kịp so
thìa nhôm nghiêng bên góc.

những vị khách người Mỹ, người Tàu, người Âu, người Á
ngồi xuống đây
cho tàn bữa tiệc này.

HOA PHƯỢNG Ở NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

mỗi độ tháng tư về
hàng phượng ở Nghĩa trang Trường Sơn
rưng rưng
đỏ

nhiệt độ lên tới bốn mươi
cô bạn tôi đi thắp nhang cho đồng hương Bình Định
cô cứ đứng mãi
đứng mãi
chiếc ô nán che
“gương mặt” còn trẻ quá
sau hàng chữ, năm sinh.

các anh nằm đây đã bốn mươi năm
dõi lên trời
đếm từng ngôi sao xa xưa
chờ
tháng tư thắp lửa
những bóng mắt người thân
đỏ
nhòe
cành lá.

SÂN SAU

khi xây nhà
tôi quyết định chừa khoảng sân sau
để trồng rau, trồng hoa
còn phía trước kinh doanh mua bán

cái sân sau là nơi tôi hít thở
ngắm hoa
rũ bỏ mọi uế tạp

nơi tôi và con gái
chơi đùa trong nắng
với những chiếc lá môn
với dàn bầu, dàn bí
treo chiếc võng ầu ơ…

vậy mà nhiều người bảo
sân sau là tham nhũng
là vấn nạn của quốc gia…

chẳng biết các “đại ca”
nơi sân sau trồng gì
mà ra
tham nhũng.

Mai Thìn

Kết quả Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn Nghệ

Sáng ngày 9/4, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ( số 9 Nguyễn Đình Chiểu- Hà Nội) Báo Văn nghệ đã tổ chức trao giải Cuộc thi Thơ ( 2019-2020).

Tới dự lễ trao giải có Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo; nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đại diện các Hội đồng văn học trực thuộc Hội, các nhà văn, nhà thơ và các tác giả đoạt giải.

Cuộc thi Thơ do Báo Văn nghệ tổ chức kéo dài trong 2 năm ( 2019 – 2020) đã thu hút trên 3.500 tác giả với hàng vạn tác phẩm tham dự. Qua hai vòng chấm hết sức công tâm, Ban tổ chức đã quyết định trao 12 giải thưởng ( không có giải A) cho 12 tác giả có tác phẩm đạt chất lượng.

DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI THƠ BÁO VĂN NGHỆ (2019-2020)

Giải A: Không có

Giải B:

TÒNG VĂN HÂN (ĐIỆN BIÊN)

  • Làm rể
  • Mẹ tôi chửi kẻ trộm
  • Nhà dưới nhà trên

NGUYỄN VĂN SONG (HƯNG YÊN)

  • Từ ngày lên phố
  • Gọng vó đầu làng
  • Từ ngày cha mất

Giải C:

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (HÀ NỘI)

  • Mùa thu Sơn Tây
  • Làng đồi
  • Biên giới
  • Dần sáng

CHÂU HOÀI THANH (VŨNG TÀU)

  • Triết lý về thời gian
  • Hương tóc mẹ

KHUẤT BÌNH NGUYÊN (HÀ NỘI)

  • Xa hơn cả thời xưa
  • Ước nguyện ca trù

ĐẶNG CƯƠNG LĂNG (HÀ NỘI)

  • Lắng nghe
  • Trở về

Giải Khuyến khích:

ĐỖ VĂN DINH (LÀO CAI)

  • Những đứa con vùng cao
  • Em đi học từ phía cổng trời

MAI THÌN (BÌNH ĐỊNH)

  • Tạ lỗi với mây xanh
  • Ngược sông Lô
  • Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn

ĐINH HẠ (NGHỆ AN)

  • Mẹ tôi
  • Xin cho anh được tục huyền

TRẦN ĐỨC TÍN (Tp. HỒ CHÍ MINH)

  • Mình ơi bão qua rồi
  • Con có ổn không

HÀ HƯƠNG SƠN (QUẢNG NGÃI)

  • Cậu bé
  • Trong căn hộ chung cư
  • Con không biết

HUỲNH THÚY KIỀU (CÀ MAU)

  • Gió đã sang mùa
  • Trở lại Miền Tây
  • Hà Nội của anh

Theo báo Văn Nghệ