Đọc tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2019) của Trương Trọng Nghĩa, tôi giật mình thảng thốt. Giật mình vì trong khi một bộ phận lớn các nhà thơ trẻ cùng thời nôn nóng đi tìm những tứ thơ “độc”, mới lạ cả về đề tài và cách thể hiện thì Nghĩa lại tự tin quay về với ruộng đồng, lão nông, ông bà, cha mẹ, cô gái quê “bà ba, nón lá”… Những người “cánh đồng nhỏ thôi mà quanh quẩn cả một đời”. Một đời làm lụng vất vả với “đôi tay nhăn nheo bám đất, dính phèn”. Làm mãi vẫn không hết việc và cũng không thể (hoặc không muốn) vượt ra khỏi cánh đồng ấy. Còn cánh đồng thì biết trả ơn, trả nghĩa, “trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo”.
Trên cánh đồng, dòng sông và làng quê trù phú ấy hầu như không có gì không đi vào thơ Nghĩa. Từ con trâu cái cày, khói đốt đồng, ong bầu, ếch nhái, dế trũi, cà cuống, vạc sành, chim cò, sẻ nâu, kìm kìm, cá tôm mùa lũ. Cho đến vách đất nhà tranh, cầu tre, chú mèo lười nằm lim dim ngủ, gà vịt, nhện giăng tơ, hoa đậu biếc, hoa bần, mồng tơi, rau tập tàng, ơ cá kho, gáo dừa, chiếc sừng trâu treo góc nhà, cánh diều mắc cạn trên ngọn tre. Cả đờn kìm, ca vọng cổ đêm trăng nữa… Tôi bị lạc vào thế giới thiên nhiên muôn hình, muôn màu, muôn âm thanh và cả những người dân quê quanh năm làm lụng, chân lấm tay bùn nhưng rất đôn hậu và hào sảng của miền đất Tây Nam bộ trong thơ Nghĩa.
Tình đất, tình người ấy đã đi vào thơ Nghĩa và ở lại với những bài thơ, câu thơ đầy ấn tượng. Tôi thích cái cách thơ tưng tửng, tung hứng mà trầm lắng, sâu sắc trong bài “Trên bàn nhậu của một lão nông”. Trên bàn nhậu rượu vào lời ra, lão nông kể đủ thứ. Nào là “nỗi khổ của người nông dân”, “giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng” trong khi “nông sản thì bấp bênh giá cả”. Rồi thì những con đường mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mù. Cả “dịch cúm cướp mất đàn gà”, rồi “trai tráng bỏ làng đi xa”. Để “những mảnh vườn đui đọt xác xơ”. Từ “đui đọt” hay mà lạ quá. Và cũng chính vì thanh niên trai tráng bỏ làng nên “đồng cạn ruộng hoang giữa mùa gieo sạ”… Trước bao lời kể của lão nông, nhà thơ ngẩn ngơ và cũng rất chân thành: “Chưa đọc thơ tôi nên ông đâu biết”, “Đời nào tôi viết được những điều ông kể”. Nhưng chính tác giả đã viết được như thế và còn nhiều hơn thế nữa. Cách thơ khéo léo, có duyên và hay quá. Yêu quá những cảm xúc tươi trong, những bài thơ, câu thơ khó thể viết hay hơn khi người con đi xa có dịp trở về:
Về lặn ngụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp
Nơi góc vườn có những nụ trâm ổi nở lặng lẽ chờ ta
Về nghe những lũ chim gì đó hót sau nhà
Con ong bầu náu mình nơi cột nhà nghe lời ru cánh võng
Đêm có tiếng ếch nhái gọi trăng bên con mương nhỏ
Và ta là chú dế trũi lang thang…
(Một ngày…)
Và “về ngắm khói đốt đồng mà lòng bình yên quá đỗi”. Bình yên cả “gã mèo khoanh tròn trên giàn bếp ngủ vùi”, “đàn nhện cứ cần mẫn giăng giăng nỗi nhớ”. Trên bờ rào “hoa đậu biếc cứ vô tình tím mộng, tím mơ”. Nhưng không thể mơ mộng mãi được. Nên “ra sau nhà hái đầy rổ mồng tơi/ Bữa cơm chiều chén canh rau tập tàng, ơ cá kho quê kiểng”. Rồi thì:
Đàn vịt xiêm nhìn tôi mắt tròn xoe ngơ ngác
Con gà mái tục ta tục tác
Gáo nước mưa ngọt lịm buổi trưa hè
Cánh diều giấy mắc cạn ngọn tre
Hiên nhà cũ từng đàn nhện giăng ngang nỗi nhớ.
(Ngày về)
Là người vốn xa quê hương từ thời mới cắp sách đến trường, tôi từ ngạc nhiên đến yêu thích những bài thơ, câu thơ viết về quê vừa thật vừa hay làm tôi xúc động đến thế. Không chỉ tả thực, thơ Nghĩa còn đậm chất ưu tư. Cái ưu tư trăn trở của người con biết mình còn mắc nợ quê hương. Cái nợ sinh thành, dưỡng giục của cha mẹ, của tình làng nghĩa xóm và đồng đất quê hương.
Tôi ra đi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay
Nợ cả sự trăn trở của người cha.
Một thời con trâu cái cày, đồng sâu ruộng cạn
Giờ trai tráng bỏ làng lên thành phố
Đêm đêm cha thao thức cùng tiếng vạc sành nỉ non
(Bay lên từ cánh đồng)
Nợ và thấm thía nhất là khi:
Tôi đi dọc triền sông nước lớn
Gặp lại tuổi thơ chú lìm kìm tung tăng đùa bóng nước
Nhánh lục bình cũng khơi chuyện cũ xa xôi…
(Với khúc sông nho nhỏ)
Ai cũng có một thời tuổi thơ để nhớ, để giật mình khi gặp lại. Nhưng đối với Nghĩa thì đằm chín quá khi đi trên “cánh đồng lớn”. Ở cánh đồng ấy cha đã bán trâu mua máy cày. Mừng cho quê hương đổi mới nhưng Nghĩa vẫn hoài vọng về thời “cánh đồng nhỏ”, nếp nhà tranh, cầu tre lắt lẽo… Mãi hoài tưởng để tác giả phải giật mình khi “từng bầy sẻ nâu bay vút lên”. Nhưng trong sau thẳm thì nhận biết được cả “hương lúa nồng nàn chiều quê hát lời rơm rạ”. Nghĩa có lý do để đăm đắm và hoài vọng. Bởi “ngày tôi sinh bìm bịp khản giọng gọi con nước lớn”, “lũ ngập trắng đồng”, “giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn”, cho con nên vóc nên hình. Và:
Tôi lớn lên theo từng đàn cá linh về
Từng mùa lũ trắng đồng, cánh cò mê mải
Bát cơm xanh xanh màu đọt choại
Ơ cá rô kho mặn đắng bờ môi
(Quê nhà)
Hình ảnh quê nhà dù còn nhiều khó khăn nhưng ân tình quá. Chính vì vậy dù đi đâu, ở đâu tác giả cũng nhớ về quê nhà, về mái nhà xưa. Ở đó có mẹ già tảo tần hôm sớm, có cô hàng xóm vội vã lấy chồng. “Đứng trước nền nhà cũ” Nghĩa thảng thốt tự hỏi:
Đâu khói bếp ám khói chiều nồng ấm
Rau tập tàng mẹ nấu canh chua
Vị cà cuống nướng dầm nước mắm
Đọng trong tôi mãi đến bây giờ.
Tuyệt quá. Mạch thơ như chính cuộc sống cứ cuồn cuộn chảy về trong tiềm thức. Phải chăng nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã trả nợ cho quê hương, cho đấng sinh thành và những ân tình của mình bằng những bài thơ chắt ra từ gan ruột, từ lòng biết ơn, sự tự hào, làm rung động trái tim người đọc. Đến người đàn bà uống rượu một mình, không quen biết tác giả cũng dành cho những câu thơ chia sẻ và thông cảm hết sức sâu sắc:
Người buồn uống cả cơn say
Xòe tay đếm những ngón gầy lẻ loi
(Người đàn bà uống rượu một mình)
Câu thơ hay nhờ bốn từ “uống cả cơn say”. Uống và đắng chát như chính nỗi buồn lẻ loi mà người đàn bà muốn tìm lãng quên trong men rượu. Nhưng người đàn bà đâu hiểu càng uống càng tỉnh, càng cô đơn để tác giả phải thốt lên:
Chuốc bao nhiêu rượu cho vừa?
Tàn đêm có kẻ lòng chưa hết buồn.
Trên thi đàn Việt Nam không ít người viết về nông thôn, quê kiểng. Người thành công cũng nhiều. Nhưng chỉ có cố thi sĩ Nguyễn Bính được mệnh danh “nhà thơ chân quê”. Nhà thơ Hữu Thỉnh được mệnh danh “thành phố hồn quê”. Để biết viết về mãng đề tài này không dễ nên ít ai có ý thức hướng về miền quê và cánh đồng như nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa. Phải chăng đó cũng là một thử thách, một con đường để tự khẳng định mình của nhà thơ trẻ tài hoa?
Điều đáng nói nữa là, sự mới mẽ là tố chất làm nên nét độc đáo của thơ. Nhà thơ chân chính nào cũng đều muốn làm mới thơ mình. Nhưng cách tân, làm mới thơ phải hiểu như thế nào? Thơ hay nói rộng hơn là các sản phẩm trí tuệ khác luôn mang yếu tố kế thừa. Kế thừa để phát triển chứ không phải kế thừa để lặp lại. Thiên chức của nhà thơ là không ngừng sáng tao.Vì vậy các nhà thơ hiện đại trong khi chưa thể làm mới thơ hoàn toàn thì vẫn có thể viết các thể thơ niêm luật, cổ điển như lục bát, song thất lục bát, ngủ ngôn… Nhưng nhất thiết phải “bình cũ rượu mới”, ngôn từ mới, cách thể hiện mới. Đó là làm mới thơ. Chứ không thể bẻ gãy câu thơ, làm vụn ý tứ thơ, dùng những từ “đao to búa lớn”, bí hiểm như thách đố người đọc để mang danh làm mới thơ rồi tự bào chữa thơ là để cảm chứ không phải để hiểu. Xin lỗi, đọc thơ mà không hiểu tác giả muốn nói gì thì làm sao mà cảm được? Như vậy theo tôi, thơ hay, thơ mới trước hết phải mới về nội dung và nhất thiết phải mang tới một ý nghĩa mới, thông điệp mới. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cũng đã nói: “Thơ nào đọc lên thấy khang khác mà vẫn phảng phất cổ điển thì đó là thơ đích thực, mang tới giá trị mới”. Thơ của Trương Trọng Nghĩa là thơ dễ hiểu, phảng phất cổ điển, có giá trị mới như thế. Tuy nhiên phảng phất cổ điển không có nghĩa chấp nhận những từ đã quá cũ, sáo mòn như: Liêu trai, mộng mị, phiêu lãng, sầu viễn xứ… mà nhà thơ chưa gạt bỏ hết trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng”.
Với tôi, thơ là tiếng nói của trái tim, của cái đẹp. Thơ là để tâm sự, sẻ chia và gợi mở. Vì vậy mỗi nhà thơ có cách thơ riêng để tạo nên con đường thơ từ trái tim mình đến trái tim người đọc. Nhà thơ nào khơi gợi được niềm cảm xúc đẹp của người đọc, khiến họ rung cảm và đồng điệu với trái tim mình thì người đó thành công. Trương Trọng Nghĩa đã thành công, đã “Bay lên từ cánh đồng”. Hy vọng tác giả còn bay cao, bay xa hơn nữa.
Nhà thơ Võ Thị Kim Liên
Báo Ấp Bắc số 4130 ra ngày 09/11/2020
(http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202011/tho-truong-trong-nghia-dam-dam-hon-que-913116/)