Một khoảng lặng còn lại sau khi bài thơ cuối cùng đã đọc hết. Một cánh đồng đầy nghĩa tình nhưng rồi đàn chim cũng bay đi như hạt cát làm xốn xang con mắt. Hình ảnh này chính là sự chiêm nghiệm của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa rút ra từ bản thân mình đặt bút viết ra câu thơ “Mẹ tôi gầy gò như cây lúa héo hon/ Cố tiễn tôi qua hết những cánh đồng trơ rạ” (tr.22, Bay lên từ cánh đồng).
Câu thơ rất hình tượng và sâu xa với những người nhạy cảm và tinh tế. Nếu tác giả viết “Cố tiễn tôi qua hết cánh đồng trơ rạ” thì cũng là câu thơ gợi nhưng hình ảnh bình thường. Thêm chữ “những” vào làm cho câu thơ thêm giá trị, như một phân đoạn điện ảnh, cụm từ “những cánh đồng” gợi cho người đọc nhìn thấy một hành trình thật dài đầy nhọc nhằn bất tận trong cuộc đời mà sau lưng con là bóng mẹ xiêu vẹo đổ dài luôn che chở.
Với tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” (NXB Văn hóa – Văn nghệ), dày 102 trang gồm 35 bài thơ không xuyên suốt một chủ đề. Ở đây, tác giả chắt lọc những cảm xúc đã từng đến với mình, là hạnh phúc khi con chào đời, là lúc nhớ về nội với những câu chuyện kể về những ngày đi chiến đấu, là những chuyến du lịch như có lần qua đèo Hà Lan. Nhưng chiếm phần nhiều vẫn là những bài thơ dành cho đồng ruộng, một tình cảm chân thật và dạt dào. Như câu chuyện với lão nông bên bàn nhậu (những nỗi khổ của nông dân…; thuốc trừ sâu, phân bón… cứ tăng… còn nông sản bấp bênh giá cả…), như lời than thở đứt ruột của người cha (đất quê luôn nghĩa tình…; đất không phụ người, chỉ có người phụ đất…; đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi). Những câu thơ ý nhị và sâu xa của tác giả làm người đọc cay mắt bởi sự ám chỉ ngầm, đất là cha mẹ, đàn chim là đàn con, cha mẹ hy sinh hết cả cuộc đời để cho con ấm no nên người, nhưng cuối cùng thì con cũng rời xa cha mẹ…
Hình ảnh con trâu và cánh đồng luôn thấp thoáng trong những câu thơ, và tác giả chọn bài thơ “Bay lên từ cánh đổng” làm tựa cho cả tập thơ cũng là một cách khẳng định rằng, dù nông dân có đổi đời nhờ công nghệ đỡ phần vất vả, thì cái tính cần cù vẫn thế, thương đất thương cây lúa vẫn thế, cho nên, những câu thơ thật thà như tô cơm nguội buổi sáng của nhà nông trước khi dẫn trâu ra đồng cày xới của Trương Trọng Nghĩa như khói đốt đồng, bao giờ cũng làm người ta rươm rướm nước mắt nhớ quê. Như nhớ một lần qua phà Vàm Cống, như nhớ một ngày chạm sóng sông Hậu mà nghe ngọt, nhạt nỗi niềm (Đâu tiếng đàn kìm nức nở/ Nỉ non khúc độc huyền câm/ Thương những mảnh đời dạt xứ/… Đêm xuôi theo bờ sông Hậu/Mấy câu vọng cổ tròng trành…).
Không tìm thấy một bài thơ nào dành cho đề tài tình yêu trai gái trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa. Có lẽ nhớ thương, tan vỡ, cuồng yêu… là phù phiếm chăng? Hay trong vòng tròn khép kín cùa hạnh phúc đang thụ hưởng, tác giả không thể có cảm xúc dành cho một đề tài muôn thuở của nhân loại?
Nhưng cũng không phải vì thế mà tập thơ thiếu, hay dở đi. Ở đây, người đọc được một chuyến du lịch “không đồng” trên chính quê hương Việt Nam của mình từ hành trình dẫn dắt của tác giả. Chúng ta cùng du hành đến một miền Tây gạo trắng nước trong nghĩa tình nhân hậu, qua những cánh đồng khi thì vàng rực lúa chín, khi thì thơm mùi mạ non, lúc lại rong chơi trên những cánh đồng rạ ngộp khói đốt đồng hăn hắt. Đó chính là tình yêu quê hương được tác giả ươm cấy từ những đàn chim, từ những cánh diều, từ những câu xề, nhịp bổng, một điệu trăng thu dạ khúc, mấy câu vọng cổ trêu người… và ngọt thơm mùa nhãn chín.
Nhưng sau yêu thương dành cho một cánh đồng tình nghĩa nhân hậu, Trương Trọng Nghĩa vẫn có những ưu tư, khắc khoải khác, chứa đầy nghi ngờ và cay chua dành cho cuộc đời cũng như tự nghiệm con người, bản thân.
Là khi:
Soi mình vào mảnh vỡ chiếc gương
Tôi chạm mặt những cái tôi rất khác.
…
Đã có ít nhiều mất mát
Đã có ít nhiều tổn thương
Giữa tôi và từng khuôn mặt trong những mánh gương vỡ nát.
P.N Thường Đoan – Trương Chí Hùng
(Nguồn: Văn nghệ Tp.HCM số 631, ngày 28-01-2021)