Tôi đọc thơ Trương Trọng Nghĩa chưa được nhiều vì điều kiện gián cách về không gian và thời gian, nhưng không nhầm thì tôi may mắn đọc tập thơ đầu tay của anh cách đây khoảng 10 năm – tập Những mảnh ghép không logic, Nxb. Văn Nghệ ấn hành. Khi đó, tôi đã thấy ở nhà thơ trẻ này một tâm hồn phóng khoáng, tin yêu và giàu tính hoài niệm mang cảm quan sinh thái nhân văn sâu nặng. Giờ đây, đọc tập thơ mới Bay lên từ cánh đồng (2019) xuất bản sau 13 năm lặng lẽ với tâm niệm của anh là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tôi càng phát hiện ra một vấn đề có tính bản thể của “tâm lý học sáng tạo” và “cơ chế tự vệ” của “cái tôi trữ tình” mà mỗi nhà thơ, nhất là những nhà thơ có ý thức lập ngôn thường lặp đi lặp lại như những ám ảnh vô thức. Đó là cảm thức hoài niệm và tinh thần sinh thái, đạo đức sinh thái đậm đặc trong thơ Trương Trọng Nghĩa.
Ngay từ thi tập Những mảnh ghép không logic, Nghĩa đã có những câu thơ mang cảm quan hoài niệm dành cho trái tim mình: “Anh về đứng giữa tháng giêng và hát/ Như gã điên thỉnh thoảng tự ru mình/ Chỉ có em và tuổi thơ trẻ mãi/ Cùng tháng giêng trong ký ức/ Riêng anh” (Tháng Giêng). Sau đó là cảm quan hoài niệm mang tính đời tư – thế sự: “Những buổi chiều thiếu không gian/ Hồn tôi mộng du trên nóc những tầng cao ốc/ Trong tôi còn lại một góc bình yên/ Giữa phố xá ồn ào” (Những buổi chiều không ý tưởng). Và cuối cùng là một thức nhận sinh thái thiên nhiên: “Ngửa mặt gặp vầng trăng cũ/ Giật mình…/ Trước giọt sương tan”(Ký ức). Tôi xem đây như là chìa khóa nghệ thuật (artistic key) để mở lối vào thơ Nghĩa. Cụ thể là ở tập thơ Bay lên từ cánh đồng mà tôi đang có trong tay.
Đọc toàn bộ thi tập, tôi bắt gặp hình ảnh đất đai, cánh đồng, dòng sông và bầu trời quê hương – nơi anh sinh ra và lớn lên với tần suất đậm đặc. Bài thơ Tuổi xuân cánh đồng có thể xem là phẩm tính kết tinh của hồn thơ Trương Trọng Nghĩa:
Mẹ tôi gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo
Cha tôi gửi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả
Cánh đồng qua từng mùa gieo gặt vẫn mượt mà xanh
Trên cánh đồng và đất đai quê kiểng ấy, những người thân ruột thịt của anh hiện lên với biết bao gian truân, vất vả để làm nên màu xanh sự sống. Mẹ cha anh đã: “Trải qua bao tháng, bao năm/ Lúa trên đồng vẫn xanh mà tóc cha đã bạc/ Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt/ Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn”. Còn ông và cha anh đã trở thành những thế hệ “lão nông tri điền” biết từng buồn vui và nết đất ruộng đồng; sống với đất và chết lại về với đất: “Ông cha tôi những lão nông tri điền/ Quen mùi ruộng đồng, am tường chuyện nông gia thời vụ/ Bao đời cấy cày trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn/ Rồi lặng lẽ ngày trở về với đất/ Đất ôm trọn vào lòng che chở, bao dung”. Để bao thế hệ tuổi thơ như anh lớn lên được tắm mình trong màu xanh bao dung của quê hương, xứ sở:
Đời người bao năm đong đếm thành tuổi cánh đồng
Qua hết mùa mạ non vẫn một màu xanh bát ngát
Chúng tôi lớn lên từ cánh đồng bao la tình yêu của mẹ
Đó chính là thế giới thiên nhiên chở che và nuôi dưỡng sự sống của mỗi phận người. Trương Trọng Nghĩa đã tắm gội trong không – thời gian sự sống như thế. Giờ đây, môi trường ấy không còn vẹn nguyên trong trực quan sinh động mà đã trở thành không – thời gian hoài niệm của tác giả. Bảo làm sao không tiếc nuối, xót xa? Tất cả “những tình cảnh điển hình” ấy, trở thành những cổ mẫu (archétypes) nằm sâu trong vô thức của anh, chập chờn, mộng ảo. Giờ đây, chúng bỗng bừng thức trong những giấc mơ đêm và xôn xao trong tâm lý và ý hướng sáng tạo của Nghĩa bằng “Giấc ngủ mê in dấu hình hài”. Ký ức bóng mùa xưa đã trôi vào dĩ vãng, giờ bỗng ùa về chật cả tuổi thơ:
Đi qua tuổi thơ
Bàn chân còn bám đầy vết phèn nâu đỏ
Tôi – gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng
Thấp thoáng bóng mùa trôi…
(Ngày về)
Theo tôi, mỗi nhà thơ đích thực, có thân phận và số phận của riêng mình khi bị ám ảnh bởi những hình tượng đặc biệt nào đó từ trong hiện thực cuộc sống. Chúng đã thành ám ảnh hữu thức và vô thức, có cả vô thức tập thể mà mình không hay biết, nhưng đến một ngưỡng nào đó, chúng lại thành thi giới lung linh, huyền ảo, trở thành bản mệnh người và bản mệnh thơ, cuối cùng, kết tinh thành phong cách tác giả.
Là nhà thơ gắn bó với đồng quê, giờ đây, khi dịch chuyển môi sinh, không còn hiện hữu trong không gian hiện thực ấy nữa, Trương Trọng Nghĩa lại liền chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi một thế giới hiện thực khác (the other realistic world). Hiện thực ấy luôn thay đổi bất an, gắn với những âu lo hiện sinh đời người, nên anh không thể không bị tác động và tổn thương: “Đã có ít nhiều mất mát/ Đã có ít nhiều tổn thương” (Mảnh vỡ), làm thành vết sẹo trong tâm hồn có sức lay động và day dứt để trở thành ám ảnh trong tâm lý sáng tạo.
Vậy nên, từ hình tượng mẫu gốc như tôi vừa đề cập bên trên, Trương Trọng Nghĩa đã để ngòi bút của mình gọi về những ký ức làng quê và đồng hiện chúng trong hiện tại để được thức nhận và thực chứng quan hệ hiện sinh của chính mình và anh gọi đó là “con đường dắt tôi đi về phía nỗi nhớ” (Ngày về). Không có nỗi nhớ ấy, anh sẽ trở thành người có tội và mắc nợ, trước hết, với từng suy nghĩ và cảm giác bé nhỏ của anh:
Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay
(Bay lên từ cánh đồng)
Sau đó, là mắc nợ với quê hương, nếu một ngày bất chợt anh thấy tâm hồn mình nặng trĩu “mỏi mệt giữa chốn thị thành”. Khi đó, anh sẽ trở thành người buông xuôi theo tiếng gọi tìm về của hồn quê yêu dấu: “Ta cứ mặc kệ chuyện đời/ Về lặn hụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp/ Nơi góc vườn có những nụ trâm ổi lặng lẽ nở chờ ta”. Anh tha hồ lang thang trong những không gian hoài niệm tuổi thơ:
Về nghe tiếng lũ chim gì đó hót sau nhà
Con ong bầu náu mình nơi cột nhà nghe lời ru cánh võng
Đêm có tiếng ếch nhái gọi trăng bên con mương nhỏ
Và ta là chú dế trũi lang thang…
(Một ngày)
Cái nhìn hiện thực mang tính hoài niệm và trực cảm trong thơ Trương Trọng Nghĩa, lúc đầu xuất phát từ những quan hệ thiêng liêng, gần gũi theo tinh thần sinh thái học thiên nhiên. Chúng hiện lên thành hình ảnh, ngôn từ mang tính trực quan sinh động. Ở đó, Nghĩa thấy được giữa con người và thiên nhiên trong sự tác động tự nhiên vốn có của nó dưới ánh sáng “nhân loại trung tâm luận”, mượn/ coi thiên nhiên là sinh thái chủ đạo để thể hiện nỗi lòng mình bằng cái nhìn gần gũi, thân thiện, gắn kết, bao dung với nơi “chôn nhau cắt rốn” của anh. Nhưng càng về sau, khi kết tinh thành “cái nhìn nghệ thuật”, theo cách nói của Bakhtin, thì Trương Trọng Nghĩa đã thấy được mối quan hệ cộng hưởng, tương tác giữa thiên nhiên và con người ở tầm nhận thức mới, có tính hiện đại và hậu hiện đại như chúng vốn có. Khi ấy, hiện thực sinh thái được phản ánh trong thơ anh trở thành hiện thực sinh thái văn hóa – tinh thần; từ đó, giúp Nghĩa hình thành nên những diễn ngôn về thế sự và quê hương sâu sắc, có chiều sâu văn hóa và tinh thần đạo đức sinh thái hiện đại hơn trước đó, dù có khi đó là kết quả của vô thức sáng tạo:
Giật mình từng bầy sẻ nâu bay vút lên
Hương lúa nồng nàn chiều quê hát lời rơm rạ
Đất rì rầm những dòng diệp lục đêm ngày hối hả
Cho hạt nảy mầm, cây ươm nụ sinh sôi
Về bên cánh đồng chạm khoảng trời mênh mông
Nhớ mùi khói và giấc mơ chập chờn cổ tích
Tuổi thơ như cánh diều đã khuất xa mờ mịt
Những ngày xa xưa đành gửi lại trong thơ
(Bên cánh đồng lớn)
Từ đó, những lây lan cảm xúc diễn ra, mặc cho ký ức gọi ký ức, những chập chùng ảnh tượng đứt nối hiện về trong hiện tại để anh tìm lại “giấc mơ bị đánh mất”, có thế, anh mới được thỏa mãn mong ước của mình, dù chỉ là trong tâm lý, có khi là ảo giác thiên di:
Bằng cách nào đó tôi đã vẽ rất nhiều khối lập phương
Trên những cánh hoa tulip vừa được cắm
Đêm qua hình như có cơn mưa ngang qua thành phố
Cơn khát tôi uống cạn bầu trời…
Và tôi đã hát bằng lời của loài thiên di.
(Giấc mơ bị đánh mất)
Nghĩa là trong vô thức, anh có thể bị phân thân thành nhiều “cái tôi khác”, chúng cộng hưởng và đối lập nhau, va đập, xoay tròn như đứng trước mặt kính vạn hoa. Những mảnh vỡ tiềm thức đồng hiện:
Soi mình trong mảnh vỡ chiếc gương
Tôi chạm mặt những cái tôi rất khác
Cái tôi trần tục, cái tôi thiên thần, cái tôi không phải là tôi…
Trân trối nhìn nhau như kẻ thù.
(Mảnh vỡ)
Những giấc mơ không bình yên hiện về chập chờn, mê tỉnh. Và như một “cơn ác mộng”, một thoáng thôi miên, anh tự thú: “Tôi thấy hồn mình đang rời khỏi xác/ Và tự tôi phủ định chính tôi” (Cơn ác mộng). Tiếp theo là một bừng thức trong mê: “Nửa đêm/ Ai mang khu vườn đi mất/ Chỉ còn những cánh bướm chập chờn rợn ngợp giấc mơ tôi” (Cánh bướm vườn xưa). Để sau đó là một trạng huống chập chờn, mộng mị khác thiên di mệt lả trong anh:
Trong bảng lảng khói sương, trong mịt mùng mây phủ
Tôi tìm bóng mình giữa thành phố của những người lạ xa
Đêm nguyện cầu thấy tôi một mình ngồi khóc
Tỉnh dậy mồ hôi đẫm ướt đầm đìa trên ngực áo
Và tôi thấy tôi đang quỳ…
(Cơn ác mộng)
Nếu phê bình sinh thái(ecocriticism) được Cheryll Glotfelty định nghĩa một cách ngắn gọn “đó là phương pháp phê bình nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường sống”, thì thơ Trương Trọng Nghĩa đã thể hiện mối quan hệ này một cách cụ thể, mà ở đó anh là chủ thể ngôi thứ nhất đang hiện hữu mình trong từng quan hệ với cảnh và người của quê hương – chủ thể nhân hóa ngôi thứ hai – giờ đã là ký ức mù xa, nhưng không bao giờ xao nhãng trong tâm hồn dễ tổn thương và xao động của anh: “Đàn trâu cuối cùng đã ra đi/ Đêm qua gió bấc về, cánh đồng oằn mình/ Bỗng nhớ tiếng “nghé ọ” còn đâu đó trong ký ức/ Chấp chới cánh diều vi vút trong những cơn mơ” (Bên đồng chiều). Đô thị hóa nông thôn diễn ra với tốc độ chóng mặt đã làm thay đổi môi sinh. Nghĩa thấy đau lòng trước tình trạng “Không một ai tiếc thương cho đàn cà cuống đã không về nữa/ Con cua đồng tự xây cho mình nấm mộ/ Nỉ non bài ca của chú dế nhỏ độc hành”. Đạo đức sinh thái qua từng ký ức tâm trạng xót xa của Nghĩa hiện lên: “Trên mảnh đất hương hỏa ông tôi/ Cỏ mọc xanh khuất lấp con đường cũ”, đến nỗi anh không nén được xúc động bằng giọt nước mắt hoài niệm bi ai: “khóc cho tháng ngày ấu thơ không còn nữa”. Những câu hỏi trần tình không cần câu trả lời thay cho lời từ biệt bóng mùa qua luôn xuất hiện trong thơ Nghĩa:
Bè bạn bỏ quê kiếm sống hết rồi
Xóm nhỏ ngày xưa giờ cũng thành phố chợ
Bên cánh đồng con sáo già ngơ ngẩn
Đàn trâu bỏ đi đâu rồi, trâu ơi!
(Bên đồng chiều)
Quê nhà giờ đây mẹ không còn nữa, lời ca dao xưa chỉ còn trong ký ức rưng rưng. Anh đành gửi chút mong manh vào kỷ niệm bằng những câu thơ buồn như những cuộc chia ly:
Gởi lại cho mùa khoảng trời thơ bé
Gởi lại cho đêm nỉ non tiếng dế độc hành
Gởi lại cho đời mái tóc xanh thời con gái
Để câu thơ buồn như một cuộc chia ly
(Là chút mong manh)
Trong quan hệ phức hợp của đời sống hiện đại, những kinh nghiệm quan hệ mới sẽ xuất hiện trong thơ, giúp con người thức nhận lại cả quá khứ và hiện tại. Điều này được Thông diễn học hiện đại gọi là sự vẫy gọi của văn bản, làm cho người tiếp nhận hiểu sâu sắc hơn giá trị của thi phẩm. Trương Trọng Nghĩa là người trải nghiệm quan hệ sinh thái quê hương và nâng chúng lên thành cảm quan sinh thái nhân văn, đạo đức cao đẹp. Anh đã bổ sung vào thi giới của mình hiện thực mới nhưng cũng trên cái nền đồng hiện nuối tiếc những ám ảnh mẫu gốc (archétypes) nặng sâu. Những quan sát trực quan của anh về xã hội đô thị hiện đại, giúp anh có cơ hội nhìn thấu thị ký ức làng quê của mình, từ góc nhìn tham chiếu tương đồng và đối lập, nhằm vực dậy niềm tin cho những điều tốt đẹp rồi sẽ đến cho cố hương anh. Và cũng chỉ có thơ mới giúp Nghĩa hoàn thành trọng trách ấy với tâm niệm “Vội vàng thơ anh viết đề tặng ngày xưa” (Qua sông Tiền chợt nhớ).
Theo các nhà hình thức luận Nga, thơ được xem là thể loại thể hiện sự “bạo động có tổ chức đối với những lời nói thường” một cách thi pháp hấp dẫn nhất. Tập thơ Bay lên từ cánh đồng của Trương Trọng Nghĩa,từ góc nhìn sinh thái, sự bạo động ở đây được nhà thơ tổ chức bằng những câu thơ mang cảm quan hoài niệm nhân văn nhức nhối tình đời, tình người. Cuối cùng, ngay cả trong tình yêu, anh cũng phải dựa vào thiên nhiên để xoa dịu lòng mình trước muôn trùng ngọn gió:
Anh băng núi tìm em chỉ thấy cánh rừng sương phủ
Chiều xuống nghe hoang vu tiếng gọi muôn trùng gió
Đá bạc đầu vì lời hứa rêu phong
Em ở đâu giữa trăm năm những huyền thoại xanh màu
Hay dỗi hờn trốn trong cô liêu miền nhan sắc
Nên cơn mưa đi qua vội vàng vẫn còn thơm mùi tóc
Anh đi tìm hết chín ngàn tám trăm mười ba bậc đá
Chỉ gặp nỗi cô đơn của cánh rừng già
Và vi vu lời gió thiết tha…
(Mưa qua miền tóc thơm)
Anh mượn mưa và khúc đồng dao thời thơ dại để hóa giải nỗi buồn thông qua mối tình xưa cũ: “Mưa nhẹ nhàng rơi trên tóc em, trên bờ vai em/ mưa như người bạn cũ/ mưa nhắc em khúc đồng dao thời thơ ấu/ mưa khúc khích…/ tiếng em cười…/ gọi mùa về trên những ngón tay ngoan” (Khúc đồng dao mưa). Ở đó, anh thấy được: “Mong manh dáng em lá cỏ/ Lời yêu xa ngái mấy mùa” (Khẽ chạm cơn mưa).
Nhận xét về thơ Trương Trọng Nghĩa, nhà phê bình Võ Tấn Cường đã tinh tế nhận ra chất hoài vãng trong từng cảm xúc của anh: “Ký ức của tác giả hướng về sự tiếc nuối cái đẹp nguyên sơ, chân chất của làng quê đã phôi pha theo thời gian, theo sự biến đổi của xã hội. Ký ức của tác giả quay về với kỷ niệm tuổi thơ mang vẻ đẹp lung linh và thi vị… Cái nhìn và cảm hứng của tác giả mở rộng và hướng về những mối quan hệ với thiên nhiên, nghệ thuật, tình yêu, cuộc sống”. Tôi hoàn toàn thống nhất với nhận định này khi đi tìm chất thơ và giọng điệu thơ Trương Trọng Nghĩa. Có gì yên bình và hạnh phúc hơn khi cái mất đi lại được tìm thấy trong ký ức vẹn nguyên, trong nỗi nhớ đồng hiện hồn quê, chân quê và tình quê của chính người thơ: “Ngồi nhặt vệt thời gian trên tóc mẹ, nghe tháng ngày bình yên”. Cơ chế của tâm lý tự vệ khi bị đánh mất điều gì đó chính là thái độ phủ định nó để được bình yên, để không bị đe dọa, để được tìm lại chính mình giàu có, tin yêu. Có thế, Nghĩa mới thấy yên bình tâm thế, như cách để anh tạ lỗi với cánh đồng, tạ lỗi với quê hương:
Ngày trở về tôi như đứa trẻ lần đầu đi xa
Rụt rè với đôi bàn chân đất
Những ngày bước thấp, bước cao trên mặt ruộng nứt nẻ chỉ còn trơ rạ
Nhớ mùi khói đốt đồng và vị ngọt cọng cỏ gà xưa.
(Ngày về)
Đó là hành trình ra đi và cũng là hành trình trở về của hồn thơ Trương Trọng Nghĩa.
*
Hai tập thơ, hai chặng hành trình nghĩ suy, rung cảm và sáng tạo, Trương Trọng Nghĩa đã tự khẳng định tâm thế và tâm cảm của mình để hình thành chất thơ và thi pháp cá nhân. Thơ anh nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở. Và trong quá trình đô thị hóa của xã hội Việt Nam thời hiện đại, nó giúp nhà thơ và giúp người đọc tìm về nguồn cội để được sống lại trong không – thời gian sinh thái thiên nhiên và nhân văn trong sáng, thanh bình cho mỗi phận người và mỗi kinh nghiệm quan hệ người. Nó đánh thức “con người nhà quê” luôn ẩn núp trong mỗi một chúng ta.
Vỹ Dạ, Huế, đêm 26/10/2019
PGS.TS Hồ Thế Hà
(Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 937, số cuối tháng 3/2020)