Trong khi mọi người kéo nhau ra rạp xem “Bố già” thì mình chọn “Raya và rồng thần cuối cùng” để xem cùng con. So với “Bố già” với gần 20 suất chiếu trong ngày thì “Raya và rồng thần cuối cùng” chỉ có 1 suất chiếu duy nhất tại CGV Mỹ Tho, với chỉ trên dưới 10 khán giả, nhưng đây là một phim hay về hình thức lẫn nội dung và rất đáng xem.
Mình hầu như không có thông tin gì về bộ phim trước khi đến rạp. Sở dĩ chọn “Raya và rồng thần cuối cùng” vì đây là phim duy nhất trong ngày phân loại P cho bé nhà mình.
“Raya và rồng thần cuối cùng” với một cốt truyện không mới và mặc dù là phim ‘bom tấn’ Mỹ nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam nên tạo cảm giác rất gần gũi, quen thuộc. Từ phong cảnh cho đến món ăn, trang phục, ngôn ngữ… trong bộ phim đều mang những nét Việt Nam và Đông Nam Á.
Vùng đất Kumandra với dòng sông lớn chảy qua tựa như sông Mê Kông chảy qua nhiều nước Đông Nam Á. Biểu tượng rồng thiêng cứu giúp mọi người, đem lại an lành hạnh phúc hết sức ý nghĩa với người Việt Nam, được xem như “Con Rồng cháu Tiên”. Những khu chợ nổi trên sông buôn bán tấp nập gợi nhớ khung cảnh miền Tây Nam bộ. Sự xuất hiện của nhiều loại trái cây nhiệt đới như: thanh long, sầu riêng, vải, xoài, quýt… và cả món mít sấy mà Raya mang theo trong hơn 6 năm đi tìm rồng thiêng đều rất Việt Nam. Trong phim, mỗi khi bước vào không gian linh thiêng, các nhân vật đều bỏ giày dép để thể hiện sự tôn kính với thần linh, tổ tiên. Nhà làm phim cũng không quên hình ảnh những những tre quen thuộc của Việt Nam và cả chiếc bánh chưng làm lễ vật khi Raya mang ra cúng rồng thần Sisu. Các màn võ thuật trong phim rất đẹp mắt với những thế võ Vovinam của Việt Nam và Pencak silat (Indonesia) hay Muay của Thái.
Nhưng cái hay của phim chính là thông điệp mà các nhà làm phim muốn chuyển tải, đó là lòng tin ở con người và sự đoàn kết. Trong một thế giới mà con người đang mất lòng tin, họ có thể dùng nhiều thủ đoạn để lừa nhau, cốt để giành lấy viên ngọc rồng, bất kể đó là một bà lão tóc bạc phơ hay đứa bé chưa biết nói. Nếu như các bộ phim của bộ phim Disney và Hollywood trước đây, cái tôi cá nhân được tô đậm thì bộ phim này lại hướng đến một thế giới đại đồng, hướng đến sự đoàn kết và sự hòa hợp dân tộc để phát triển. Hành trình của Raya đi giải cứu chú rồng cuối cùng khi loài rộng bị tận diệt là một hành trình của niềm tin và tinh thần hướng đến cộng đồng. Rồng thần Sisu là một huyền thoại linh thiêng nhưng lại rất “hồn nhiên”, chinh phục khán giả bằng sự hài hước và những lời thoại hết sức dễ thương.
Trong một thế giới đầy sự chia rẽ, luôn có sự tranh giành quyền lực và đi dần đến sự duyệt vong thì chính sự đoàn kết, hàn gắn những vết thương và tha thứ cho nhau mới đem lại thịnh vượng. Một thông điệp tuy cũ nhưng rất nhân văn và thời sự hiện nay. Đó là suy nghĩ của ông bố trung niên khi xem phim, còn đối với trẻ con thì đây là một bộ phim thú vị với những kỹ xảo đẹp mắt, câu chuyện hấp dẫn, những tình tiết vui nhộn và nội dung chứa đựng nhiều thông điệp mang tính giáo dục. Một phim hay để xem cùng con!