Home Bài viết Chàng trai Tiền Giang giữ hồn nghệ thuật truyền thống

Chàng trai Tiền Giang giữ hồn nghệ thuật truyền thống

0
Chàng trai Tiền Giang giữ hồn nghệ thuật truyền thống

Bộ sách quý về nghệ thuật cổ truyền Nam bộ “Lục tỉnh cầm ca” do nhóm Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD) thực hiện, NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành vừa ra mắt công chúng tại Đường sách TP.HCM. Trưởng nhóm tác giả “Lục tỉnh cầm ca” là Phan Khắc Huy (sinh năm 1987), chàng trai Tiền Giang với nhiều tâm huyết giữ gìn nghệ thuật truyền thống và là người truyền lửa đam mê lịch sử, văn hóa Việt cho những người trẻ.

BỎ NGÀNH Y ĐỂ THEO ĐUỔI ĐAM MÊ

Phan Khắc Huy từng là thành viên CLB Sáng tác văn học trẻ (Hội Văn học, Nghệ thuật Tiền Giang). Có lẽ vì là “con nhà nòi” (mẹ anh là nhà văn Thu Trang, ông ngoại là nhà văn Minh Lộc và cụ cố là nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt) nên Phan Khắc Huy đam mê văn chương, yêu thích đọc sách từ nhỏ. Quyết định từ bỏ Y khoa sau hơn 5 năm theo học Đại học Y Dược TP.HCM của Huy ban đầu khiến gia đình và không ít bạn bè không khỏi bị sốc. “Cho đến lúc này, tôi tin rằng đó không phải là một quyết định liều lĩnh” – Phan Khắc Huy chia sẻ: “Tôi nhận ra, mình không yêu thích ngành học này. Hiện nay, y đức là vấn đề nổi cộm của cả xã hội, một bác sĩ không yêu nghề, chỉ vì tiền thì trước sau gì cũng sẽ làm hại bệnh nhân của mình”.

Sinh ra và trưởng thành ở vùng đất Tiền Giang – cái nôi của nghệ thuật cải lương, các loại hình âm nhạc và biểu diễn phong phú của vùng đất này đã tự nhiên thẩm thấu và tạo cho Huy sự ham thích và suy nghĩ để làm sao vốn văn hóa ấy được tiếp tục lưu truyền, sáng tạo. Không đồng tình khi nhiều người vẫn cho rằng giới trẻ hiện nay không quan tâm nhiều đến lịch sử – văn hóa truyền thống. Phan Khắc Huy muốn chứng tỏ rằng giới trẻ đang quan tâm đến lịch sử – văn hóa theo cách riêng của mình. “Trong thế giới điện toán này, người trẻ muốn tự mình sáng tạo giá trị của riêng mình dựa trên chất liệu cổ truyền, vì vậy, có lẽ, họ cần những kênh thông tin, kênh giáo dục trải nghiệm, chuẩn xác nhưng gần gũi để có thể tìm về giá trị truyền thống, lựa chọn chất liệu để sáng tạo, để kế thừa và tạo ra giá trị mới”.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nhạc sĩ Lê Hải Đăng và NSND Đinh Bằng Phi tham dự chương trình Diễn xướng Nam bộ

Từ ý tưởng đó, Phan Khắc Huy cho ra đời “Lớp học vui vẻ”, một lớp học về những kiến thức văn hóa – lịch sử, với mục tiêu hướng đến là những bạn trẻ tự nguyện và hào hứng đến lớp học. Những vấn đề văn hóa, lịch sử tưởng chừng rất khô khan, kém hấp dẫn nhưng qua cách dẫn giải vừa gần gũi, vừa sáng tạo của Huy, kiến thức trở nên thật hấp dẫn. Các buổi nói chuyện chuyên đề hấp dẫn của “Lớp học vui vẻ” về các chủ đề liên quan đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử,… thu hút đông đảo các bạn trẻ đến dự và tham gia trao đổi. Không lâu sau đó, Phan Khắc Huy sáng lập “Thư Quán Cội Việt”, là nơi lưu trữ hơn 3.000 đầu sách phục vụ hoàn toàn miễn phí cho các bạn trẻ từ sáng thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần.

TỪ “DIỄN XƯỚNG NAM BỘ” ĐẾN “LỤC TỈNH CẦM CA”

Bộ sách “Lục Tỉnh Cầm Ca” (gồm 4 quyển: Đường vào hát bội, Đường vào diễn xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào đờn ca tài tử, Đường vào cải lương) ra đời với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh. Đây là kết quả của dự án truyền thông, giáo dục nghệ thuật “Diễn xướng Nam Bộ” kéo dài trong thời gian hơn hai năm, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ gạo cội.

Dự án được khởi động từ ý tưởng và kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Trong dự án này, Phan Khắc Huy và các cộng sự đã cố gắng đưa nhiều loại hình diễn xướng cổ truyền tái hiện trên sân khấu với sự dẫn dắt, diễn giải của các nhà chuyên môn. Các loại hình đã giới thiệu bao gồm: Hò, Lý Nam Bộ, hát sắc bùa Phú Lễ, hát bóng rỗi, hát bội, đờn ca tài tử và cải lương. Tất cả các chương trình sâu khấu đều bán vé, hướng đến đối tượng là bạn trẻ và quay lưu trữ.

Chặp bóng Tuồng Địa Nàng trên sân khấu Diễn xướng Nam bộ

Từ những kết quả đã đạt được sau 8 kỳ tổ chức sân khấu và hơn 10 chương trình workshop, Phan Khắc Huy và nhóm tác giả đã sắp xếp để xuất bản bộ sách “Lục Tỉnh Cầm Ca” như một giáo trình ngắn gọn, súc tích, hướng dẫn các bạn trẻ chưa có sự hiểu biết bắt đầu nhập môn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật xưa. Sách được in màu, minh họa theo hình thức hiện đại kết hợp với kỹ thuật QR Code để người xem có thể vừa đọc, vừa nghe nhạc, vừa thưởng thức video biểu diễn minh họa.

Những kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật truyền thống được trình bày hết sức cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành cho đến đặc điểm nghệ thuật của từng loại hình. Bên cạnh đó là những chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình diễn xướng Nam Bộ của nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng; sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận và chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền.

Độc giả quét QR code để thưởng thức biểu diễn Diễn xướng Nam bộ trên điện thoại

Phan Khắc Huy chia sẻ: “Nam Bộ là cái nôi nuôi dưỡng hàng chục loại hình diễn xướng để đến thế kỷ XX, khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, con người nơi đây đã tổng hợp được cũ – mới, kết hợp được Đông – Tây để sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu cải lương, vừa kế thừa được vốn dân nhạc phong phú, vừa thủ đắc được những kỹ thuật sân khấu mới tân thời. Nơi tôi lớn lên, Tiền Giang được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương Nam bộ. Tinh thần của cải lương là vừa cải cách sáng tạo, vừa kế thừa. Chính tinh thần ấy đã gợi mở cho tôi cảm hứng và cách làm trong các chương trình – dự án văn hóa của mình”.

Với công trình này, nhóm tác giả đã mất hơn 3 năm vì công đoạn xử lý nguồn tư liệu, tổ chức ghi âm, ghi hình khá nhiều và phức tạp. Theo Phan Khắc Huy: “Điều đáng tiếc nhất là đã có nhiều loại hình diễn xướng gần như thất truyền, chúng tôi không tìm được nghệ nhân am hiểu hoặc có những loại hình đã thay đổi rất xa khỏi cái gốc ban đầu”. Có thể thấy trong lĩnh vực diễn xướng, ông cha ta đã sáng tạo không ngừng để ngày càng hay hơn, tốt hơn. Tuy vậy, do chiến tranh, do sự thay đổi của thị hiếu quá nhanh, thế hệ sau gần như bị đứt mạch, không thể tiếp nối kịp sức sáng tạo ấy. “Tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục các chuỗi dự án nối lại mạch nguồn, bày biện lại những kết quả mà thế hệ đi trước đã đạt được”, Huy cho biết.

“Với mô hình dự án “Diễn xướng Nam bộ” đã đạt được một số kết quả rất đáng phấn khởi, tôi mong rằng, mình có thể giới thiệu những kết quả đó đồng thời rất sẵn lòng hướng dẫn lại mô hình, phương thức thực hiện để dự án có thể được nhân rộng và tiếp cận được với các khán giả trẻ ở quê nhà, nhất là với các em học sinh – sinh viên. Biết rồi mới yêu, yêu rồi mới tìm đến mà thưởng thức, để các loại hình sân khấu tồn tại và tiếp tục phát triển, chúng ta cần đào tạo một tầng lớp khán giả trẻ có tri thức và biết cách thưởng ngoạn”. Phan Khắc Huy đang ấp ủ nhiều dự định trên quê hương Tiền Giang, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn anh.

LÊ VĂN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here