Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa cho ra mắt tập thơ “Bay lên cùng cánh đồng”, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
Đọc toàn bộ tập thơ, độc giả sẽ bắt gặp hình ảnh đất đai, cánh đồng, dòng sông và bầu trời quê hương – nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên với tần suất “đậm đặc”. Thơ của Trương Trọng Nghĩa giản dị, chất phác và trong sáng đến lạ. Khi đọc một bài thơ, trong đầu chúng ta sẽ có một thoáng quê hương của vài chục năm trước. Đối với những độc giả lớn tuổi thì có thể đến 50 năm, 60 năm kỷ niệm; còn đối với thế hệ trẻ thì cũng có một ký ức đẹp, thời gian ngắn hơn. Mỗi người sẽ nhớ về tuổi thơ của mình như những bức tranh đẹp, không thể phai mờ.
Thơ của Trương Trọng Nghĩa có rất nhiều hình ảnh bình thường của ngày xửa ngày xưa, như cánh đồng, bùn đất, đàn chim, nồi canh rau tập tàng hay cả nụ trâm, nụ ổi, nồi cá kho, đến con bìm bịp, con cá linh… Và trong sâu thẳm đó là sự biết ơn những giọt mồ hôi của mẹ và bàn tay chai sần của cha đã nuôi tác giả lớn lên và trưởng thành.
Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất con nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay…
(Bay lên từ cánh đồng)
Có thể nói, Trương Trọng Nghĩa là nhà
thơ của đồng ruộng và những nỗi nhớ về tuổi thơ êm đềm của tác giả dường
như luôn khắc khoải, thường trực nhớ về những ngày tháng cũ:
…“Nếu một ngày bỗng thấy mỏi mệt giữa chốn thị thành
Ta cứ mặc kệ hết chuyện đời
Về lặn hụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp
Nơi góc vườn có những nụ trâm ổi nở lặng lẽ chờ ta”.
(Một ngày)
Đọc bài thơ Tuổi xuân cánh đồng có thể xem là kết tinh của hồn thơ Trương Trọng Nghĩa:
“Mẹ tôi gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên cánh đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo
Cha tôi gửi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả
Cánh đồng qua từng mùa gieo gặt vẫn mượt mà xanh.
Trên cánh đồng ấy, những người thân của nhà thơ hiện lên với biết bao gian truân, vất vả để làm nên màu xanh sự sống. Cha mẹ anh đã:
“Trải qua bao tháng, bao năm
Lúa trên đồng vẫn xanh mà tóc cha đã bạc
Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt
Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn”.
Nhà phê bình văn học Võ Tấn Cường đã tinh tế nhận ra chất hoài vãng trong từng cảm xúc của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Cái nhìn và cảm hứng của tác giả mở rộng và hướng về những mối quan hệ với thiên nhiên, nghệ thuật, tình yêu, cuộc sống…”:
Tôi lớn lên theo từng đàn cá linh về
Từng mùa lũ trắng đồng, cánh cò mê mải
Bát cơm xanh xanh màu đọt choại
Ơ cá rô kho mặn đắng bờ môi.
(Quê nhà)
Nhận xét về thơ của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, PGS-TS Hồ Thế Hà cho rằng thơ Trương Trọng Nghĩa nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở… Nó đánh thức “con người nhà quê” luôn ẩn núp trong mỗi chúng ta.
HÀ ANH (Báo Ấp Bắc)