Tôi biết nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cách đây khoảng gần 3 năm. Có một điều hết sức đặc biệt là trong suốt thời gian gần 3 năm ấy, hầu như tôi chưa có dịp đọc qua tác phẩm thơ nào của anh cho đến cách đây hơn 2 tuần, tôi nhận được tập thơ mới nhất “Bay lên từ cánh đồng”.
Cảm xúc ban đầu khi cầm trên tay tập thơ này là một cái gì đó rất gần gũi với tôi – một người nông dân chính gốc. Diện mạo của tập thơ đã làm tôi háo hức đến lạ kỳ. Anh đã chọn màu của nắng với những cánh cò trắng vút lên rồi nhòa dần trong những mảng khói loang loáng như trên những cánh đồng ngày rạ rơm bắt đầu sứ mệnh.
Lật từng trang, đọc từng câu, từng bài rồi lật thêm trang nữa, trang nữa… Tôi đã tan vào thơ Trương Trọng Nghĩa lúc nào không biết khi tâm hồn mình chỉ là những hình ảnh của “đời người bao năm đong đếm thành tuổi cánh đồng/ qua hết mùa mạ non vẫn một màu xanh bát ngát” rồi thấy mình qua hình ảnh của tác giả trong thơ qua những câu: “Chúng tôi lớn lên từ cánh đồng bao la tình yêu của mẹ/ Từng hạt phù sa đắp bồi cho cây trái sinh sôi/ Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả một đời/ Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng”.
Sự hoài niệm vẫn hằn bên trong mỗi con người dù cuộc sống có đưa ta qua bao dãi hành trình và khoác lên đời mình bao nhiêu màu áo. Rồi những khi ngồi lại, dẫu chỉ là một khoảnh khắc thôi giữa bộn bề cơm áo, tâm hồn con người ta lại thèm được trở về với những điều bình dị gần gũi và thân thương nhất để thấy rằng, ta còn một góc bình yên nào đó để trở về nương náu, tìm sự chở che khi giông tố cuộc đời, tìm sự thứ tha mỗi khi vô tình mắc lỗi. Đó là nơi luôn dõi theo những bước ta đi và dang rộng vòng tay đón bước ta về. Ta như thấy loáng thoáng đâu đó trong tập thơ bay lên từ cánh đồng của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa một thông điệp rất hùng hồn: Nếu như thế giới này chẳng bình yên thì hoài niệm vẫn vẹn nguyên không di dịch. “Nếu một ngày bỗng thấy mệt mỏi giữa chốn thị thành/ Ta cứ mặc kệ hết chuyện đời/ Về lặn hụp bên khoảng sông mênh mông ấu thơ tắm táp/ Về nghe tiếng lũ chim gì đó hót sau nhà/ Con ong bầu náu mình nơi cột nhà nghe lời ru cánh võng”.
Tôi còn hình dung ở anh với những cái tôi rất đời đôi khi đôi khi len vào tâm hồn như muốn phá vỡ mọi quy cũ để thoát mình ra khỏi chính mình, để tan ra và thành một mảnh ghép với cái tôi rất trữ tình và nghệ sĩ. Được phát họa qua những câu thơ: “Rơi…Rơi…Rơi giọt sương đêm/ Nụ xuân thơm chợt say mèm môi hôn” và “Giấc xuân bừng nụ hoa vàng/ áo em xưa hóa mây ngàn tóc xanh”. Đôi khi u ẩn đôi khi lý trí và thậm chí và có khi say. Như mảnh ghép tâm hồn trong bài “Cơn ác mộng”:
Đêm liêu trai
Tôi đi về phía ngược sáng
Thứ ánh sáng ma mị của loài thiêu thân vừa giãy chết
Vật vã cơn đau hình hài, tê tái những nụ hôn buốt lạnh
Tôi thấy hồn mình đang rời khỏi xác
Và tự tôi phủ định chính tôi
Khi cơn gió đến gieo rắc mùi xú uế
Tôi thấy mình bay lơ lửng giữa trùng điệp sóng điện từ và khói bụi
Khi cơn mưa mang theo thứ axit đầy ám ảnh hủy diệt
Loài người vẫn ngủ mê trong đêm trường thế kỷ mệt nhoài
Khi những hàng cây đã nhường chỗ cho đường cao tốc
Xe cộ vụt qua như mũi tên vắt ngang thế kỷ không ưu tư …
Bản chất của người thi sĩ là vậy đó, cho nên mỗi một thi phẩm ra đời đều gắn trên mình một sứ mệnh mang tính dấu mốc của tâm hồn.
Quay trở lại với mảnh ghép chiếm phần ưu thế trong tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” với chất ngôn ngữ không quá cầu kỳ. Nhưng cách tổ chức và sắp xếp ngôn từ rất khéo léo và tài hoa, nó không quá rối rắm nhưng khiến người đọc phải lắng lại và rồi dường như tim mình bị một sức công phá dữ dội đôi khi đến ngạt thở.
“Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàn còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay
Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình
Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất”
Trương Trọng Nghĩa sử dụng hình ảnh rất giản dị và gần gũi mà ai đã từng là người con của quê hương, với sông nước, với ruộng đồng đều thấm thía đến tận xương máu, đó là hình ảnh như “bát canh rau tập tàng”, đó là hình ảnh “đứa trẻ với đôi bàn chân đất” đó là hình ảnh “chú dế đi hoang” đó là hình ảnh “trên bàn nhậu với một lão nông” đó là hình ảnh “vách đất, nhà tranh” và “chiếc cầu tre ngày cũ”… ngôn từ dung dị bao nhiêu, hình ảnh gần gũi bao nhiêu thì lại càng bóp tim người đọc bấy nhiêu vì những hoài niệm cứ men theo miền nhớ khẳm sâu vào tâm hồn tác giả. Thế mới biết tình yêu quê hương, xứ sở trong mỗi con người Việt Nam là mãnh liệt biết nhường nào.
Như con tằm cần mẫn rút ruột nhả tơ. Những người làm nghệ thuật nói chung và người thi sĩ nói riêng bao giờ cũng lặng lẽ dốc hết tâm huyết của mình để ươm cho đời những tác phẩm giá trị dù tác phẩm đó được nhìn ở gốc độ nào và được đón nhận ở vị thế nào.
Như những cánh cò, những làn khói. Tôi tin, từ cánh đồng hoài niệm của mình – Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa sẽ còn để tâm hồn mình vút lên với những tầng không gian thi vị.
Tôi cứ hình dung trong kho tàng thi ảnh của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vẫn còn đồ sộ những “quặng thô” chưa tôi luyện hết. Vậy, chúng ta hãy cùng chờ đợi và chúc cho nhà thơ tiếp tục bay lên cao hơn và xa hơn nữa để cống hiến thơ ca.
Nhà thơ Trúc Thanh