Với gương mặt cân đối hài hòa giữa thông minh và nhân hậu, ai cũng dễ đoán rằng Trương Trọng Nghĩa là một nhà giáo hay một viên chức trong ngành giáo dục. Nhưng thơ đã chọn anh. Thật vậy thơ chọn anh và trao cho anh một nhiệm vụ thân thiết thủy chung với thơ trong cuộc đời mình. Tôi không võ đoán áp đặt và đổ tội cho thơ, nhưng với góc nhìn khách quan không thiên lệch khi đọc và thẩm thấu thơ Trương Trọng Nghĩa tôi hệ thống lại cảm xúc và cảm nhận của tôi qua các ý chính đúc kết thành bài tham luận này.
Thơ Trương Trọng Nghĩa không dàn trải ý tứ, cảm xúc chân thành được nâng lên ở một tầm nghệ thuật ẩn giấu nhưng không kín đáo cho nên dễ được người cảm thụ đón nhận bằng tấm chân tình, chúng ta thử đọc:
“Tôi đi về phía tuổi thơ
Giâm lên dấu chân
Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống
Đất không đủ cho sức trai cày ruộng
Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…
Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca
Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…”
(Phía sau làng)
Ta thấy thơ Trương Trọng Nghĩa dễ đọc và cảm nhận, không cố làm rối rắm ý nghĩa như nhiều người làm thơ hôm nay đang làm, thơ anh chắt lọc từng câu chữ, ý và tứ hài hòa trong từng thi đoạn và cả bài thơ. Trong bài “Thành phố buổi sáng” anh viết:
“Giọt nắng đầu tiên
Rơi trên những tầng cao thành phố
Những ngôi nhà còn đang ngái ngủ
Chợt vỡ òa khúc hát ban mai…”
Và anh tự đóng lại cái cảm ngĩ của mình bằng câu:
“Bên cửa sổ một ngày mới lên
Những giọt nắng long lanh
Trong đôi mắt…
Cô bé nhà bên cạnh”.
Tưởng chừng như cái kết còn thiếu còn hụt hẫng trong cảm giác của người thưởng thức. Nhưng không phải như vậy, trong cái vẽ hời hợt ấy là sự sâu lắng của cảm nhận và cảm xúc còn đọng lại đâu đó chưa tan.
Giản dị chân thành cũng là nét độc đáo trong thơ Trương Trọng Nghĩa. Thơ giản dị chân thành chất chứa mà giàu cảm xúc kín đáo khiến lòng ta không khỏi bồi hồi. Với thái độ chấp nhận những cái mất rất tự nhiên như ngày mai mặt trời sẽ mọc ở phương đông… Những thay đổi theo qui luật không cưỡng lại được. Từ đó thơ anh không đau khi mất, không oán hờn trước những thay đổi diễn ra quanh cuộc đời. Đọc thơ Trương Trọng Nghĩa ta dễ thấy cái tâm trong anh lấn lướt cái tình, dù cái tình cũng rất rộng và sâu. Cái tâm luôn được thể hiện qua thái độ sống không hời hợt đến mức dửng dưng, nhưng không quằn quại khi bị mất đi một thứ gì đó trong đời. Với thơ anh: Ngậm ngùi mà không đau, anh không buồn phiền về những thay đổi dù cũng không giấu được một thứ tâm cảm nao lòng.
“Sông càng chảy càng xa nguồn cội
Con sãi ở chùa không còn quét lá đa…”
(Viết ở một làng nghề)
Thơ Trương Trọng Nghĩa đầy chất hoài niệm nhưng không đau đáu một sự tiếc nuối hay hờn trách, tất cả đền nhẹ nhàng đến và nhẹ nhàng đi như một định luật sẵn dành. Cái còn đọng lại trong hồn là kí ức khó nguôi. Đọc những câu:
“Nơi dòng sông đi qua
Tình yêu tôi còn cồn cào đôi bờ bãi
Tuổi thơ trôi qua biết bao mùa lũ
Hạt phù sa in dấu hình hài
Trong giấc mơ hàng đêm
Kí ức tuổi thơ lại về nguyên vẹn
Khúc sông hiền hòa những buổi trưa hè ngụp lặn
Bắt con chuồn chuồn cắn rún tập bơi…”
(Kí ức sông)
Người đọc không khỏi im lặng trong phút giây nào đó, để bâng khuâng hoài nhớ một chút kỉ niệm đời người mà dường như ai cũng có với quê hương.
Thi ảnh trong thơ anh là hình bóng cũ đã xa trôi nhưng chưa thể nhạt nhòa trong thơ Trương Trọng Nghĩa, giống như một bức tranh quá khứ vẫn đẹp lung linh bên đời người, thơ anh không níu kéo quá khứ nhưng không bỏ qua kỉ niệm, tất cả hòa trộn dằn co không buông không cố tình giữ mà như giữ chặt không rời. Đọc bài thơ “Điều không thể nói cùng em” tôi cảm thán lòng mình với những tình ý trong các câu:
“Rồi em cũng có chồng có con
Ngày gặp lại anh thành người cũ
Thương em suốt cuộc đời lam lũ
Lặn lội thân cò mặn giọt mồ hôi…
Đành im lặng thế thôi
Trước cuộc sống vốn nhiều giới hạn
Anh như kẻ trộm…”
Rất đơn giản bình thường nhưng rất xót xa.Ta nhận diện một nỗi buồn kín đáo mà vị tha, vì bất cứ lý do gì khi cuộc tình tan vỡ, sản phẩm của sự tan vỡ là thơ, những dòng thơ rấm rứt trăn trở, thường là như vậy. Kéo theo hệ lụy là nỗi oán hờn trách giận thậm chí là hận thù… Nhưng với Trương Trọng Nghĩa là ngoại lệ, anh vẫn nén lòng bình thản sống bằng cái tâm độ lượng cảm thông cho người bạn gái của mình.
Người ta thường đổ lỗi cho nhau và trách nhau,trong các cuộc chia ly, dù bất kể là lý do gì, ai cũng có cái lý để chất cái tội lên vai đối tượng của mình, và nhiều thứ nữa, Trương Trọng Nghĩa thì không. Anh nén lòng và nhỏ nhẹ than với riêng mình bằng mấy trang thơ mềm mỏng. Đó là tính vị tha, mà suy cho cùng vị tha là thứ đạo đức đứng đầu trong hệ thống đạo đức mà con người xây dựng được.
Không biết vị tha thì không thể thành một con người chân chính được, huống chi là một nhà thơ, có vị tha trái tim mới được mở rộng, cái tình mới có chỗ trú ngụ để tạo thành xúc cảm làm chất liệu nuôi sống hồn thơ như mạch suối nguồn trong tim người làm thơ.
Với Trương Trọng Nghĩa trong tập thơ đầu tay của anh “Những mảnh ghép không logic” là nguyên vẹn hình ảnh quê hương mộc mạc yên bình của anh mà anh từng gắn bó suốt thời ấu thơ và tuổi trẻ. Tản mạn trong thơ anh là những cơn mưa mãi không thôi, những mùa lũ tràn đồng, lối cỏ, những buổi tan trường và tình riêng một mảnh chan hòa trong đó với hồn quê.
Bài thơ “Đôi bàn tay mẹ” gần như một bức tranh bằng chữ, một thứ tranh để cảm chứ không phải để ngắm, anh viết:
“Cầm tay mẹ đưa lên mũi
Con nghe mùi bùn non
Những ngày mẹ cấy đồng sâu ruộng cạn
Có mùi khét nắng những buổi trưa đổ lửa
Và mùi hoa bưởi thoang thoảng mẹ gội đầu lúc chiều hôm…”
(Đôi bàn tay mẹ)
Hay những câu thơ trong lành:
“Anh trở lại tháng giêng vàng sắc áo
Lối cỏ xưa tìm lại dấu chân người
Ngu ngơ gọi
Em như thời trẻ dại
Thuở tan trường che chung một lá sen…”
(Tháng Giêng)
Đó là những thứ tình cảm bỏ lại quê hương khi anh đóng vai người xa xứ. Có đôi khi ta cảm nhận được một thứ nỗi nhớ quặn thắt tim mình khi anh sống những năm tháng ở miền phố thị, với bao lo toan cơm áo và tất bật công việc hàng ngày… Hơn cả nỗi nhớ, là một thứ hoài niệm thiết tha lòng , đọc những câu thơ:
“Mùa tàn vẫy gọi hương yêu
Ngút ngàn nỗi nhớ buồn hiu hắt buồn
Giật mình làm hạt mưa tuôn
Chắt chiu tôi gởi nỗi buồn lên mây…”
(Độc ẩm trong đêm)
Buổi sáng khi nhìn trên đường phố tiếng lốc cốc của những chiếc xe bán hàng rong bên con hẻm nhỏ, hay trầm ngâm bên ly cà phê đầu ngày, anh góp lại chất vào kí ức trang thơ đời mình làm phong phú thêm cho tâm hồn vốn đa mang đa cảm. Người làm thơ hôm nay ngày càng thêm đông, tưởng như vui, nhưng thật buồn khi họ tìm đến với thơ xem như một thứ hàng hóa dùng để đổi chút lợi danh ảo mà thôi (thật ra không có thể tìm được lợi danh gì trong thơ cả) số đông người ấy đã lầm rồi, họ dùng thơ để cố tình che lấp những hụt hẩng của tâm hồn vốn nặng vật chất và đầy toan tính… Trong dòng chảy ấy, thơ Trương Trọng Nghĩa lung linh phát sáng dù chưa phải hạt vàng nhưng có thể coi đó là hạt cát có màu sắc óng ánh sáng choang một góc tim người đọc thơ anh…
Sau tập thơ đầu tiên là “Những mảnh ghép không logic” với những thành công nhất định bước đầu, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa lại trình làng tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” công tâm mà nói đó là một bước tiến dài trong tâm hồn và cả nhận thức của anh, tập thơ mang dáng vấp của một người đã trưởng thành hơn so với chàng thanh niên vừa học làm người xa xứ ở tập thơ đầu. Đó là một khúc hát tặng cho quê hương mình chớ không còn miên man trong nỗi nhớ ngày cũ và hình bóng cũ. Bằng Những câu thơ vui chan chứa trong lòng:
“Mùa sang chưa mà em thay áo mới rồi
Nghe hối hả chợ hoa những ngày giáp tết
Chuyến phà xuân băng băng rẻ sóng
Chở mùa sang cùng muôn hoa vạn thọ rực vàng”
(Giêng rồi em)
Hay trong bài “Khúc đồng dao mưa”, Trương Trọng Nghĩa viết:
“Đôi lúc một mình bên hiên mưa
Em chợt nghe khúc hát
…
Chiều nay bất chợt mưa
Phố bỗng như trẻ lại
Và em hồn nhiên như thuở mười ba mười bảy
Cùng mưa hát suốt quãng đường về…”
Thi sĩ đã quen thành thân thiết với mảnh đất mà mình gắn bó:
“Bất chợt mưa một chiều châu thổ
Em qua sông còn vấn vương câu vọng cổ dân ca
Dòng sông rộng đã vắng bóng những chuyến phà
Nhịp sống vỗ về nghe miên man bờ bãi…”
(Qua sông tiền chợt nhớ)
Với những tình cảm đôn hậu và lời thơ chân thành, nhưng thơ anh cất giữ một nội dung sâu sắc, với một hàm lượng trí tuệ cao, đó là điều mà nhiều người làm thơ hôm nay khó có thể có được.
Đọc những câu thơ sau trong bài: “Giấc mơ bị đánh mất”
“Chẳng nhớ được gì về giấc mơ đêm qua
Tỉnh giấc chỉ mình tôi giữa căn phòng trống
Ai đã mang giấc mơ tôi đi
Hay giấc mơ tự rời bỏ trong đêm nguyệt thực
Dấu tích chỉ còn lại những vết trầy xước nơi lồng ngực căng đầy…”
Hay trong bài “Khẽ chạm cơn mưa”:
“Bờ rêu xanh miền kí ức
Hàng thông ngỡ dáng em gầy
Chạm tóc em cơn mưa lạ
Xa mùa hương ngọt ngào say…”
Ý và tứ, lý và tình hiển hiện đậm và rõ nét đơn sơ mà nâng lên một tầm duy lý cứ như ẩn hiện trong thơ anh, đó cũng là nét độc đáo riêng có của thơ Trương Trọng Nghĩa.
Hiện nay nhiều người làm thơ cố tình tạo ra sự rối rắm quanh mình, gây khó hiểu cho người đọc, cố tình phủ quanh thơ mình một chút lý sự, coi như một thứ triết lý mơ hồ không giá trị. Thì thơ của Trương Trọng Nghĩa hoàn toàn ngược lại thái độ này. Thơ của Trương Trọng Nghĩa giản dị mà không bình thường, nên hiểu đầy đủ về hồn thơ Trương Trọng Nghĩa không dễ. Thật vậy! Tôi đã đi đọc lại nhiều lần qua nhiều khoảng thời gian và không gian khác nhau, mỗi lần đọc lại miên man một cách cảm xúc mới mẽ. Nhưng cái giống nhau ở các lần đọc vẫn là sự trân trọng giá trị đạo đức, thể hiện một tính cách điềm đạm chân tình.
Tôi hiểu rằng trong một phạm vi hẹp của bài viết nầy cũng chỉ phát hiện ra một góc nhỏ của hồn thơ đằm thắm của anh, còn nữa… Trương Trọng Nghĩa vẫn còn trẻ về tuổi đời, đường đi phía trước còn rất thênh thang, mong anh giữ được hồn thơ đáng quí giá nầy dù mai kia có muôn điều biến ảo vây quanh cuộc sống đời người. Bằng tấm lòng anh em chân thành tôi xin tặng anh mấy câu thơ cảm khái khi được đọc thơ anh:
“Tóc bồng chỡ nặng ân tình
Còn gì giữ lại cho mình Nghĩa ơi
Ngựa hoang ngược dốc đường đời
Tấm thân bụi đất…
Ngọt lời thơ bay”.
Nhà thơ Lê Quang Vui