Home Cảm nhận & Chia sẻ Từ cánh đồng làng chữ, bay lên cùng anh Thợ Làm Vườn

Từ cánh đồng làng chữ, bay lên cùng anh Thợ Làm Vườn

0
Từ cánh đồng làng chữ, bay lên cùng anh Thợ Làm Vườn

Nhắc đến Thợ Làm Vườn (nickname trên mạng của nhà thơ trương Trọng Nghĩa), có lẽ nhiều người trong giới sáng tác văn thơ, nhất là các Nhà thơ trẻ thế hệ 8x, 9x, hẳn không ai xa lạ. Tôi quen biết Trương Trọng Nghĩa từ khi anh còn tham gia Câu lạc bộ sáng tác trẻ Tiền Giang. Khi ấy anh đã được nhiều người biết đến với tập thơ đầu tay“Những mảnh ghép không logic”. Với những câu thơ ấn tượng, bộc bạch như lời tâm sự, trải lòng của chàng trai miệt rẫy ruộng, những câu thơ mộc mạc, chân thành như không thể chân thành hơn “Những chú ếch đồng ngày xưa/ Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa/ Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống/ Bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…”/ Tôi đi về phía tuổi thơ/ Giẫm lên dấu chân/ Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống/ Đất không đủ cho sức trai cày ruộng/ Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…/ Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca/ Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…/ Cánh đồng làng giờ nhà cửa chen chúc mọc/ Đâu còn những lũy tre ngày xưa…/ Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…” (Phía sau làng) trong tập thơ năm ấy đã ngún vào lòng người hâm mộ và khẳng định vị thế của anh trên thi đàn cả nước.

Năm 2019, bẵng đi sau nhiều năm, anh bất ngờ cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới “Bay lên từ cánh đồng” – Nhà xuất bản Văn hóa – văn nghệ. Lật mở từng trang của tập thơ, ta lại bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân quen của miệt đồng quê sông nước: cánh đồng, lão nông, rau tập tàng, con cà cuống, chú dế nhỏ, cọng cỏ gà… nhưng với những góc nhìn mới, lạ và dạt dào cảm xúc. Vẫn là hình ảnh người mẹ gầy, lam lũ trên cánh đồng mưa nắng, anh ví cuộc đời của mẹ tựa như “Tuổi xuân cánh đồng” và anh tâm sự “Mẹ tôi giữ tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng/ cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo”, “Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt/ Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn” (Tuổi xuân cánh đồng),để rồi anh luôn nhủ mình phải là đứa con hiếu thảo, phải luôn có những ước mơ, hoài bão, khao khát vươn lên trong cuộc sống để đáp hiếu công ơn của mẹ, nhưng vẫn không nguôi nhớ về nguồn cội, cũng như nhủ lòng không làm mẹ buồn, thất vọng về mình.

Tôi chạy theo đàn sẻ nâu khát những chân trời xa tít
Mùa xuân bay vút lên từ những cánh đồng”

(Tuổi xuân cánh đồng)

Mẹ luôn là nguồn cảm xúc bất tận cho các nhà thơ giải bày trên những câu thơ của mình. Trương Trọng Nghĩa cũng không ngoại lệ. Trong thi phẩm“Bay lên từ cánh đồng”, anh có rất nhiều bài thơ viết về người mẹ hết mực yêu thương của mình. Các bài thơ như: Tuổi xuân cánh đồng; Một ngày…; Bay lên từ cánh đồng; Bên cánh đồng lớn; Đứng trước nền nhà cũ; Quê nhà; v.v… Ngay cả những bài thơ viết về đài tài khác như  “Trên bàn nhậu với một lão nông” hay “Ký ức nội tôi” anh cũng đều có nhắc về người mẹ của mình với một niềm kính nhớ. Điều dễ cho ta thấy ở Trương Trọng Nghĩa, mẹ là quan trọng nhất, không có gì có thể thay thế mẹ, mẹ là niềm tự hào của anh, mẹ rất đỗi thiêng liêng. Mỗi khi nhắc về quê nhà, anh không thể nào quên được.

 “Giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn
Nhịp mưa rơi trên mái lá nao lòng”

(Quê nhà)

Một ngày mệt mỏi nơi chốn thị thành, anh thèm lắm “Bữa cơm chiều/ chén canh rau tập tàng, ơ cá kho quê kiểng/ Một ngày nơi quê nhà dường như rất lạ/ Ngồi nhặt vệt thời gian trên tóc mẹ, nghe tháng ngày bình yên…” (Một ngày). Thèm lắm. Khao khát lắm. Nhưng rồi anh bỗng lo sợ khi một lần về đứng trước nền nhà cũ. “Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo/ mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều” (Đứng trước nền nhà cũ). Bằng những câu thơ tự nhiên, không cầu kỳ, cảm xúc chân thật đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, không hề khách sáo.

Ký ức cũng luôn là một phần không thể thiếu trong tâm linh, trong đề tài của mỗi người làm thơ. Trương Trọng Nghĩa cũng có đầy ắp những ký ức buồn vương thương nhớ của riêng mình. Ký ức về cánh đồng là một ví dụ điển hình nhất.

“Đàn trâu cuối cùng đã ra đi
Đêm qua gió bấc về, cánh đồng oằn mình
Bỗng nhớ tiếng “nghé ọ’ còn đâu đó trong ký ức
Chấp chới cánh diều vi vút trong những cơn mơ”

(Bên đồng chiều)

“Mảnh vườn cũ chỉ còn trong ký ức
Đàn chim xưa bay đi mãi không về
Tôi về đứng nghe tuổi thơ thổn thức
Nắng bông đùa trêu mái tóc hoa râm”

(Đứng trước nền nhà cũ)

Ai đó đã nói thơ là tiếng lòng, là thư ký trung thành của trái tim. Quả đúng như vậy. Nếu ai đã từng gặp gỡ, biết qua Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, thì chắc sẽ có cùng cảm nhận giống như tôi. Trương Trọng Nghĩa thật sự có một trái tim nhân hậu, hiền lành, chất phác như chính con người của anh vậy. Đọc thơ Trương Trọng Nghĩa ta lại bắt gặp tiếng lòng của một anh Thợ Làm Vườn trên cánh đồng làng chữ. Anh luôn trăn trở về những nỗi cực nhọc của người nông dân, thương cảm những nhà tranh vách đất, rồi lại băn khoăn về giá cả nông sản bấp bênh. Trong bài “Trên bàn nhậu với một lão nông” anh viết “Khi biết tôi làm thơ/ Ông bảo chú em hãy viết về nỗi khổ của người nôn dân, về giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng, còn nông sản thì bấp bênh giá cả/ về con đường bao năm hết lầy lội đến bụi mù/ về đây đó nọ kia…”. Vâng, phải yêu quê hương lắm, thấu cảm với ruộng đồng lắm và phải có tấm lòng với người nông dân lắm, Nhà thơ mới chắt chiu nên những câu thơ như một lời mắc nợ.

“Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngái ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay”

(Bay lên từ cánh đồng)

Khi khắc họa về cuộc chiến tranh, ký ức về nội của mình, về câu chuyện Pol Pot tràn sang tàn sát bà con, anh đã bật khóc.

“Nội kể những năm bình định quê mình bám đất giữ làng
Nội kể có lần Pol Pot tràn sang tàn sát bà con
Nội kể về những đồng đội xác còn gửi lại chiến trường
Nội kể và rồi nội khóc
Tuổi già mắt lệ như sương…”

(Ký ức nội tôi)

Và một lần nữa ta lại bắt gặp hình ảnh “con cà cuống” mà hơn hai mươi năm trước Trương Trọng Nghĩa đã có lần dầm nước mắm đãi bạn bè trên bữa tiệc thơ “Phía sau làng” cay xè nước mắt. Lần này anh nhắc lại cùng bạn bè với một niềm nhớ thương đau đáu.

“Đi qua tuổi thơ
Bàn chân còn bám đầy vết phèn nâu đỏ
Tôi – gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng
Thấp thoáng bóng mùa trôi…”

(Ngày về)

Ta hiếm thấy, nhưng không phải không có những bài thơ gợi nhớ “một thời ta đã yêu” của Trương Trọng Nghĩa, trong bài “Khúc đồng dao mưa” anh mượn cơn mưa để gợi nhắc về bao kỷ niệm rất dễ thương, yêu đời lắm.

“mưa nhẹ nhàng rơi trên tóc em, trên bờ vai em
mưa như người bạn cũ
mưa nhắc em khúc đồng dao thời thơ ấu
mưa khúc khích…
tiếng em cười…
gọi mùa về trên những ngón tay ngoan
Mưa
mưa rơi
mưa rơi rơi…
la la la là…”

Hay những ngày đi qua nắng, gió, bụi đường, chợt ai đó đánh rơi điệu bolero, bài hát đã vô tình quên tên nhưng nhắc anh nhớ những điều xưa cũ, như một chuyến xe vừa đi ngang qua ký ức.

“Bao lần nhớ chợ hanh hao ngày tháng
Để rồi quên những chuyến xe vội vã trong đời
Ngày lạc em cùng bao điều bí mật
Tôi mệt nhoài giữa ngày tháng rong chơi…”

(Trên chuyến xe đò miền Tây)

Đọc “Bay lên từ cánh đồng” ta có cảm giác nhà thơ đôi lúc muốn thoát ra khỏi những lối mòn cũ, muốn tự làm mới mình, nhưng rồi cũng như “con cà cuống”, anh vẫn thấy mình không thể rời xa cây lúa, không thể từ bỏ đồng ruộng, làng thôn. “Trên chuyến xe đò miền Tây” anh bộc bạch “Chẳng gì có thể giải thoát tôi khỏi tình trạng này/ Chẳng ai có thể cứu vãn một cuộc rời không kỳ hạn/ Những cột cây số không sao đo đếm hết/ Từng nỗi tôi trôi dài theo bánh xe lăn”. Những bài thơ như: Mảnh vỡ, Cơn ác mộng, Giấc mơ bị đánh mất,… là những bài thơ Trương trọng Nghĩa trải nghiệm mới, tự làm mới mình.

Khép lại tập thơ “Bay lên từ cách đồng” lại muốn mở ra. Đọc lại thêm một lần nữa để cùng với anh Thợ Làm Vườn – Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa thổn thức về tình người, tình đất về những miền ký ức yêu thương.

Chủ nhật, 09/08/2020
Nhà thơ NGUYỄN THANH HẢI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here