Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa hay nói về Mẫu. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng mang bản sắc văn hóa Việt Nam rất đậm đà. Những giá trị nhân văn, nhân đạo mà tín ngưỡng thờ mẫu để lại là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước, ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ và quan trọng nhất là niềm yêu thương, trân trọng biết ơn đối với những người sinh thành dưỡng dục, có công với cuộc đời mỗi người và sự nghiệp chung của các dân tộc. Hình ảnh người mẹ trong tín ngưỡng dân gian và trong tâm thức người Việt là hình ảnh của người chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng và dạy dỗ cho mọi người. Điều đó lý giải vì sao cả khi vui lẫn khi buồn, khi thành công hay thất bại người ta đều muốn trở về để nhận được sự bao dung, vỗ về của người mẹ.
Dường như Trương Trọng Nghĩa có một niềm tin vào Mẫu rất mãnh liệt, vì thế thơ anh có nhiều dấu ấn khi viết về người mẹ. Trương Trọng Nghĩa dành cả một bài thơ Tuổi xuân cánh hồng nói về “cánh đồng bao la tình yêu của mẹ”. Hình ảnh mẹ, hình ảnh mẫu trong thơ anh cũng xuất hiện rất nhiều trong các bài thơ khác. Đó là những hình ảnh bao bọc, chở che, đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở, trù phú và hết sức nên thơ. Hình ảnh người mẹ không chỉ vĩ đại trong tâm trí người Việt mà còn vĩ đại trong tâm thức của những dân tộc, con người biết trân trọng yêu quý cái đẹp. Nhà thơ M. Gorki từng thốt lên rằng:
Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn ai
Theo thống kê của chúng tôi, 35 bài trong tập thơ Bay lên từ cánh đồng (Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2019) của Trương Trọng Nghĩa hình tượng mẫu đã xuất hiện không dưới 10 bài thơ và các biến thể tương ứng của mẹ như bà, chị, đàn bà…
Trong bài Tuổi xuân cánh hồng, hình ảnh người con rõ ràng là một ẩn dụ cho đời sống, sự tồn tại của vạn vật, trăm điều trong cuộc chiếu đấu của đấu trường tiến hóa. Hình tượng Mẫu là đấng toàn năng, hoàn bị, đã sinh thành ra con người, che chở, bảo vệ cho những đứa con và giúp chúng sinh tồn, thích nghi, tranh đấu bảo vệ sự sống của chính mình:
Mẹ gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo…
Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt
Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn…
Chúng tôi lớn lên từ cánh đồng bao la tình yêu của mẹ
Từng hạt phù sa đắp bồi cho mùa cây trái sinh sôi
Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả cuộc đời
Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng
(Tuổi xuân cánh hồng)
Người ta tin rằng, trong bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu, với mọi hoàn cảnh của cuộc sống, mẫu với nhiều hóa thân khác nhau luôn luôn theo sát, nâng niu, bảo vệ và làm nhiệm vụ dẫn đường cho con vượt qua bao khó khăn, thử thách, bao sóng to gió lớn của cuộc đời:
Mẹ tôi gầy gò như cây lúa héo non
Cố tiễn tôi qua hết những cánh đồng trơ rạ
Tiếng còi tau vang rền làm đàn chim giật mình hối hả
Bay vút lên từ phía những cánh đồng
Bỏ lại khoảng trời mênh mông…
(Bay lên từ cánh đồng)
Hình ảnh con trong những câu thơ trên vừa có tính cá thể đơn nhất vừa mang tính quảng đại quần thể, đó là biểu hiện của sức mạnh hiên ngang, mạnh mẽ trong quá trình khám phá bản thân, thâm nhập vào thế giới và khát vọng vươn tới tương lai. Quá trình như vậy không thể có được sự thuận lợi ngay từ đầu mà còn tiềm ẩn những hiểm nguy, vất vả. Hình ảnh mẫu vụt hiện như nhân vật nâng đỡ, hỗ trợ, bảo vệ vô hình trong mọi trường hợp cho nhân vật con.
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa coi mẫu là thần tượng. Trong thơ anh, mẫu đại diện cho sự sinh sôi nảy nở, trù phú; mẫu còn là đấng toàn năng với các chức năng sinh thành, che chở, bảo vệ, hướng dẫn và cùng con vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.
Con nước lớn ru phù sa trầm tích
Mẹ qua sông bôn vạn thọ rực vàng
Khoảng sông rộng chở bốn mùa cây trái
Những mùa màng nghe nặng trĩu phù sa
(Chiều sông Tiền)
Và lời ru của bà, của mẹ sẽ lớn dần theo con
(Ngày con chào đời)
Người mẹ vất vả nhọc nhằn là hình tượng thơ thường thấy để phản ánh nỗi cực khổ của đời người và một thời kỳ dài đã qua. Khác với phong cách diễn tả truyền thống, phong cách diễn đạt của Trương Trọng Nghĩa thật góc cạnh và chính sự chân thật góc cạnh ấy lại càng làm ám ảnh người đọc về những hình tượng nhà thơ xây dựng. Tuy vậy, thơ Trương Trọng Nghĩa có những câu thơ gợi nhớ cho chúng ta phong vị ca dao của những làng quê xưa về người mẹ hiền:
Những xóm nghèo với bà mẹ quê lam lũ
Tôi tiếc thương vách đất, nhà tranh và những chiếc cầu tre cũ
(Trên bàn nhậu với một lão nông)
Ngồi nhặt vệt thời gian trên tóc mẹ, nghe tháng ngày bình yên…
(Một ngày)
Hình ảnh mẹ “tóc bạc phơ” đã in bóng trong thơ văn truyền thống nay lại in bóng trong thơ Trương Trọng Nghĩa qua cái nhìn tinh tế hơn của “vệt thời gian”. Hình ảnh của người mẹ, của quê hương tuổi thơ rõ ràng vẫn còn vang bóng trong đời sống của nhà thơ:
Ngày tôi sinh bìm bịp khản giọng gọi con nước lớn
Lũ ngập trắng đồng, hoa điên điển vàng mênh mông
Giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn
Nhịp mưa rơi trên mái lá nao lòng
(Quê nhà)
Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo
Mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều?
(Đứng trước nền nhà cũ)
Hình ảnh mẫu hay hình ảnh mẹ là hình ảnh mà nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã cố công gây dựng trong tác phẩm của anh. Đó là đấng toàn năng, đấng cứu rỗi và phù hộ độ trì cho những người con, mang ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Vì vậy, đó là khát vọng vô biên của con người trong đời sống vật chất và tâm hồn. Đó là sự chở che vĩ đại cho linh hồn con người. Hình ảnh người mẹ chắc chắn được lấy ra từ đời sống thực, đời sống của loài người. Người mẹ là người sinh thành, dưỡng dục và hy sinh vì con, là người mẹ đồng cam cộng khổ, là người mẹ theo sát người con trọn một đời. Trương Trọng Nghĩa viết về mẹ vô cùng cảm động, sự cảm động không chỉ dâng lên ở con tim mà còn dâng lên cả trong khối óc.
TS. NGUYỄN TRỌNG HIẾU