Home Bài viết Livestream – “Vũ khí” mới của báo chí

Livestream – “Vũ khí” mới của báo chí

0
Livestream – “Vũ khí” mới của báo chí

Kỹ năng livestream (phát hình trực tiếp) bằng smartphone (điện thoại thông minh) là lớp bồi dưỡng nghiệp vụ vừa được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang tổ chức trong hai ngày 23 và 24-3 tại Thành phố Mỹ Tho. Chỉ trong 4 buổi học ngắn ngủi, các học viên được trang bị thêm nhiều kiến thức mới như: Xây dựng kịch bản hấp dẫn cho buổi livestream, những thủ thuật thu hút người xem, kỹ năng quay video và biên tập hình ảnh cũng như những lưu ý cần tránh khi làm livestream…

XU HƯỚNG LIVESTREAM

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay. Trong đó, Facebook ra đời năm 2004, trở thành mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Hiện nay, 60.6% người dùng internet có sử dụng Facebook và 1,84 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày, theo thống kê năm 2021. Trong khi đó, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới là Youtube cũng có sự phát triển với tốc độ chóng mặt, và Việt Nam là quốc gia sử dụng Youtube đứng thứ 2 trên thế giới.

Chúng ta vẫn thường nói vui rằng “ai cũng có thể làm báo, ai cũng có thể livestream” trên mạng xã hội. Vài năm trở lại đây, livestream trở thành xu hướng tất yếu của báo chí trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nó tỏ ra rất hiệu quả trong công tác truyền thông. Chính vì thế mà các tòa soạn báo trên thế giới, lẫn ở nước ta không thể đứng ngoài xu hướng này.

Nhà báo Hoàng Đức Long, Trưởng phòng Thông tin Chính trị – Xã hội thuộc Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam là người trực tiếp hướng dẫn lớp chia sẻ: “Qua thực hiện nhiều buổi livestream trên trang Vnews của Truyền hình Thông tấn, tôi nhận thấy việc livestream cực kỳ hiệu quả, thu hút được đông đảo người xem nhất đối với những thông tin “nóng”.

Với sự hỗ trợ đắc lực của chiếc điện thoại thông minh, công việc của nhà báo trở nên dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Thông tin nhanh chóng được chuyển tải đến với bạn đọc và bạn đọc có thể lập tức hòa mình vào sự kiện cùng với phóng viên cho dù đang ở bất cứ đâu.

Thế mạnh của livestream là tính khách quan, chân thực bởi đó là sự kiện đang diễn ra dưới sự chứng kiến của rất nhiều người, chứ không phải qua lăng kính phản ánh của phóng viên như xưa nay. Không chỉ được xem tận mắt sự kiện đang diễn ra, người xem còn thể đặt câu hỏi cho các phóng viên để có thêm thông tin. Livestream vì thế luôn nóng hổi, sống động như chính cuộc sống và đó là yếu tố đầu tiên thu hút khán giả.

Những lợi thế của livestream như: sự nhanh nhạy, linh hoạt và tính tương tác cao… sẽ tạo nên dấu ấn và đó là “món đặc sản” của  báo điện tử mà không có loại hình báo chí nào sánh được. Nếu khai thác tốt việc livestream thì đây chính là “vũ khí mới” của nhà báo trong cuộc chạy đua để mang những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất đến với bạn đọc.

Nhà báo Hoàng Đức Long trao giấy chứng nhận cho các học viên

KHÓA HỌC THIẾT THỰC VÀ BỔ ÍCH

Tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng livestream bằng smartphone lần này có hơn 30 học viên là các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí và các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phóng viên Nguyễn Mạnh Cường (Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang) cho biết: “Trước đây, đôi lần tôi livestream trên trang cá nhân nhưng chưa lần nào làm livestream dưới góc độ báo chí. Tham gia khóa học tôi tiếp thu được những kiến thức mới về việc sử dụng smartphone để tường thuật trực tiếp các sự kiện “nóng” nhằm kịp thời cung cấp thông tin nhanh nhất cho khán giả. Điều này  rất ý nghĩa và bổ ích cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và những người làm công tác truyền thông”.

Do lần đầu tác nghiệp với kỹ thuật livestream nên hầu hết các học viên đều khá bỡ ngỡ và không tránh khỏi thiếu những sơ sót. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của nhà báo Hoàng Đức Long, các nhóm thực hành đã nhanh chóng hoàn thành sản phẩm báo chí của mình sau khóa học. Các bài thực hành đều được giảng viên góp ý và hướng dẫn tận tình, giúp các học viên hiểu sâu sắc thêm về nội dung lẫn kỹ thuật livestream.

Nữ phóng viên Yến Vân (Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang) chia sẻ: “Trước đây tôi chủ yếu tác nghiệp ở bộ phận phát thanh của đài. Thật may, khi vừa chuyển sang bộ phận truyền hình thì tôi lại được tham gia lớp bồi dưỡng rất bổ ích và thú vị này. Trong khi đó phóng viên Phan Cao Thắng (báo Ấp Bắc) thì tâm đắc về “các kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp khi thực hiện live stream được thầy chia sẻ. Đồng thời, tôi cũng được thầy hướng dẫn cặn kẽ cách chuẩn bị nhanh kế hoạch live stream nhanh sao cho có hiệu quả tốt nhất. Những kỹ năng đó, tôi nghĩ rất cần thiết cho việc tác nghiệp sau này”.

Qua lớp bồi dưỡng, điều ai cũng nhận ra, đó là: Việc livestream trên mạng xã hội tưởng chừng dễ dàng nhưng đó lại là một công việc đòi hỏi sự đầu tư rất công phu và cẩn trọng. Trong đó, việc chọn lựa vấn đề nào cần thực hiện livestream và vấn đề nào không là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Có những vấn đề nhạy cảm khi livestream sẽ phản tác dụng, hoặc không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Việc chọn thời điểm vàng để bắt đầu livestream cũng hết sức quan trọng, vì một buổi livestream không thể quá ngắn, nhưng cũng không thể quá dài khiến khán giả mất kiên nhẫn. Một buổi livestream cũng cần chuẩn bị kỹ những nội dung thông tin liên quan để cung cấp cho khán giả, có phần dẫn nhập hấp dẫn, đồng thời phải có sự tương tác để thu hút khán giả…

Phóng viên Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Qua lớp bồi dưỡng lần này, tôi được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến nghiệp vụ báo chí, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cũng như nâng cao hơn khả năng dẫn hiện trường của bản thân. Đồng thời khóa học này cũng đã  tạo điều kiện cho bản thân tôi có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo từ các anh, chị phóng viên đang làm việc ở những cơ quan khác”.

Phóng viên Phan Cao Thắng cũng gửi gắm: “Trong thời gian tới, tôi hy vọng Hội Nhà báo tỉnh tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cho đội ngũ làm báo. Nội dung cần thiết thực, gắn liền với thực tế tác nghiệp tại địa phương như khóa học lần này để các học viên có thể áp dụng ngay vào công việc của mình”.

LÊ VĂN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here