Home Bài viết “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” – Công trình mang ý nghĩa lớn

“Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” – Công trình mang ý nghĩa lớn

0
“Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” – Công trình mang ý nghĩa lớn

Những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Tiền Giang vừa được nhóm tác giả TS. Nguyễn Phúc Nghiệp (chủ biên), TS. Lê Thị Son, ThS. Lê Công Lý, ThS. Cao Thị Tuyết Loan, ThS. Võ Văn Sơn, ThS. Nguyễn Ngọc Lan Hương và ThS. Phan Thanh Bình giới thiệu trong tập sách “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” (tập 1). Sách dày 516 trang, khổ 16 x 20,5cm vừa được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 10-2020.

Thuật ngữ quốc tế “folklore” – Văn hóa dân gian, được sử dụng từ cuối thế kỷ 19 và hiện đang ngày càng được sự quan tâm của nhiều người, nhất là các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Thậm chí, nhiều người còn gọi văn hóa dân gian là “cội nguồn của văn hóa dân tộc”, là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”. Văn hóa dân gian chính là nơi hội tụ và nuôi dưỡng mạch ngầm tinh hoa của văn hóa dân tộc. Vì thế, việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời đại hiện nay là một công việc hết sức bức thiết và mang nhiều ý nghĩa, không những bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi người dân trong cộng đồng dân tộc.

Đối với Tiền Giang, một trong những địa phương có lịch sử khai phá sớm ở Nam bộ, thì văn hóa dân gian có bề dày và độ “đậm đặc” đáng kể. Theo nhóm biên soạn, địa bàn Tiền Giang nằm ở vị trí cửa ngõ giữa miền Tây nên từ rất sớm là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa. Tính chất “đa văn hóa” đó tỏ ra phù hợp với quy luật phát triển trong tự nhiên, giúp văn hóa dân gian Tiền Giang có trữ lượng phong phú và nét đặc thù riêng. Chính vì vậy, văn hóa dân gian Tiền Giang có vị trí khá nổi bật trong diện mạo văn hóa dân gian Nam bộ nói chung. Chính vốn văn hóa dân gian đó vừa là sản phẩm lại vừa là hành trang của người dân địa phương trong công cuộc khai phá vùng đất mới, thích nghi với thổ ngơi mới và sáng tạo thêm, làm phong phú hơn nữa vốn văn hóa dân gian của mình.

Mở đầu tập sách, nhóm biên soạn chia sẻ: “Văn hóa dân gian Tiền Giang vừa mang tính truyền thống, vừa có nét chung của cả vùng ĐBSCL, lại vừa mang đặc trưng riêng của đất Tiền Giang. Văn hóa dân gian Tiền Giang như là vốn sống, là linh hồn của cư dân nên có sức bảo lưu, lan tỏa và sản sinh rất cao. Văn hóa dân gian, do đó, chính là nền tảng của giá trị nhân văn quý báu, là cái nôi sản sinh mọi giá trị tâm hồn và tài năng sáng tạo của con người, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam.

Có thể nói “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” là một tập sách được biên soạn khoa học, công phu, nghiêm túc với nhiều tư liệu quý. Tập sách đã gửi đến độc giả những cái nhìn, diện mạo mới mẻ, rất đa dạng và phong phú về vấn đề của đời sống xã hội và con người; những nghệ thuật, phong tục – tập quán, tín ngưỡng; trò chơi – câu đố dân gian và địa danh Tiền Giang thông qua 8 chương với nhiều nội dung phong phú. Tập sách này đã góp phần quan trọng trong việc xác định các loại hình văn hóa dân gian tại tỉnh Tiền Giang để qua đó bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống xã hội hiện nay.

Ở chương 1 nhóm tác giả khái quát đôi nét về tỉnh Tiền Giang từ những ngày mới được khai phá từ khoảng đầu thế kỷ XVII, trải qua bao thăng trầm của lịch sử cho đến một Tiền Giang hôm nay đang vững bước trong thế kỷ XXI với niềm tin thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở chương 2 là phần nghiên cứu về ngữ văn dân gian với hai nội dung lớn là ngôn ngữ dân gian và văn học dân gian.

Ở chương 3 là các loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian từ nghệ thuật kiến trúc dân gian, nghệ thuật chạm khắc gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ dân gian, tranh dân gian… cho đến nghệ thuật kiểng cổ và nghệ thuật chưng kết là những loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian có thời gian hình thành và phát triển tương đối gần đây. Chương 4 tập sách là phần nói về tri thức dân gian với 4 phần nội dung là: Tri thức dân gian  trong việc thích nghi và ứng phó với môi trường thiên nhiên, Tri thức dân gian trong việc chữa bệnh, Tri thức dân gian trong lao động sản xuất và Tri thức dân gian về ẩm thực.

Chương 5 nói về tín ngưỡng dân gian, các tác giả tập trung làm rõ nguồn gốc, các nhân tố trong cấu trúc tín ngưỡng dân gian, cũng như đặc điểm và các hình thức tín ngưỡng dân gian, đồng thời đánh giá những ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của cư dân Tiền Giang. Sách khái quát khá rõ nét các hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Tiền Giang như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; Tín ngưỡng nghề nông, Tín ngưỡng nghề cá; Tín ngưỡng nghề thủ công; Tín ngưỡng tài lộc; Tín ngưỡng thờ cúng mụ; Tín ngưỡng thờ thần độ mạng: Tín ngưỡng thờ cúng Táo quân; Tín ngưỡng thờ cúng Hành binh, Hành khiển; Tín ngưỡng ngũ hành; Tín ngưỡng Thổ thần, Bà Chúa xứ, Tủy thần…; Tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền; Tín ngưỡng thờ cúng danh nhân và các anh hùng dân tộc; Tín ngưỡng thờ cúng cô hồn…

Chương 6 sách đề cập đến các phong tục dân gian, bao gồm các phong tục gắn với các lễ Tết trong năm (như Tết Nguyên đán, Tết mùng 5 tháng 5, lễ cúng rằm…); Các phong tục gắn với vòng đời người (như các phong tục gắn với việc sinh đẻ, hôn nhân, chúc thọ, tang ma, giỗ chạp, mừng lễ tân quan…); bên cạnh đó là một số kiêng kỵ trong Tết nguyên đán, đám cưới, tang ma, ăn uống, mua bán,v.v…

Ở chương 7 là phần nói về trò chơi và các loại đồ chơi dân gian phổ biến ở Tiền Giang. Chương 8 của sách nghiên cứu về đặc điểm địa danh ở Tiền Giang, phương thức và ngôn ngữ cấu tạo địa danh ở Tiền Giang cũng như một vài địa danh liên quan đến các sự kiện lịch sử.

Đây là công trình đã được Hội đồng khoa học – công nghệ tỉnh Tiền Giang nghiệm thu và xếp loại A. “Phác thảo diện mạo Văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang” là tập sách quý, một công trình hiếm hoi nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian ở Tiền Giang. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân gian tỉnh Tiền Giang thì đây là một tài liệu tham khảo quý dành cho việc giảng dạy và học tập các môn học thuộc chương trình giáo dục địa phương ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Lê Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here