Nguyễn Thị Kim Nhung sinh năm 1990 tại Cẩm Khê (Phú Thọ), là cây bút thơ nữ thuộc lứa “9X đời đầu”. Chị tốt nghiệp khoá 13 khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội và hiện làm việc tại Ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 2019, Nguyễn Thị Kim Nhung xuất bản tập thơ đầu tay “Thức cùng tưởng tượng” gây được chú ý.
Đến với cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 – 2020, Nguyễn Thị Kim Nhung đoạt giải Ba với chùm bài: Dần sáng, Làng đồi, Mùa thu Sơn Tây, Biên giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
DẦN SÁNG
Tiếng gọi loang đồng ruộng
làm giật mình bóng đêm
người đi soi trở về
men theo những tờ mờ sót lại
Nhà ai thổi cơm sớm
gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang
nuôi nhau qua ngày giáp hạt
Mẹ dặn đừng đáp lại
văng vẳng ai gọi mình
triền mê ta thầm vụng
rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn
Ta đã khác mà giọng người còn biếc
ban mai rạn những cơ hồ
Người vợ mặc lại áo
hai vạt khép bóng đêm
đôi vầng sáng mặc nhiên thầm tỏa
Sung một đời buông quả
không chạm nổi đáy ao.
LÀNG ĐỒI
Ngày xa vợi
người như nắng hừng lên điều gì
cây rùng mình trút lá vào mơ
Mơ thấy mùa quả vắng
sào tre khua chân mây
rơi tiếng cười bầy trẻ
Núi đồi kề nhau vẫn lẻ
đỉnh cao nào có thể chạm nhau
mây trắng phau một nỗi
Những thôi đường nắng dội
mình ngả vào bóng nhau
cây ngả vào bóng nắng
bóng làng ngả về đâu
Em gái đi hái rau
dại găm hồn chớm nở
tức ngực đồi xa.
MÙA THU SƠN TÂY
Trong vời xa của nắng
những con đường vẫn dẫn về nhau
màu áo ấy chưa thôi sờn bạc
hết chiến chinh đỏ bụi thao trường
Sơn Tây thoảng lời nhắc
đồn binh lẻ chân đồi
nắng mang màu đu đủ chín
người còn cách mấy thôi mưa
Trẻ trai như là nâu đất
dào lên ngọn vắng tàn xanh
đêm giấu bao nhiêu khao khát
cháy bùng một đốm khuya xa
Trời xanh bừng cơn sốt
mây trắng mải miết đắp khăn
em cách một nhịp thở
hoa keo trổ những chùm buồn
Nơi ngọn đồi sót lại
một đám mây chờm xuống mùa thu
những tiếng súng găm vào tàn tích
còn ai gọi mà thưa.
BIÊN GIỚI
Tiếng cất lên như trong lòng đất
hay vọng lại từ đá và cây
cũng có thể trời xanh dộng xuống
thiêng liêng dải đất này
Biên giới
Nơi ai cũng khẽ khàng chân bước
phía bên kia hung hiểm khó lường
bên này là thân thương xa xót
núi nghiêng mình lấy bóng che quê
Núi như người trai ấy
ngực xanh làm lá chắn
Không vì một cuộc chiến
mà chốn này gian lao
ngàn năm vùng biên viễn
núi dựng lên chiến hào
Những đêm này ta thường khó ngủ
biên cương đón khách chẳng ồn ào
ý nghĩ nhiều năm thành dự cảm
ta đã đến nơi này từ những giấc mơ
Không còn ai nhắc về cuộc chiến
hay họ nhắc mà không ai nghe
hay bởi vì không ai quên cả
nhắc làm gì điều đã nhớ ghi
Những giấc mơ của người thiếu nữ
chạm vào đâu cũng thấy ngại ngùng
lời muốn nói nghẹn trong bóng tối
biên viễn là gì mà xa xôi.
Nguyễn Thị Kim Nhung