Trong quá trình sáng tạo, nhà thơ thường đặt câu hỏi: “Bài thơ mình sáng tác có hay không?”. Không phải nhà thơ nào cũng tìm được câu trả lời chính xác. Có nhiều nhà thơ bị ảnh hưởng bởi tâm lý “con hát mẹ khen hay” hoặc “văn mình vợ người” nên đối với họ hầu như bài thơ nào của họ cũng đều hay cả.
Để xác định được tiêu chí của một bài thơ hay đòi hỏi phải xác định được những yếu tố nội tại và những yếu tố liên quan đến sự tiếp nhận của người đọc. Có một nhà thơ từng ví von, so sánh bài thơ hay giống như cô gái đẹp có tâm hồn. Như vậy, nhìn ở góc độ nội tại, bài thơ hay có nghĩa là bài thơ đẹp về ngôn từ, hình tượng và có ý nghĩa độc đáo, lạ về ý tứ. Bài thơ hay thường có ngôn từ dồn nén, cô đúc, giàu tính tượng hình và chất chứa cảm xúc thăng hoa, ẩn tàng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Cái hay của bài thơ biểu hiện ở nhiều cấp độ như: ngôn từ, câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, hình tượng, ý tứ. Cấp độ thường được xác định bài thơ có hay hay không là có một hoặc vài câu thơ hay. Nhiều nhà thơ suốt cuộc đời chỉ để lại một câu thơ hay cũng đã là sự thành công trong sự nghiệp sáng tác. Câu thơ hay thường gây dấu ấn, “ghim” vào tâm trí bạn đọc và sống lâu bền trong tâm hồn của con người. Nhà thơ Xuân Diệu có hàng ngàn bài thơ nhưng chỉ với hai câu thơ hay trong bài thơ: “Lệ” cũng đã đủ để tên tuổi ông sống với thời gian. Bài thơ “Lệ” có câu:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung”
Hai câu thơ này hay về ý tứ, bộc lộ cái nhìn nhân bản và tính triết lý về thân phận của con người trong cõi bao la của vũ trụ. Theo cái nhìn của Xuân Diệu, cuộc đời này đau khổ nhiều hơn hạnh phúc và cuộc đời con người như giọt nước mắt trôi giữa không trung.
Câu thơ hay thường gắn liền với cái lạ, cái độc đáo nhưng không phải cái lạ, cái độc đáo trong thơ nào cũng được xem là hay. Chẳng hạn những câu thơ sau đây:
“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh)
Hay: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” (Lê Đạt)
Hai câu thơ thật lạ và độc đáo về việc tạo hình và sự âm vang của ngôn ngữ nhưng khó có được sự đồng tình trong tiếp nhận của bạn đọc rằng đó là những câu thơ hay.
Ngoài tiêu chí về nội tại của bài thơ, tiêu chí về sự tiếp nhận của người đọc cũng chi phối đến việc đánh giá bài thơ có hay hay không. Người đọc tiếp nhận bài thơ và cảm thụ được cái hay cái đẹp của bài thơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tầm tiếp nhận, thị hiếu thẩm mỹ, tuổi tác, tâm trạng, trình độ văn hóa, hiểu biết về đặc trưng của thơ…Nhìn ở góc độ tiếp nhận, câu thơ hay, bài thơ hay sẽ tạo nên sự dao động về cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn người đọc. Qua sự tác động của câu thơ, bài thơ hay, tâm hồn người đọc sẽ có sự biến chuyển, trở nên phong phú, tinh tế và sâu sắc hơn. Câu thơ hay giúp cho người đọc thanh lọc tâm hồn và hướng tâm hồn về với thế giới của tình thương và cái đẹp.
Có một trăm nhà thơ sẽ có một trăm quan niệm khác nhau về thơ, trong đó có quan niệm thế nào là một bài thơ hay. Tuy nhiên, nếu dựa vào các yếu tố về nội tại của bài thơ và sự tiếp nhận của bạn đọc, chúng ta có thể tìm ra mẫu số chung liên quan đến tiêu chí của một bài thơ hay. Điều này sẽ là cơ sở để phân tích, cảm thụ và đánh giá một bài thơ. Điều này cũng là cơ sở để khẳng định giá trị nghệ thuật, tư tưởng của bài thơ đối với đời sống tinh thần của con người.
Võ Tấn Cường