Trương Trọng Nghĩa là một tác giả thơ trẻ nổi bật của đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây. Với sức sáng tạo dồi dào, anh vừa ra mắt thi phẩm thứ hai “Bay lên từ cánh đồng” (11/2020) và trước đó là “Những mảnh ghép không logic” gây chú ý.
“Bay lên từ cánh đồng” là thi tập thứ 2 sau thi tập “Những mảnh ghép không logic”. Chân dung người. Chân dung đời sống Nam Bộ hiện ra chất phát hồn hậu trong thơ anh. Có thể ví Nghĩa như một nhà Nam bộ học qua thơ. Tôi tin vậy…
Hãy lắng nghe anh:
“Tôi – Gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng. Thấp thoáng bóng mùa trôi…”
Một chàng trai còn rất trẻ. Một thành viên rất mới của Hội nhà văn Việt Nam. Tôi muốn giới thiệu về Trương Trọng Nghĩa. Cái tên và chân dung anh đã là một đề tài. Xuất thân từ cái nôi miệt vườn sông nước. Nên tính cách và con người của Nghĩa đẫm chất Nam bộ. Từ cách nói, cách nghĩ đến cách viết!
Tôi đọc anh và thấm những vết xước từ mùa hạn. Đẫm nỗi đời cơ cực gian truân để làm nên những mùa xanh của đất, Thổi vào đồng bằng hơi thở của sự sống. Những nét đặc trưng của miền sông nước. Đọc để nghe, để thấy hiện lên trong tôi một nỗi thân quen và gần gũi – để thấy hình ảnh lão nông tri điền. Một nốt lặng rất đặc biệt trong thơ anh:
“Ông cha tôi những lão nông tri điền
Quen mùi ruộng đồng. Am tường chuyện nông gia thời vụ
Bao đời cấy cày trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn
Rồi lặng lẽ ngày trở về với đất. Ôm đất trọn vào lòng che chở bao dung…”
Đọc thơ Nghĩa để lắng nghe thanh âm của cuộc sống đan xen, bước chân của ngày trở về, nỗi nhớ khắc khoải hằn sâu, ngân lên như chuông gió… Những con đường, những hàng cây ví như những người bạn thân đợi chờ nhau ở đó. Trút những giao cảm, tâm tư hoài niệm :
“Con đường dắt tôi về phía nỗi nhớ
Hàng cây mùa cũ xanh ngút ngàn
Chuyến xe chở nhọc nhằn nắng gió
Trôi giữa miền ký ức thênh thang…”
Cứ xốn xang, cứ đong đầy là thế . Vẫn nhịp sống Nam bộ thân quen thổn thức. Một hình ảnh mà khi nhắc đến lòng người cứ rưng rưng đến lạ:
“Mẹ tôi gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo
Cha tôi gửi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả
Cánh đồng qua từng mùa gieo gặt vẫn mượt mà xanh …”
Nếu như “Bay lên từ cánh đồng” Là một chuỗi những sự kiện mang hơi thở đồng bằng, được xâu thật đẹp mắt dưới đôi tay thạo nghề của người thợ kết chữ. Thì hãy lắng nghe anh. Trên chuyến xe đò miền tây hay “Khúc qua vàm cống”. Những hình ảnh rất gợi sự liên tưởng. Đẫm trong tôi một phương nam hoài cổ :
“Vì ai nửa câu dạ cổ
Xuôi chèo tìm nhặt chờ mong
Đêm nay lắng nghe trầm tích
Phù sa nặng chín dòng sông…”
Đọc với tôi để nghe nôn nao. Để nghe một nỗi nhớ rất lạ lẫm … Những ký ức một thời cứ ùa về . Cứ dội vào lòng tôi thổn thức. Những chuyến xe đò ngược xuôi trên con đường bụi đỏ. Những đợt sóng âm ỉ cháy lòng người ra đi và trở về. Cứ như cơn áp thấp dội vào ký ức, xanh lên những chuyến xe. Miên man những chuyến phà đầy ắp hoài niệm xưa. Một miền sông nước đặc trưng và quyến luyến người đi kẻ đến:
“Nửa đêm ngang Vàm Cống
Xót xa một khúc thương hồ
Mỏng mảnh vầng trăng mùng chín
Dập dềnh như phận bèo trôi…”
Dòng đời cứ trôi đi. Dòng người cứ qua nhau. Chỉ còn lại hồi ức và những thăng trầm của cuộc đời. Đôi khi ta lạc trôi vào cơn mơ, lạc vào giai điệu bolero thổn thức. Lắng nghe những nắng gió bụi đường:
“Giấc ngủ ngắn và cơn mơ lạc mất
Nắng, gió, bụi đường đánh rơi điệu bolero
Bài hát quên tên nhắc những điều xưa cũ
Bao chuyến xe và những kỹ niệm xanh màu…”
Cuộc người chất chứa trong thơ Nghĩa những nỗi niềm hoài vọng. Những trãi nghiệm những dự cảm. Đọc để lắng nghe thanh âm gọi về. Lắng nghe những bước chân vội vàng. Có khi rời rã . Có khi mõi mệt. Một cuộc người hối hả:
“Đã xa chưa mà nghe bề bộn những phân ly
Chiều hoang nắng những giọt cuối cùng chạy trốn
Ai đánh rơi, ai nhặt về khoảng trống
Trong hoang mang say cơn mệt của ngày…”
Tôi đọc anh để tìm về mùi quê thân quen. Tìm về miền ký ức thơ dại. Lòng tôi bay theo khói rơm. Bay theo cánh cò của mẹ. Bay theo bóng diều ngày xưa…Len vào miền thẫm sâu của vùng đất phương nam là hình bóng em vừa trong trẻo vừa hồn hậu, Là bóng dáng ấm áp và thân thuộc bên mâm cơm chiều của mẹ. Tôi mơ ngây ngô . Mơ như chú cà cuống ngoài đồng…Từ thi tập “Những mảnh ghép không logic” đến “Bay lên từ cánh đồng”. Hơn 10 năm nghe anh dự cảm:
“Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng
Ngày xưa bữa cơm chiều, mẹ nướng dầm nước mắm
Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẫm
Ký ức tuổi thơ. Ruộng rẫy bây giờ…”
Nhìn ở một góc khác của thơ: “Nghĩa đã có những câu thơ mang cảm quan hoài niệm dành cho trái tim mình”… PGS- Hồ Thế Hà
“Anh về đứng giữa tháng giêng và hát
Như gã điên thỉnh thoảng tự ru mình
Chỉ có em và tuổi thơ trẻ mãi
Cùng tháng giêng trong ký ức . Riêng anh..”
Tôi bắt gặp nỗi ám ảnh rất lạ trong thơ anh. Tôi thấy sự đa chiều bí ẩn trong tư duy thơ. Một nốt thăng rất đặc biệt khiến tôi nhớ và thật sự ấn tượng:
“Đêm liêu trai. Tôi đi về phía ngược sáng
Thứ ánh sáng ma mị của loài thiêu thân vừa giãy chết
Vật vã cơn đau hình hài, tê tái những nụ hôn buốt lạnh…”
Không dừng lại ở đó hãy cùng tôi nhặt những “Nụ xuân” rơi trong thơ anh. Nghe mùa xuân di trú qua đôi môi, qua giọt vỡ long lanh. Qua đêm trong vắt. Một nốt tình rất xanh. Tôi mường tượng thấy:
“Nụ xuân thơm
Chợt say mèm đôi môi
Vỡ. Long Lanh
Em dỗi hờn. Đêm trong vắt…”
Không chỉ để những con chữ tự hát. Những vân chữ tự định danh mà. “Người làm vườn” – Cách Nghĩa trãi lòng mình. Tôi thấy trong anh sự cần mẫn. Tươm tất chu đáo. Tận hiến khi viết … Mỗi bài thơ là một mảng tâm trạng đầy những cảm xúc chân thành, vì cuộc sống, vì nhân sinh vì cảm thấy như mình nợ cuộc đời này nhiều thứ vậy:
“Cũng chỉ là chút sương khói mong manh
Giấc mơ hoang tìm đôi làn hương mỏng
Đêm nguyện cầu, giọt sương soi mình nhặt bóng
Phía cuối vườn vừa rụng nụ trần gian…”
Có thể vài lời tôi cảm nhận về thơ Nghĩa. Vẫn chưa đủ thể hiện hết những tầng cảm xúc rất đặc biệt trong thơ anh. Những khát vọng rất xanh. Những trắc ẩn nhân sinh. Tôi nhìn thấy điều đó. Cuộc sống luôn là một bảng màu bí ẩn. Khám phá và tìm kiếm.
Phục vụ và tận hiến là hành trình gian khổ chinh phục cái đẹp nhân bản. Người làm vườn sẽ có thêm những mùa bội thu. Những ấn phẩm mới sớm sẽ chào sân. Khu vườn thơ sẽ rộn ràng thanh âm, lấp lánh sắc mầu cuộc sống. “Buổi sáng trong veo lời gió. Có đôi chim ríu rít trên nhành mai đầu ngõ…Giêng rồi đó em !” .
Tôi tin vậy! Và hy vọng mỗi độc giả hãy khám phá và thưởng lãm một nét xuân rất thi vị, rất đặc biệt và đong đầy cảm xúc trong thơ anh. Những nốt xanh ấn tượng trong thi tập “Bay lên từ cánh đồng” và “Những mảnh ghép không logic”.
“Hành trình của Trương Trọng Nghĩa là sự ra đi trong cuộc đời nhưng lại là sự quay về của ký ức trong quá trình sáng tạo thi ca…Dù viết về đề tài nào và hướng đến chân trời nào thì cái đích cuối cùng của thi ca cũng là sự trở về bản ngã của chính nhà thơ” – nhà Phê bình văn học Võ Tấn Cường.
Nói như thế để thấy ở nhà thơ Trương Trọng Nghĩa một lối viết phụng hiến. Đi từ cánh đồng thơ đến trái tim người đọc… !!
Mỹ Tho, 7.11.2020
Huỳnh Thị Quỳnh Nga
Nguồn: Duyên Dáng Việt Nam